Ngày 30/12, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức hội thảo "Góp ý cho chiến lược phát triển giáo dục từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Hội thảo có sự tham dự của ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GDĐT, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM và hơn 200 cán bộ quản lý, nhà giáo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, mục tiêu của dự thảo chiến lược phát triển giáo dục TP.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng TP.HCM thành trung tâm GDĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.
Trong đó, đến năm 2030, ngành GDĐT phải đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia (60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT). Mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế". TP có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao. 100% trường học trên địa bàn thành phố phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.
Ông Hiếu cho biết thêm, TP.HCM sẽ đảm bảo sĩ số học sinh/lớp ở các bậc học từ 30 đến 35 học sinh/lớp; 100% trường tiểu học, 70% trường THCS học 2 buổi/ngày. Đồng thời có từ 80% trường THPT trở lên ở mỗi quận, huyện TP.Thủ Đức dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, 30% trường tiểu học, THCS, THPT đảm bảo đủ điều kiện tự chủ, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng số từ cơ bản đến nâng cao; 100% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 100% giáo viên tiểu học, THCS và giáo viên THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc tương đương trở lên.
Về ngoại ngữ, TP.HCM phấn đấu 80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc khung 3 năng lực ngoại ngữ). Bên cạnh đó, phấn đấu 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế; 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật/nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao. 100% cơ sở giáo dục kết nối với các cấp quản lý giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia và địa phương. 100% học sinh được tiếp cận không gian học tập hiện đại trên nền tảng số.
TP.HCM cũng phấn đấu xây dựng chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, lãnh đạo thành phố luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển giáo dục. TP.HCM cũng là nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến, mô hình sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Ông Đức đề nghị, ngành giáo dục cần phải tập trung thật sớm để xây dựng, hoàn thành chiến lược phát triển trong giai đoạn sắp tới để có thể xác định tầm nhìn cách thức quản lý xuyên suốt. Từ đó xác định thế mạnh các chương trình, làm sao đưa TP.HCM không chỉ duy trì vai trò là đầu tàu của kinh tế, là trung tâm văn hóa giáo dục mà phải có vai trò tầm khu vực của quốc tế.
Trước đó, Sở GDĐT TP.HCM đã hoàn thiện dự thảo đầu tiên để gửi lấy ý kiến của các chuyên gia, của sở ngành, cơ sở giáo dục. Tại hội thảo góp ý lần này, ngành giáo dục muốn lắng nghe thêm các ý kiến đóng góp trên tinh thần phản biện, thẳng thắn chia sẻ quan điểm để tìm sự đồng thuận từ nhiều nguồn lực, qua đó định hướng xuyên suốt chiến lược phát triển giáo dục từ mầm non đến phổ thông, đại học.
Chia sẻ cùng ngành giáo dục TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, bộ là cơ quan được được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo và đã trình Thủ tướng. Chiến lược này được xây dựng dựa trên căn cứ là chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 đã được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thứ trưởng Bộ GDĐT đề nghị TP.HCM đặt quyết tâm kéo giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp học, phấn đấu thực hiện từ 30 đến 35 học sinh/lớp, phát huy hiệu quả phẩm chất, năng lực của người học cùng với các phương pháp dạy học cá thể, dạy học tích cực. Những nhiệm vụ, giải pháp cần cụ thể, có lộ trình thực hiện, tính toán về nguồn lực để đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Lấy ví dụ cho điều này, Thứ trưởng cho rằng muốn giảm sĩ số học sinh trên mỗi lớp học thì cần xác định rõ cần thêm bao nhiêu phòng học, bao nhiêu giáo viên trong giai đoạn tới, để có kế hoạch đào tạo, bổ sung cho phù hợp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng ý với quan điểm cần xác định rõ hình ảnh, các yêu cầu về kỹ năng, phẩm chất của con người trong tương lai khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. Dựa trên chiến lược phát triển chung của cả nước, TP.HCM cần có thêm định hướng riêng, xác định rõ mục tiêu thực hiện, tránh vừa thiếu vừa thừa khi triển khai trong thực tế.