Trong lịch sử đất nước Trung Hoa, tương truyền có mối tình đồng tính thời Nam - Bắc triều của hoàng đế Trần Thiến (522-566) và sủng thần Hàn Tử Cao (538 - 567). Nam tử họ Hàn sở hữu vẻ đẹp rung động lòng người, đẹp đến độ thiên hạ cho rằng nhan sắc của chàng còn hơn cả những mỹ nhân nổi tiếng như Điêu Thuyền hay Tây Thi.
Hàn Tử Cao vốn có xuất thân thấp kém, tên thật là Man Tử sống mưu sinh cùng gia đình bằng nghề bện giày rơm ở Sơn Âm, Hội Kê. Ngay từ khi còn nhỏ, Tử Cao đã nổi tiếng khắp vùng vì vẻ ngoài thư sinh, tuấn tú của mình, lúc trưởng thành nhan sắc của chàng lại càng khiến thiên hạ say đắm. Một điển cố trong Kinh Thi từng miêu tả vẻ đẹp của chàng như sau: "Dung mạo diễm lệ, tựa như viên ngọc sáng ngời, vầng trán cao, tóc mượt mà, lông mày như vẽ, ai gặp cũng đều yêu mến.”
Chàng vốn nghèo khó nhưng lại được trời phú cho gương mặt đẹp, thanh tú khả ái, vóc dáng thì nho nhã thư sinh toát lên vẻ cao quý, tựa như thần tiên hạ phàm. Dân gian lưu truyền rằng danh tiếng về nhan sắc của Tử Cao vang xa khắp thiên hạ, thiếu nữ ở muôn nơi đổ về tiệm giày chàng làm việc để ngắm nhìn dung nhan như hoa như họa của Tử Cao.
Vẻ đẹp của chàng không chỉ chinh phục nữ giới mà còn mê hoặc đàn ông. Có câu chuyện cổ kể lại lúc bấy giờ Hàn Tử Cao sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc nên phải theo cha chạy nạn, thường bị loạn quân bắt giữ. Tuy nhiên lúc quân giặc kề dao bên cổ chàng, nhìn thấy gương mặt Tử Cao thì sửng sốt, ngỡ ngàng với vẻ đẹp kinh động lòng người đó. Đám lính không nỡ đả thương nhan sắc thoát tục kia mà tha cho chàng, thậm chí còn cứu chàng thoát khỏi cảnh chiến tranh.
Hàn Tử Cao sẽ là một mỹ nam sống cuộc đời thường dân với cái nghề bện giày rơm nếu như chàng không có cuộc gặp gỡ định mệnh với Trần Văn Đế. Theo sách sử chép lại, vào năm 16 tuổi Tử Cao đã gặp gỡ với tướng quân Trần Thiến ở bến sông Hoài. Trông thấy nhan sắc của chàng trai trẻ, Trần Thiến đã rung động mà hỏi: “Người có muốn đi theo ta không?”, mỹ nam trẻ tuổi nghe vậy liền nhận lời. Sau đó, chàng trai nghèo Man Tử được đổi tên thành Tử Cao, đi theo hầu hạ Trần Thiến và mối thiên tình sử đồng tính cũng bắt đầu từ đây.
Trần Thiến vốn tính nóng nảy nhưng luôn ôn nhu, dịu dàng với Tử Cao, ông dạy chàng cưỡi ngựa, bắn cung, đọc sách viết chữ. Ở bên Trần Thiến, Tử Cao dần trưởng thành, trở thành một người tài sắc vẹn toàn, chiếm được sự sủng ái của Trần Thiến. Hai người vào sinh ra tử cùng nhau trên chiến trận, gắn bó keo sơn. Trần Thiến luôn giữ Tử Cao bên cạnh, ngày đêm quấn quýt không rời.
Trần Thiến lúc cùng Hàn Tử Cao dấy binh dẹp loạn đã từng thề sẽ phong Tử Cao làm hoàng hậu nếu ông làm hoàng đế. Thế nên ngay khi lên ngôi vua, Trần Thiến lấy hiệu là Trần Văn Đế đã giữ lời thề lập Tử Cao làm hậu, ý chỉ này khiến bá quan văn võ trong triều đều nhất mực phản đối, không ai chấp nhận việc một nam nhân được phong hậu, đó là chuyện hoang đường, trái với luân thường đạo lý của triều đình nhà Trần. Trước tình hình đó, Trần Văn Đế đành phải nhượng bộ, phong Tử Cao làm tướng quân ở bên cạnh bảo vệ mình.
Ở trong cung, Trần Văn Đế không sủng ái bất cứ phi tần mỹ nữ nào, mà chỉ cho phép Tử Cao ở bên cạnh. Ngay cả lúc ông mắc bệnh cũng chỉ có họ Hàn được phép gần gũi, chăm sóc cho đến khi Trần Văn Đế qua đời vào năm 566.
Sự kiện Trần Văn Đế muốn lập Hàn Tử Cao làm hoàng hậu tuy không có sách sử ghi chép nhưng người đời sau vẫn lưu truyền, bàn tán, chép lại trong các tiểu thuyết, thơ văn, vở kịch mô tả về mối quan hệ của Trần Văn đế và Hàn Tử Cao. Các tác phẩm đó là: Trần Tử Cao Truyện của Lý Dực đời Đường, Nam Hoàng Hậu của Vương Ký Đức đời Minh, Tình Sử của Phùng Mộng Long đời Minh…
Trần Văn Đế qua đời, trưởng tự Trần Bá Tông lên ngôi lấy hiệu là Trần Phế Đế nhưng sau khi đăng cơ thì xảy ra tranh đấu trong hoàng tộc. Hoàng thúc Trần Húc đã khởi binh đoạt vị, phế truất Trần Bá Tông vào mùa đông năm 568.
Hàn Tử Cao cùng các vị quân thần không thể lật đổ được âm mưu của Trần Húc. Năm 567, Tử Cao bị Trần Húc bắt giải đến Đình úy rồi bị xử tử, mỹ nam mất lúc 29 tuổi, ra đi khi còn trẻ mà vẫn chưa lập gia đình. Có dị bản kể rằng Trần Húc vốn ép buộc Hàn Tử Cao làm nam nhân bên cạnh mình vì ông ta mê mẩn nhan sắc của chàng tướng quân, nhưng Tử Cao nhất quyết không tuân theo nên bị gán tội mưu phản. Hàn Tử Cao ra đi để giữ tấm lòng trung trinh với Trần Văn Đế.
Sau này, thi thể của chàng được chôn trong lăng mộ của Trần Văn Đế. Lăng mộ này có một điểm đặc biệt là trước cửa lăng có đúc hai bức tượng con kỳ lân đực, thông thường thì các cặp kỳ lân đều là một đực một cái, tượng trưng cho vua và hoàng hậu với sự hòa hợp của âm dương. Tuy nhiên, lăng mộ của Trần Văn Đế lại là hai con kỳ lân đực, điều này như tuyên bố rằng Hàn Tử Cao mới chính bậc mẫu nghi thiên hạ trong lòng Trần Thiến.
Cũng từ đó mà dân gian khi kể chuyện về mỹ nam Hàn Tử Cao thường gọi chàng là “nam hoàng hậu”, nam nhân của vua duy nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.