Là cán bộ đang công tác trong lực lượng Biên phòng, Nguyễn Hội đã dành nhiều trang viết về người lính trong cuốn sách mới này. Có thể thấy "chất lính" thấm đẫm trong các tản văn "Bông ô môi trên đường tuần tra", "Cái giá của độc lập tự do", "Nghĩa tình biên giới miền Tây", "Những tờ lịch Biên phòng", "Xuân về biên giới miền Tây"…
Ở đó, hình ảnh người lính được khắc họa với những nét vừa nghiêm cẩn, vừa gần gũi, vừa quyết tâm, lại vừa thân thiện. Cảnh sắc, không gian biên giới hiện ra thật bình dị mà thiêng liêng. Một chùm hoa ô môi "bắt đầu khẽ nở" cũng đủ sức gây thương nhớ. Hoa chính là ẩn dụ cho người: "Những cánh hoa bám rất chặt vào cuống hoa, mặc kệ những trận gió đung đưa, những khắc nghiệt của thiên nhiên thỏa sức. Từng bông, từng bông quấn quýt vào nhau thành từng chùm; từng nhành, từng nhành lại đan cài vào nhau tạo thành những khối hoa rực rỡ, vững vàng" (Bông ô môi trên đường tuần tra). Phải chăng, đó cũng chính là sức mạnh tinh thần đoàn kết của những người lính để bảo vệ dải đất biên cương của Tổ quốc thân yêu?
Giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cao đẹp nhất trên đời. Nhiệm vụ ấy đặt lên đôi vai người lính cả sự vinh quang, niềm tự hào và muôn vàn gian nan, thử thách. "Tuy mỗi người ở một nơi khác nhau, một tính cách khác nhau nhưng đã là người lính nơi gian khổ hy sinh, cùng ăn chung nhau một bát cơm, chén nước, cùng sát cánh bên nhau thực hiện một nhiệm vụ, nghĩa tình đồng đội mỗi ngày càng thêm gắn bó" (Bông ô môi trên đường tuần tra). Những người lính trong tập sách này, dường như, chúng ta đã bắt gặp đâu đó trên truyền thông, sách báo, nhưng bước vào trang văn Nguyễn Hội sao thân thương, ấm áp quá chừng. Sống cảnh xa nhà, xa vợ con, họ chỉ còn biết đùm bọc, nương tựa, sát cánh bên nhau như một gia đình cùng chung tay nấu một mâm cơm Tết, cùng cất lên "những câu cải lương mùi mẫn, đượm tình", cùng đi thăm hỏi, động viên bà con biên giới. Có lẽ ấy là những kỷ niệm giản dị mà khó quên nhất trong cuộc đời binh nghiệp. Những người lính sống đúng với phương châm: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".
Hẳn nhiên rồi, ngay từ tựa đề "Làm rể miền Tây" đã phần nào đó chỉ dẫn về nội dung cuốn sách. Nguyễn Hội sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, lập nghiệp, công tác tại biên giới Tây Nam, cái chất "miền Tây giàu đẹp và chứa chan tình yêu thương" đã thấm đẫm vào tâm hồn anh thật tự nhiên, dung dị. Tại nơi này, anh đã có một chuyện tình thơ mộng với cô gái vùng Đồng Tháp Mười, nhà bên bến sông, ngay khi "mùa nước nổi đang về". Sau những ngày cùng nhau chèo thuyền đi giăng lưới bắt cá, tình yêu chớm nở dịu êm có mùa hoa điên điển rực vàng, có những đêm trăng ngọt ngào chứng giám. Rồi anh thành chàng rể miền Tây, xem nơi này như quê hương thứ hai của mình: "Kể từ ngày ấy, Đồng Tháp Mười đã chính thức trở thành quê hương thứ hai của tôi với biết bao yêu thương, trìu mến. Miền quê sâu nặng nghĩa tình luôn chở che cho mỗi cuộc đời chúng tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách" (Làm rể miền Tây). Chợt nhận ra, sức mạnh lớn nhất trên đời này chính là tình yêu thương. Tình yêu thương của con người, của sông nước, của cá tôm, hoa cỏ nơi đây đã níu chân anh lại để anh thấy biết ơn, trân trọng, tự hào.
Được công tác và "làm rể miền Tây" là cái duyên, là cơ hội quý báu để Nguyễn Hội được sống cùng những người dân chất phác, hào sảng, thật thà, được hiểu, được thẩm thấu nền văn hóa đậm chất sông nước. Để rồi, những trang văn trong "Bông lục bình biêng biếc", "Mùa vàng bất tận", "Mùa vịt chạy đồng", "Nhớ Tết Cà Mau", "Nhớ điểm trường cuối đất"… ra đời tự nhiên như hơi thở. Nguyễn Hội "làm rể" nhưng không "làm khách". Anh đã thực sự hòa mình vào thiên nhiên, cuộc sống miền Tây như một người miền Tây thứ thiệt. Không phải là một người miền Tây thứ thiệt thì làm sao viết được những đoạn văn cụ thể đến nhường này: "Thường vịt nuôi được bốn tháng tuổi thì bắt đầu "rớt hột". Ngoài công chăm sóc cho vịt đạt đầu con, vừa đều, vừa khỏe, người chủ đàn giỏi còn biết chọn mua những cánh đồng màu mỡ để cho vịt kiếm mồi" (Mùa vịt chạy đồng). Hay lòng anh dường như cũng lâng lâng nỗi nhớ khi "Mùa nước nổi đang về": "Mùa nước nổi, nhớ lắm những lần chèo xuồng cùng em đi hái bông súng, bông điên điển"…
Bên cạnh những trang viết mộc mạc, giàu tâm huyết về biên giới, miền Tây, như một cách tạo nên sự đa dạng cho cuốn sách, Nguyễn Hội dành ra một số trang viết sâu lắng, đậm màu hoài niệm để chiêm nghiệm về "Những trang sách cũ", "Tảng đá ở sông Trăng", "Cây ở Sài Gòn"… Câu chuyện anh kể trong "Những trang sách cũ" khiến các độc giả thế hệ 7x, 8x như tìm thấy chính mình trong đó, cái thuở mà "ba chị em một bộ sách". Những cuốn sách có thể cũ đi nhưng những tri thức trong từng trang sách luôn hấp dẫn, chờ đợi chúng ta khám phá: "Dù lớp bụi thời gian có phủ trùm lên những ố vàng trên mặt giấy nhưng ý nghĩa của những con chữ vẫn sáng lung linh trong lòng người đọc. Và tôi nghiệm ra rằng, sách hay không bao giờ là cũ" (Những trang sách cũ). Bởi hiểu về giá trị của những cuốn sách mà Nguyễn Hội đã thi đỗ vào Đại học Biên phòng trong sự trầm trồ ngưỡng mộ của bạn bè và những người xung quanh. Giờ đây, khi dấn thân vào nghiệp viết lách, anh càng hiểu những con chữ có ý nghĩa, sức mạnh nội tại đến nhường nào.
Với sự trải nghiệm kỹ lưỡng cũng như sự tìm tòi tường tận, văn Nguyễn Hội vừa tươi ròng cảm xúc, vừa giàu vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử, địa lý. Kể về một tảng đá, anh cũng khéo léo lồng vào câu chuyện "Từ khi triều đình nhà Nguyễn bình định phương nam, mở rộng lãnh thổ, đến khi Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều đặt đại bản doanh kháng chiến chống Pháp, vùng đất này đã mang đậm dấu ấn của những người "mang gươm đi mở cõi". Để rồi từ đó, sự nghiệp giữ gìn và phát triển vùng Đồng Tháp Mười đã trở thành sứ mệnh của những người con dân đất Việt, bám trụ nơi mảnh đất này" (Tảng đá ở sông Trăng). Vốn kiến văn sâu rộng đã tạo cho tác giả chất suy tưởng đậm nét trong một vài tản văn mà "Cây ở Sài Gòn" là minh chứng tiêu biểu cho nhận định đó. Ngắm nhìn hàng cây cổ thụ của Sài Gòn mà anh miên man nghĩ về "suốt chiều dài lịch sử" rồi chợt lo lắng: "Nghe nói sau này, Thành phố mình cũng làm những con đường hai, ba tầng như bên Băng Cốc, Bắc Kinh. Chả biết họ có giữ gìn hàng cây này cho thế hệ mai sau không nhỉ?" (Cây ở Sài Gòn).
Ai đi xa mà chẳng nhớ về quê cha, đất mẹ? Ấn tượng hơn cả có lẽ là những trang viết về mảnh đất "chôn nhau, cắt rốn" của tác giả với "Cơm chiều mẹ thổi khói bay", "Khu vườn của mẹ", "Mẹ già như chuối ba hương", "Nhớ thương những mùa gấc chín", "Quê ngoại", "Tết Trung thu ở quê tôi", "Bãi bồi", "Cây bàng làng tôi"… Vùng đồng bằng sông Hồng hiện lên thật sinh động, trù phú. Nhân vật chính trong những bức tranh làng quê yên bình, thanh bần ấy chính là hình ảnh người mẹ tảo tần, lam lũ, giàu đức hi sinh. Mẹ nhịn ăn nhường cơm cho những đứa con, rồi lại bươn chải, tất tả với việc đồng áng quá sức đến mức "Trong ánh sáng nhập nhoạng và khói, mẹ nằm vật ra giữa nhà bếp, bất tỉnh. Mồ hôi trên người vã ra như tắm, mặt mày tái mét" (Cơm chiều mẹ thổi khói bay). Hay khu vườn mẹ chắt chiu, chăm bón từng gốc cây, luống rau sao mà thân thuộc, an nhiên quá đỗi: "Mỗi buổi chiều, mẹ bòn nhặt rau quả quanh vườn để sáng hôm sau gánh hàng đi chợ sớm" (Khu vườn của mẹ). Từ những gánh rau của mẹ, những đứa con cứ thế lớn lên rồi đi xa. Còn bóng mẹ thì cứ hao gầy dần theo những mùa sương gió…
Bằng chất văn mượt mà, đằm đượm, Nguyễn Hội đã tái hiện lại một miền hoài niệm đầy khắc khoải, thiết tha. Những đứa con đi xa luôn đau đáu hướng về quê nhà, hướng về bóng hình cha mẹ, nhớ về những ngày Tết sum vầy hạnh phúc. Chợt nhận ra quy luật khắc nghiệt của thời gian không chừa một ai, trong "Mẹ già như chuối ba hương", tác giả thảng thốt: "Tôi vẫn thường nói với bạn đời của mình rằng, những điều quý giá nhất trong cuộc đời này đang hiện hữu trong ngôi nhà của chúng ta, không thuộc về quá khứ, càng không phải ở tương lai. Và mẹ mãi mãi là điều quý giá nhất". Một chân lý giản dị mà sâu sắc nhưng đôi lúc, chúng ta đã mải miết chảy theo những thứ ánh sáng phù hoa mà vô tâm quên đi "điều quý giá nhất" ấy. Cuộc sống luôn vận động, chảy trôi, xã hội luôn thay đổi từng ngày, chỉ có mẹ luôn chờ đợi chúng ta với tất cả tình yêu bao la, vô bờ bến. Để một lúc nào đó, khi mỏi mệt trên hành trình kiếm tìm danh vọng, ta bỗng thèm đến cháy lòng một bữa cơm đạm bạc mẹ nấu trong chiều mưa lành lạnh, thấy nhớ da diết bãi bồi cỏ xanh hay cây bàng bạc màu năm tháng…
Ba mươi tản văn, ba mươi cung bậc cảm xúc, có những câu chuyện, những đoạn văn khiến độc giả không kìm được nước mắt. Nguyễn Hội viết kỹ càng, trau chuốt nhưng văn phong vẫn có sự co duỗi mềm mại, không bị sa vào "giả" giọng Nam Bộ, như nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: "Đặc trưng câu chữ của Nguyễn Hội luôn chứa đựng hình ảnh; đó là những con người, cây cỏ, những bến bãi sông nước làng quê nơi tác giả gắn bó. Nhờ sự quan sát tinh tế những sự vật, sự việc, nói xa rồi lùi về gần, kết hợp tư duy của một cây bút sinh ra, lớn lên ở vùng quê Bắc bộ, nhưng cuộc đời gắn bó với quê hương thứ hai là sông nước miền Tây, nên giọng văn vừa có thâm trầm, man mác, vừa mộc mạc tràn đầy sức sống, mang chiều kích rộng". Tuy nhiên, điểm trừ của cuốn sách này là một vài tản văn, tác giả lồng ghép các sự kiện lịch sử chưa thực sự nhuần nhuyễn, rơi vào lối mòn phô bày kiến thức. Có những tản văn kết vội, làm dang dở mạch cảm xúc, màu văn bị trùng lặp…
Nguyễn Hội là cây bút khiêm tốn, đôi lúc hoài nghi về năng khiếu của bản thân. Nhưng với cuốn sách đầu tay này, anh hoàn toàn có thể tự tin theo đuổi con đường văn nghiệp. Hi vọng rằng, sau "Làm vợ miền Tây", anh sẽ xuất hiện chững chạc hơn, độc đáo hơn!