Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) vừa công bố, bắt đầu từ học kỳ 2 của năm học 2023 - 2024, trường sẽ thực hiện việc dạy trực tuyến khoảng 35% tổng thời lượng chương trình. Đây là định hướng dạy học nhằm thực hiện việc chuyển đổi số hóa trường học và đã được Sở GDĐT TP.HCM phê duyệt.
Theo kế hoạch chiến lược phát triển trường giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đặt ra nhiều mục tiêu, định hướng. Trong đó, năm học 2022-2023, trường sẽ xây dựng tỷ lệ nhất định dung lượng các môn học dạy học trực tuyến.
Cụ thể, năm học 2023-2024, môn Công nghệ, Thể dục - Quốc phòng, Nghề, Nhạc - Họa, Giáo dục Công dân, Sử, Địa áp dụng tỷ lệ dạy trực tuyến 20% trên tổng thời lượng chương trình. Từ năm học 2024-2025 và những năm học tiếp theo, các môn học áp dụng tỷ lệ dạy trực tuyến 35% trên tổng thời lượng chương trình.
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Minh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục bao gồm ứng dụng công nghệ trong lớp học, ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ vào 35% tiết học không có nghĩa là trường cho học sinh học ở nhà, học trực tuyến.
Thầy Minh giải thích, trong thời gian học tại trường, học sinh sẽ được học tại các phòng máy hoặc phòng học có trang thiết bị hiện đại... thay vì bảng đen phấn trắng như trước đây. Học sinh sẽ khai thác dữ liệu trên môi trường trực tuyến, tận dụng tối đa tài nguyên số của nhà trường để giải quyết các mục tiêu học tập dưới sự định hướng của giáo viên bộ môn. Đây chính là cách để tập cho học sinh thói quen chủ động khai thác dữ liệu trực tuyến, sử dụng công nghệ để phục vụ cho việc học tập.
Ngoài ra, với cách thức giảng dạy mới, học sinh sẽ được đa dạng hóa hình thức học tập, nội dung giáo dục trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như trường học kết nối, các hoạt động kết nối với các tổ chức, cơ sở giáo dục quốc tế. Trên thực tế, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã và đang tổ chức các lớp học trực tuyến cho học sinh nhà trường học tập một vài tiết học với sinh viên trường đại học trên thế giới.
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, trong chuyển đổi số, nhà trường phấn đấu 35% học sinh được học trên môi trường trực tuyến trong thời gian trực tiếp. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ vào 35% tổng thời lượng chương trình không phải là cắt giảm thời lượng học tập trực tiếp của học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến. Số tiết học trực tiếp của học sinh vẫn đảm bảo theo chương trình.
"Một số môn học sẽ dần dần chuyển sang học trực tuyến bằng cách giao bài tập, giao dữ liệu và có tương tác hỗ trợ để học sinh có khoảng thời gian ở trường để được thực hiện các hoạt động giáo dục cần thiết. Như vậy, thời gian học sinh đến trường sẽ không thay đổi, nhưng phương thức tổ chức dạy học có sự thay đổi để linh động hơn", TS. Nguyễn Minh nói.
Về kế hoạch thực hiện, lãnh đạo nhà trường cho biết trường đang từng bước áp dụng hình thức dạy học trực tuyến theo kế hoạch bài giảng của tổ chuyên môn xây dựng và được nhà trường phê duyệt. Từ năm 2019, nhà trường đã triển khai thư viện thông minh nên sẽ tiếp tục phát triển kho học liệu tài nguyên số, phát triển kho sách thư viện...
Đối với nguồn nhân lực thực hiện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có nhiều thuận lợi khi giáo viên đã được tập huấn và dần có kinh nghiệm sử dụng kho tài liệu thư viện để phục vụ giảng dạy, đổi mới phương pháp, có sự thích ứng nhanh. Đồng thời, trang thiết bị dạy học được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, ý thức học tập tốt của học sinh và sự tin tưởng, đồng hành của phụ huynh cũng là yếu giúp quan trọng giúp nhà trường thực hiện định hướng chuyển đổi số này.