Video ngôi làng cổ Lỗ Khê, nơi được coi là chốn tổ của nghệ thuật ca trù. Thực hiện: Duy Huy.
Theo ngọc phả tại đền thờ Ca Công, thờ tổ ca trù là ông Đinh Dự, con của tướng Đinh Lễ. Từ bé, Đinh Dự đã bộc lộ tài năng ca hát. Khi lập gia đình, vợ ông là bà Đường Hoa cũng có năng khiếu ca hát. Hai vợ chồng Đinh Dự đã mở giáo phường dạy hát, nổi tiếng khắp vùng. Học trò của họ theo học rất đông.
Ông Nguyễn Văn Đạm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê chia sẻ: "600 trăm năm qua, đất ca trù Lỗ Khê đã sản sinh ra nhiều đào nương, kép đàn nổi tiếng khắp cả nước, đầu thế kỷ XX, khi ca trù thịnh hành, nhiều người làng Lỗ Khê mở ca quán tại phố Khâm Thiên, đi hát cửa đình ở các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hưng Yên.
Trước năm 1945, thế hệ vàng của ca trù Lỗ Khê nổi danh rất nhiều ca nương như Nguyễn Thị Hào, Nguyễn Thị Thiều, Phạm Thị Mùi,… hoặc là những kép đàn Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Văn Sơn,… Sau đó, do ảnh hưởng của chiến tranh, ca trù bị lắng xuống trong một thời gian tương đối dài.
Năm 1995, chính quyền thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà đã khôi phục lại ca trù và thành lập câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê. Khi ấy, các nghệ nhân gạo cội của Lỗ Khê hầu hết đã mất, chỉ còn ca nương Phạm Thị Mùi đã cao tuổi, nhưng bà vẫn nhiệt tình truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ.
Từ các lớp học do chính quyền địa phương tổ chức, câu lạc bộ ca trù thôn Lỗ Khê đã đào tạo nên những ca nương nổi tiếng như Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến…Ca trù gồm 36 làn điệu, trong đó có 5 thể cách. Ở Lỗ Khê chủ yếu là hát cửa đình. Ngoài ra còn có múa: múa bỏ bộ, múa tứ linh, múa tiên,..
Nhớ lại khoảng thời gian ca trù bị xã hội lên án và gọi với cái tên: Hát ả đào, hát cô đầu, Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền, 82 tuổi bồi hồi nói: "Có một thời, nghề ca trù cũng mai một khi thực dân Pháp đô hộ, nhiều quan chức thời đấy thích nghe ca trù bởi người ta hiểu văn chương ca trù cho nên cũng say mê lắm!
Vì xã hội áp bức, cuộc sống người dân khổ cực một số ca nương chuyển ra hát ở nhà hát Khâm Thiên (Đống Đa), hay là dạt về cầu Đuống (Gia Lâm) hát đón khách, không lấy chồng sinh con. Cho nên cái quan niệm "hát ả đào", "hát làng chơi" sinh ra là vì như vậy".
Nhiều bậc cao niên trong làng kể lại, xưa kia tổ sư ca trù đặt cho Lỗ Khê là gánh hát cửa đình, tức là phải hát theo "đàn khuôn và phách khuôn", lấy hơi nhả chữ phải rõ ràng, ăn mặc, hát hầu phải nghiêm túc, mạch lạc lời văn, lấy hơi nhả chữ, y xì khuôn mẫu.
"Ca trù Lỗ Khê là hát cửa đình để thờ thành hoàng làng, ca ngợi công lao cha ông đánh giặc ngoại xâm, động viên nhân dân có tinh thần yêu nước, tích cực tham gia lao động sản xuất. Cầu mong mưa thuận gió hòa. Chứ không phải hình thức hát "ả đào" như một số tư tưởng làm sai lệch ý nghĩa của bộ môn nghệ thuật ca trù", ông Nguyễn Văn Đạm khẳng định.
Học nghề từ những năm 1990, trải qua hơn 30 năm, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền vẫn đau đáu: "Ca trù nói thật rất kén khán giả nghe, đối với người yêu thích và am hiểu chữ nghĩa, văn thơ của những nhà Nho sĩ trước kia, người ta thuộc Hán Nôm thì nó sẽ rất hay và sâu sắc.
Thế nhưng, việc học hát ca trù quả thực khó khăn. Khi hát, miệng phải ngân nga, tay phải gõ phách, tai thì nghe đàn. Khi ngồi xuống hát, người ca nương cất tiếng hát lúc 5 khổ đàn khuôn, phách khuôn phải y như nhau. Tiếng đàn, tiếng phách hòa quyện vào làm một. Khi cất lên lời hát, tiếng đàn xen lẫn tiếng hát, tiếng phách lẩn vào tiếng sinh. Phải có lòng say mê, nhiệt tình thì mới học được nghề này…"
Ông Nguyễn Văn Đạm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê cho biết: "Bộ môn nghệ thuật ca trù là 1 bộ môn bác học, rất có giá trị văn hóa. Các ca nương hát ngoài việc cảm được làn điệu, thể cách còn phải hiểu được nghĩa của chữ Nôm thì mới thấy được sự sâu sắc của nghệ thuật ca trù.
Bộ môn này cực kỳ khó, hát phải luyến láy, tròn vành, rõ chữ. Ngoài ra người hát còn phải gõ phách. Có người hát được thì không gõ phách được, có người gõ được lại hát kém. Cho nên để chọn được một nghệ nhân nó là cả một quá trình đào tạo, rèn luyện rất vất vả. Hằng năm, câu lạc bộ ca trù thôn Lỗ Khê được chính quyền địa phương cấp kinh phí tổ chức 2 lớp dạy ca trù để đào tạo các thế hệ tiếp nối.
Lớn lên ở quê hương ca trù, bạn Nguyễn Thị Phương Châm – Bí thư chi đoàn thôn Lỗ Khê tự hào chia sẻ: "Đối với bản thân em hay các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở chốn tổ ca trù Lỗ Khê, thế hệ trẻ hôm nay luôn thấm nhuần những giai điệu ca trù của cha ông để lại. Với trách nhiệm của những người trẻ, chúng em luôn cố gắng giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống của quê hương".
Theo ông Ngô Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Liên Hà, huyện Đông Anh, trong những năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương luôn tạo điều kiện để bộ môn ca trù khôi phục và phát triển, đến gần hơn nữa với quần chúng Nhân dân. Địa phương luôn tạo điều kiện để câu lạc bộ tham gia biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật lớn của Thủ đô, tham gia phục vụ khách du lịch. Địa phương luôn trân trọng và đồng hành để Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê ngày một lớn mạnh, trở thành cái nôi lưu giữ tinh hoa nghệ thuật ca trù".