Liên quan đến vụ 5 trung tâm đăng kiểm ở TP HCM, 4 cơ sở khác tại miền Tây bị cáo buộc nhận hối lộ để "phù phép" giấy đăng kiểm cho xe vi phạm, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi vi phạm của các trung tâm này là rất nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, với kết quả xác minh ban đầu, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 20 người về 4 hành vi là môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác.
Đây là những tội danh có liên quan đến chức vụ và tham nhũng, hành vi của các bị can được xác định là gây ảnh hưởng đến tính đúng đắn của việc thực hiện thủ tục hành chính, làm mất uy tín của cơ quan Nhà nước, và có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ông Cường, trong hoạt động đảm bảo an toàn giao thông, vấn đề đăng kiểm xe cơ giới là một khâu rất quan trọng để kịp thời phát hiện, loại bỏ những phương tiện không đảm bảo an toàn cũng như ngăn ngừa những phương tiện không đảm bảo an toàn có thể tham gia giao thông.
Nếu cơ quan đăng kiểm không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình hoặc bị mua chuộc, phát sinh tiêu cực sẽ có nguy cơ sẽ bỏ lọt các phương tiện không đảm bảo an toàn để tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, có thể xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Vị chuyên gia cho rằng, trong vụ án này nếu người nào đã đưa tiền để được đăng kiểm sai quy định chưa bị cơ quan chức năng phát hiện mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Đối với những số tiền đã đưa hối lộ để thực hiện hành vi trái pháp luật, sẽ bị thu hồi và sung công quĩ nhà nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 và khoản 8, Điều 364 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, không chỉ có người đưa hối lộ, người nhận hối lộ bị xử lý hình sự mà có cả những người "trung gian" cũng bị xử lý về tội môi giới hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự.
Ông Cường cho biết, hành vi môi giới hối lộ là hành vi "trung gian", "kết nối" giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ.
Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, khiến cho hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ có thể được diễn ra thuận lợi, gây ra những tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Nhà nước.
Bởi vậy, người thực hiện hành vi môi giới hối lộ cũng sẽ phải chịu mức hình phạt là phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm tù tùy vào tính chất mức độ hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 365 Bộ luật hình sự.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP.HCM đã chỉ đạo lực lượng CSGT mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các nhóm hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông, Công an TP.HCM phát hiện nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Kết hợp thông tin từ các nguồn đơn thư, phản ánh của người dân, kết quả phối hợp trao đổi thông tin của một số Cục nghiệp vụ Bộ Công an và các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP.HCM phát hiện các dấu hiệu sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại một số trung tâm đăng kiểm.
Qua đó, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác lập các chuyên án để tập trung lực lượng, triệt phá các đường dây tội phạm môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác do các giám đốc trung tâm đăng kiểm cầm đầu và đồng bọn thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.