Giải năm nay số lượng xe "cổ" đời 2009-2010, thuần cơ khí vẫn chiếm ưu thế. Nhà vô địch cũng chạy một chiếc xe tuổi đời 13 năm. Vì sao vậy? Các tay đua tiếc xe đời mới đắt tiền hay các xe cổ chứng tỏ chạy KOK tốt hơn hẳn?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Đua xe là một bộ môn cực kỳ tốn kém. Hiện tại, các xe trong nhóm cạnh tranh đều là xe chỉ để đua, là xe thứ hai hay thứ ba của tay đua - không phải xe đi hàng ngày hay cho công việc, gia đình…
Chính vậy, việc đầu tư riêng một chiếc xe để chạy giải vẫn còn là một trở ngại lớn về mặt tiền bạc đối với đa số các tay đua, chưa nói tới việc mua xe mới. Ngoài ra, nâng cấp một chiếc xe đua để vào nhóm cạnh tranh ở giải KOK cũng là một khoản chi lớn - một bộ giảm xóc xe đua chuyên nghiệp như King Shocks hay Fox Racing có thể đắt hơn cả một chiếc xe 4x4 đời 2009, 2010 (300 đến 400 triệu).
Tuy nhiên, tôi nghĩ mùa giải 2023 có thể sẽ có thay đổi lớn khi năm nay đã có những chiếc xe mới ở nhóm cạnh tranh - ví dụ như chiếc Ford Raptor, với các tay đua ít kinh nghiệm nhưng cũng đã gây khó cho các tay đua kỳ cựu. Với sự nhạy cảm của các tay đua, họ hiểu đã đến lúc cần phải nâng cấp phương tiện nếu muốn duy trì được vị thế.
Ngay sau khi giải kết thúc đã có tay đua rao bán xe và nhiều người tiết lộ sẽ đổi xe ở mùa sau. Tôi thấy có nhiều yếu tố "đe dọa" giải năm nay sẽ là mùa cuối các tay đùa già dơ, theo trường phái cơ khí, cổ điển còn chiếm ưu thế. Công nghệ sẽ lên tiếng.
Vì sao trong các cặp đua KOK, tay đua xuất phát ở đường đua này nhưng hết 1 lap thì lại xuất hiện ở đường đua bên kia? Vì sao số lap đua ở KOK luôn là chẵn (2 lap hoặc 4 lap)?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Bản chất hai đường đua KOK chỉ là một đường, giống như bạn cầm một chiếc lốp xe đạp và bẻ vặn chéo thành hình số 8, sau đó gập tiếp sẽ thành hai đường tròn đè lên nhau có điểm giao cắt chính là chiếc cầu đảo làn của KOK.
Khi chạy qua cầu đảo làn, xe ở đường số một sẽ qua đường số hai và ngược lại. Cũng vì lý do này nên số lượt chạy của KOK luôn là 2, 4, 8… để các tay đua luôn có số lượt chạy đều nhau trên cả hai đường.
Trong nhiều giải đua, đoạn xuất phát / về đích luôn được thiết kế thẳng để đạt tốc độ cao nhất, tạo cảm giác hưng phấn cho khán giả. Nhưng KOK lại thiết kế đoạn thẳng (được cho là có thể tăng tốc tới 130km/h) cách xa khu vực khán đài, vì sao vậy? Có tay đua nào đạt đến ngưỡng 130 km/h chưa?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Ở các giải tốc độ trên thế giới luôn có đoạn về đích thẳng một phần vì các tay đua của họ đã làm quen với việc kiểm soát tốc độ cao từ lứa tuổi rất sớm - từ 7, 8 tuổi đã quen với tốc độ 100km/h của xe go-kart; một phần là các đường đua luôn được thiết kế với các vùng đệm an toàn mà người xem bình thường ít để ý.
Tại Việt Nam, đua ô tô vẫn là bộ môn khá mới mẻ với cả các tay đua và người xem; hơn nữa, tốc độ trên 100km/h trên đường đất rất nguy hiểm và BTC phải hạn chế rủi ro bằng cách đưa các đoạn tốc độ cao ra xa khu vực khán giả, vừa để hạn chế rủi ro, vừa dễ dàng thiết kế các vùng đệm an toàn đề phòng các trường hợp các tay đua mất kiểm soát.
Tốc độ cực đại theo thiết kế của Petrolimex KOK năm nay là 130, nhưng đã có tay đua đạt ngưỡng gần 140km/h. Một lý do tế nhị nữa là KOK cũng như nhiều giải đua địa hình, đều đua trên đường đất. Với tốc độ 130-140 km/h, bụi rất khủng khiếp.
Giải mang tên Knock out the King, nhưng cả giải chỉ có 2 trận thách đấu và cũng không có nhà vua nào bị KO. Ông bình luận gì về việc này? Ông có dự định tăng thêm độ khó cho các "nhà vua" hay các trận thách đấu?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Thách đấu chỉ là một phương thức tạo ra cơ hội cho các tay đua muốn đánh cược, "được ăn cả ngã về không" và Điều lệ Thi đấu của KOK cũng chỉ cho phép 2 trận Thách đấu. Còn dạng thức thi đấu chính của Knock Out the King là tay đua phải thi đấu loại Knock Out trực tiếp qua nhiều vòng mới tới được trận chiến Hạ bệ Nhà vua.
Việc ngôi vương của KOK khó lật đổ chỉ đơn giản là do tài năng và sự chuẩn bị kỹ càng của một "vị Vua". Trong đua xe, chuyện một cá nhân, một team có thể thống lĩnh một giải trong nhiều năm là rất bình thường.
Như Mercedes 7 năm liền trong F1 hay KTM với chuỗi 19 năm liền bất bại trong Dakar. KOK luôn có những thách thức qua mỗi mùa giải, ví dụ mùa trước tốc độ cực đại chỉ 120km/h nhưng năm nay đã tăng lên 130km/h. Quãng đường chạy qua mỗi năm lại dài thêm cũng là một trở ngại rất khó nhằn cho các tay đua vì chạy tốc độ cao trên địa hình xấu tốn sức kinh khủng.
Chúng ta có thể thấy ở lap 1, lap 2 có tay đua chạy rất tốt, nhưng đến lap 3 hay 4 là đã có dấu hiệu xuống sức và dễ mắc sai lầm. Còn rất nhiều thách thức kỹ thuật chờ đợi các tay đua ở mỗi mùa giải mới mà trong khuôn khổ bài phỏng vấn này tôi xin phép chưa chia sẻ được.
Xin cám ơn ông!