Dân Việt

Nhìn lại năm 2022 với những sự kiện Giáo dục nổi bật

Tào Nga 26/12/2022 07:33 GMT+7
Những điểm đáng chú ý trong năm 2022 thể hiện rõ nỗ lực của ngành Giáo dục đồng thời cũng là thách thức cần thực hiện trong năm 2023.

Sự kiện giáo dục nổi bật năm 2022

Khai giảng trực tiếp sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19

Ngày 5/9, 23 triệu học sinh cả nước đã đến trường tham dự lễ khai giảng năm học 2022-2023. Không khí tưng bừng náo nhiệt khắp muôn nơi, sân trường rực rỡ cờ hoa, học sinh gặp nhau hớn hở trò chuyện, trêu đùa. Ngày tựu trường này mang tới nhiều cảm xúc mới mẻ. Đây là mùa khai giảng đáng nhớ của học sinh bởi 2 năm học các em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, năm 2021, học sinh nhiều tỉnh thành phải tổ chức khai giảng online.

Nhìn lại năm 2022 với những sự kiện Giáo dục nổi bật - Ảnh 1.

Với mong muốn học sinh có ngày khai giảng vui tươi, ý nghĩa, nhà trường đã có nhiều tiết mục văn nghệ và múa lân. Ảnh: Tào Nga

Lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 được nhiều nơi tổ chức thống nhất bắt đầu từ 7h30 sáng thứ hai ngày 5/9. Thời lượng tổ chức tối đa 60 phút, gọn nhẹ với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Đối với cấp học mầm non, các nhà trường tổ chức khai giảng theo hình thức "Ngày hội đến trường của bé" một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, nhằm tạo ấn tượng tốt, đảm bảo an toàn, sức khỏe của trẻ và bảo vệ môi trường trong ngày đầu tiên của năm học mới. 

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 với nhiều điểm mới

Năm 2022 cũng ghi dấu ấn của ngành Giáo dục trong nỗ lực tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Có một số điểm mới được áp dụng trong Quy chế năm nay. Có thể kể đến việc thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ GDĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Tất cả các nguyện vọng được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Nhìn lại năm 2022 với những sự kiện Giáo dục nổi bật - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển...

Quy chế cũng quy định, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.

Mùa tuyển sinh đại học năm 2022 còn chứng kiến việc bùng nổ phương thức xét tuyển với hơn 20 phương thức.

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11.

Chương trình mới áp dụng với lớp 3 gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc sau: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm. 

Nhìn lại năm 2022 với những sự kiện Giáo dục nổi bật - Ảnh 3.

Học sinh Trường THCS Mỹ Đình 1, Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Đối với lớp 7, Chương trình giáo dục phổ thông mới không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại. 

Đặc biệt, năm học 2022 – 2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp THPT với lớp 10, theo định hướng giáo dục nghề nghiệp, học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay, thay vào đó, các em học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Dừng thi IELTS

Đêm 9/11, website của Hội đồng Anh (British Council) tại Việt Nam đăng thông báo về việc tạm hoãn tất cả các kỳ thi IELTS và Aptis của tổ chức này từ ngày 10/11. Sau Hội đồng Anh, IDP - đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam đã thông báo tạm hoãn các kỳ thi IELTS. Việc các đơn vị tạm dừng tổ chức thi IELTS khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng vì các kỳ thi cũng như chuẩn bị hồ sơ du học đến gần. 

Nhìn lại năm 2022 với những sự kiện Giáo dục nổi bật - Ảnh 4.

Một điểm thi IELTS trên máy tính tại Hà Nội. Ảnh: BC

Trước tranh cãi việc dừng thi IELTS, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...

Ngay sau đó, các đơn vị đạt yêu cầu chất lượng đã được cấp phép tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ trở lại. IELTS hoãn thi là cơ hội để chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam - VSTEP được quan tâm. 

Nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên trong "top" nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 

Trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 được Nhà xuất bản Elsevier công bố, Lê Thái Hà (34 tuổi) là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam được xướng tên.

Nhìn lại năm 2022 với những sự kiện Giáo dục nổi bật - Ảnh 5.

TS. Lê Thái Hà, tốt nghiệp đại học và tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore (xếp hạng đứng đầu châu Á và thứ 11 thế giới). Chị hoàn thành chương trình đại học sau ba năm rưỡi, lọt top 5% sinh viên xuất sắc của trường; hoàn thành chương trình tiến sĩ sau 2 năm - điều chưa từng xảy ra ở NTU với điểm PhD coursework CGPA là 4.92/5.

Với tình yêu và đam mê nghiên cứu khoa học, chị đã chọn đi sâu vào kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng… Hiện tại, chị là Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture.

Thiếu giáo viên 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. 

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên...

Nhìn lại năm 2022 với những sự kiện Giáo dục nổi bật - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 4/11. Ảnh: QH.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu. Các sở nội vụ của các tỉnh phối hợp với sở GD&ĐT, cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.

Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành phố tuy thiếu giáo viên nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ chưa tuyển được. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu.