Nói tới văn Phùng Cung nguời ta nghĩ đến truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh" đăng trên báo Nhân Văn số 4 (10/1956). Vì cái truyện này mà ông bị cho là thuộc nhóm "Nhân Văn – Giai Phẩm" và bị lâm nạn. Thực sự ông không thuộc nhóm văn chương đó. Cái truyện đó là do nhà thơ Hoàng Cầm, một người trong nhóm lấy đăng (về sau trong hồi ký của mình Hoàng Cầm đã hối hận về việc này khiến bạn mình phải chịu nạn).
Truyện kể về con tuấn mã Kim Bông của lão Nông ở làng Phương Lộ "có sức vượt hàng nghìn dặm với cái thế "cao đầu phóng vĩ" của nòi ngựa chiến". Con Kim Bông luôn giật giải đầu trong mọi cuộc đua ngựa. Tiếng tăm con ngựa hay truyền đến tai chúa Trịnh. Thế là Kim Bông được đưa vào cung, tuấn mã bị biến thành mã lệnh, hai bên mắt bị che hai chiếc lá đa chỉ để nhìn được một chiều.
Nó không còn được sải vó trên đường đua mà chỉ chạy trong cung, ngày ngày kéo xe phục vụ các ông hoàng bà chúa cho đến lúc già yếu. Khi lại được đưa ra trận thì hỡi ôi sức tàn lực kiệt nó đã gục chết bên đường. "Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngóc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng hai chân sau, chừng như để cố giữ lấy cái thế "cao đầu phóng vĩ".
Do truyện "Con ngựa già của chúa Trịnh", Phùng Cung bị kỷ luật. Nhưng ông vẫn viết và sáng tác của ông vẫn theo tinh thần cái truyện đầu tay. Đầu những năm 1960 ông tập hợp khoảng ba mươi truyện thành một tập và đưa bản thảo cho một số bạn bè văn chương đọc. Bản thảo sau đó bị thất lạc, nhưng không hiểu sao lãnh đạo biết là có tập truyện này. Thế là Phùng Cung bị đi tù từ đầu 1961 đến cuối 1972 mới được thả.
Ra tù ông cố nhớ lại cũng chỉ viết lại được mười truyện. Như vậy có thể nói cộng cả "Con ngựa già của chúa Trịnh" thì văn xuôi của Phùng Cung chỉ có mười một truyện. Những thông tin này có trong bài viết để đầu sách của PGS, TS Đỗ Lai Thuý, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hoá.
Tập sách này gồm chín truyện của Phùng Cung. Ngoài truyện "Con ngựa già của chúa Trịnh", các truyện khác đều thể hiện cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc của nhà văn trước nguy cơ huỷ hoại các giá trị văn hoá dân tộc đã manh nha từ sớm. Truyện "Biệt tích" kể về phó Lâm, một người thợ mộc giỏi, "một người thợ chẳng những cẩn thận trong công việc, đặc biệt chuộng vẻ đẹp, trân trọng vẻ đẹp, từ một nhát rìu đẽo, đến từng lỗ đục, phó vừa làm, vừa ngắm say sưa, cả đến cái cán đục, dùi đục cũng đều phải tốt, phải đẹp – đồ nghề đẹp khi làm không chán tay." (tr. 142).
Phó Lâm là người thợ mộc am tường tiếng nói của cây cối, của gỗ. Khi cái cây chết đi thành gỗ nó vẫn mong được để lại dấu tích mình trong những thứ đồ đạc tinh xảo, đẹp đẽ nhờ những người thợ giỏi có bàn tay vàng và lòng tự trọng. "Bởi vậy, khi phó Lâm đã động tay cắt, dọc, đục bào một thanh gỗ nào dù to, nhỏ đều đắn đo, cân nhắc. Với phó Lâm, tua, mộng là tuyệt kỹ, khi đã vào mộng, không tháo ra, chêm lại làm đau gỗ. Chỉ một lần đã ghép lại, tưởng như thiên thành. Mọi chi tiết của từng loại được cắn mực, cắn chỉ, một nước bào lau cuối cùng là gỗ nổi mặt lụa, lên ngôi." (tr. 150).
Làm nghề với cái tâm, cái mỹ như vậy nên khi được uỷ ban giao đóng một lô bàn, tủ, phó Lâm đã dồn hết tâm huyết và tài nghệ của mình vào công việc để đáp lại tình người, tình gỗ. Nhưng ông không ngờ là các vị uỷ ban không cần đến cái đẹp của đồ gỗ, "Bàn giấy Uỷ ban không cần chân công, chân lươn, không soi, chỉ". Khi nhìn mấy chiếc bàn mẫu mà uỷ ban đưa ra cho mình theo để đóng, phó Lâm giật mình: "Bàn không có tua, mộng gì cả, chỉ ghép lại bằng đinh năm phân chặt bỏ mũi, đóng ngậm". Ông từ chối không làm kiểu bàn uỷ ban này vì trái với lương tâm nghề nghiệp, trái với thiên chức của nghề. Thế là ông bị vu dây dưa công việc để có "âm mưu" với kẻ xấu, phá hoại chính quyền. Rốt cuộc ông bỏ vợ con, biến khỏi làng, không biết đi đâu. Bà Lâm đi tìm chồng, được một người làng cho biết, "bữa nọ, vào lúc mặt trời gác núi, chính mắt bà ta nhìn thấy ai như phó Lâm vai vác rìu, tay xách hòm đục đi ngược dòng sông hướng núi Tản Viên. Ông ta đi trên mặt nước như người đi trên đường vậy." (tr. 162).
Truyện "Mộ phách" kể về đôi vợ chồng kép Chản đào Khuê say nghề hát ca trù. Chồng đánh đàn đáy, vợ gõ phách, lời ca tiếng hát say nhau, say người một thuở. Nhưng thứ nghệ thuật cổ truyền này không được chấp nhận ở thời mới. Nó bị coi là thứ mê tín, dị đoan nhảm nhí, phải bị cấm đoán, bài trừ.
Nhớ nghề xưa, vợ chồng Tư Chản đã chọn một đêm cúng tổ nghề bày một cuộc hát ở nhà sau khi đã nghe ngóng không cho âm vọng tiếng đàn tiếng hát lọt khỏi nhà mình. Nhưng nó vẫn lọt được vào tai ông uỷ viên văn hoá xã đứng rình nghe. "Đêm ca bất hạnh! Hai vợ chồng xót xa nhặt lên tay những âm thanh giập nát. Những suy nghĩ còn ở trong lòng mà vẫn phải nhìn trước nhìn sau. Hai người nhìn nhau chứa chan nước mắt, nuối tiếc cái thời bước chân của đàn phách in dấu mọi nẻo đường bời bời nỗi nhớ tri âm." (tr. 200). Bi kịch của họ ngờ đâu lại đến từ trong nhà.
Đứa con trai của họ đang đi lính một lần về phép thăm nhà đã đập nát cây đàn đáy của bố như một quyết tâm từ bỏ quá khứ cũ lạc hậu của bố mẹ mình để sớm được đứng trong hàng ngũ Đảng. Ông Chản vì việc ấy mà mất. Bà Chản mất chồng mất người bạn tri âm nghệ thuật liền quyết định chôn cỗ kim phách mà bà coi là "phách mệnh" của mình. Bà đi chợ mua về ba vuông vải trắng làm đồ liệm.
Phùng Cung viết về cuộc chôn phách thế này: "Sau bữa cúng cơm chiều, bà Chản lấy phách ra lau rượu lần cuối; mùi rượu dâng men cuốn theo cả cái mùi tục luỵ của dĩ vãng đăng đắng tan bay. Bà Chản gói kín phách trong ba vuông vải trắng, bên ngoài bọc vuông nhiễu điều. Khâm liệm xong, bà Chản nâng phách lên đặt cạnh bát hương, đốt thêm ba nén, có ý để vong linh chồng chứng cảnh. Bà Chản lại hạ phách xuống khâm liệm lại; vuông nhiễu điều áo phách được gói bên trong, vải trắng gói bên ngoài; vẫn cứ băn khoăn, bối rối, không biết thế nào là phải. Chờ lúc chạng vạng, bà Chản mang cỗ phách ra phía bờ ao, tìm nơi mai táng. Nách bên trái ủ chặt phách; tay phải cầm một cái sén cấy rau, bà Chản vừa khóc vừa cạy đất. Cạy đến hai, ba chỗ, chưa thấy yên lòng, lại lấp đi, lại đào tiếp một huyệt, lấp đất và nói xuống huyệt: "Bạn không ở lại, đời đào Khuê chả biết ngày mai ra sao. Đào Khuê đặt bạn nằm yên đây để bạn khỏi bơ vơ!" – hai bàn tay bóp đất, vun một nấm mộ nhỏ vừa bằng chiếc gối đầu để có thể ở trong nhà vẫn nhìn thấy." (tr. 236-237). Đọc truyện này có thể liên tưởng tới truyện "Mê thảo" của Nguyễn Tuân.
Các truyện ngắn của Phùng Cung vừa có tính hiện thực vừa có tính dự báo. Được viết ra từ hơn sáu chục năm trước đọc chúng hôm nay để biết một thời và để suy ngẫm không chỉ một thời. Ông là một nhà văn quyết liệt, không khoan nhượng với những ai, những gì làm tha hoá con người, tha hoá văn hoá. Ông là một người khổ nạn chữ.
Khi vào tù ông vẫn tiếp tục viết, cố nhiên là bằng cách nhẩm trong đầu. Nhưng cách này chỉ hợp với thơ hơn là với văn. Vì vậy khi ra tù ông đã có hàng trăm bài thơ được nhớ lại và một phần trong đó đã được in thành tập "Xem đêm" (Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, 1995, tái bản 2012). Căn cứ vào sự xuất bản này, năm 2012 Hội Nhà Văn Hà Nội đã trao giải "Thành tựu về Thơ" cho Phùng Cung.
Bây giờ tập truyện ngắn Phùng Cung lần đầu tiên được ra mắt độc giả. Nó cho thấy đầy đủ hơn sự nghiệp văn chương của ông. Nó cho thấy một nhân cách và văn cách của ông. Nó làm rõ thêm một giai đoạn văn học có nhiều u uẩn, khúc mắc. Đọc thơ và truyện của Phùng Cung ta càng thấy chất "Trà Tân Cương" ở ông:
Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 31/12/2022