Ngày thứ nhất lơ ngơ vào Cát Tiên, tôi ăn trưa ở một quán nhìn ra sông Đồng Nai. Bàn bên cạnh có một người đàn ông tóc dài, dáng nghệ sĩ, ngồi với laptop, máy ảnh la liệt, thoạt nhìn tôi cứ nghĩ là dân truyền thông, nên lăm le định làm quen. Nhưng anh đứng lên trước và đi sang bàn tôi, dáng vẻ cao lớn, quyền uy, tác phong chủ nhà. Mà là chủ nhà thật, Giám đốc Vườn Quốc gia luôn, anh không thích nhắc đến tên, nên thôi gọi tạm là anh Tóc Dài.
Nói chuyện làm quen một lát, anh bảo nên vào xem cây Tung 400 tuổi, ngay bìa rừng. Nhìn đường rừng khô ráo bình yên trong nắng, tôi đi luôn, nhưng khi đạp lên những chiếc lá khô trên lối mòn, giây lát sau tôi thấy cổ chân, bắp chân lành lạnh. Cúi xuống nhìn, trời ơi Vắt, rất nhiều Vắt! Nó bé tý nhưng bò rất hăng hái và bám rất chặt. Gạt được con này thì con khác thoăn thoắt bò lên. Tôi kêu oai oái, nhưng anh Tóc Dài bảo: "Vắt cắn, là lời nhắn của rừng"
Vắt là loài cần hút máu sinh vật khác để sống. Rừng nhiều Vắt, tức là còn nhiều muông thú. Đó là một chỉ báo rừng còn chưa cạn kiệt. Vẫn muốn tìm hiểu rừng mà không muốn bị Vắt cắn, chúng tôi bôi thuốc DEP và đi tất vào chân. Anh Tóc Dài bảo, "nhà" anh to lắm, cứ vào chơi đi, anh còn bận việc. Ừ to thật, hơn 700 km2 thì to bằng nước Singapore rồi còn gì.
Nhóm chúng tôi bắt đầu đi làm quen với rừng. Có một số con Vượn bị nhốt trong chuồng, một số con khác lại tung tăng chơi ở ngoài. Hai nhóm thi thoảng gây sự mắng nhau choe chóe, bọn ở ngoài leo lên mái chuồng đập bồm bộp xuống trêu ngươi bọn bên trong. Hóa ra những con trong chuồng là mới được giải cứu về, vì bị nuôi nhốt lâu ngày nên kỹ năng kém, còn phải chờ thời gian tập luyện, thích nghi trước khi tái thả.
Những con bên ngoài là được thả tự do vào rừng rồi, nhưng kết đôi rồi sinh con đẻ cái, lại lượn về gây sự và đòi ăn. Một con Vượn mẹ bế một con Vượn con bé tý, đứng trên chạc cây ngó ngó. Đó là Vượn Má vàng, một loài linh trưởng thuộc nhóm quí hiếm chỉ có ở Đông Dương. Nó có giọng hót trong trẻo, thi thoảng lại ngân một hồi dài, anh Tóc Dài "dịch" nó nói là: "nơi này là đất sổ đỏ của chúng tôi!".
Thoáng cái, con Vượn chạy xuống dãy nhà có cửa sổ mở, chộp một củ khoai, rồi lại leo tót lên cây. Dãy nhà đó là khu nuôi Gấu. Một bạn trẻ mặc đồ bảo hộ bước ra lầu bầu mắng con Vượn, rồi bê chậu rau củ ném qua rào, gọi to Xù ơi Xù.
Một con Gấu to đùng nhưng chậm chạp đi ra nhặt miếng bí ngô lên ăn. Vài con khác đủng đỉnh ra sau. Vốn cũng có tý kiến thức về việc chăm sóc động vật hoang dã với mục đích trả về tự nhiên, tôi thầm nghĩ, nuôi Gấu như nuôi chó thế kia thì làm sao mà trả nó về rừng được nữa. Lẽ ra phải giấu thức ăn quanh vườn để nó phải tự kiếm ăn, dần dần khôi phục bản năng hoang dã.
Tôi lấy điện thoại gọi cho Thương, một cô gái quen từ trước. Em ấy từng học ngoại ngữ, không liên quan gì đến rừng, nhưng vì ước vọng được gặp tất cả động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên (để chụp những bức ảnh) mà phiêu du nhiều chặng đường, bây giờ đang dừng chân và làm việc tại khu rừng này. Thương bảo em vừa bị ong đốt, đang phải theo dõi, vài tiếng nữa nếu không sao em ra đón chị. Nghĩ bụng, gặp được em, chị sẽ thắc mắc sao ở đây, họ đang nuôi nhốt và biến Gấu thành chó thế kia. Khác gì vườn bách thú đâu.
Lang thang tiếp, gặp hai vợ chồng con chim Hồng Hoàng mỏ to đùng như cái kìm cộng lực, chỉ chực tìm cách mổ vào cái điện thoại đang chụp ảnh chúng, rồi đến cặp Rái cá xinh xinh cứ nhao nhao xin ăn. Đây là những loài trước là thú cưng, được người nuôi từ bé, rồi mới được vận động trả vào rừng. Nhưng mà nó quấn người quá, thả cũng chả đi, đành tạm để chúng trong khu giáo dục thiên nhiên dành cho du khách.
Vài tiếng sau thì gặp Thương, cánh tay mảnh khảnh của em ấy sưng vù. Một số loài ong rừng rất độc, nhưng Thương nói em đã tự học kỹ năng sơ cứu. Thương chụp hình con ong đã đốt mình, tra cứu ID của nó, và uống lọ thuốc chống dị ứng mang theo. Em tự đo nhịp tim và lượng oxy trong máu để nếu cần thì di chuyển ra khỏi rừng đến bệnh viện gần nhất.
Có vẻ như nguy hiểm đã qua, cô gái nhỏ nói rằng em luôn có sự phòng bị khi sống và làm việc trong rừng. Trả lời thắc mắc của tôi, em bảo mấy con Gấu tôi vừa thấy bị thương tật quá nhiều, do bị chọc hút mật tàn bạo nhiều năm, không thể về lại với tự nhiên. Nếu không chăm sóc cho nó thì khỉ vượn giành hết đồ ăn của nó. Những con khỏe mạnh sẽ được chăm sóc một cách kín đáo, và tập luyện để nó trở về bản năng hoang dã. Trong khu bán hoang dã nằm sâu trong rừng có 50 con Gấu như vậy.
Thương và tôi yên lặng trèo lên một cái gác cao, nơi quan sát hành vi của gấu. Chúng tôi ngồi khá lâu. Có những con gấu bồn chồn sợ hãi, đu đưa người liên tục, chúng đã trải qua nhiều năm tháng bị tra tấn không ngừng bởi những cái kim dài chọc thẳng vào thành bụng để dò hút mật. Từ lâu tôi có nỗi sợ mỗi khi nhìn thấy ai đó dùng mật gấu, vì nhớ đến điều này. Một số con Gấu khác có vẻ đã quên được thảm kịch đó, chúng tắm trong lạch nước và đi tìm thức ăn bị giấu trong bụi cây, tảng đá. Gần và yên tĩnh đến nỗi tôi nghe thấy tiếng con Gấu kêu tooc tooc vẻ hài lòng, và vành lông hình chữ U trên cổ nó vàng rực trong nắng chiều ấm áp.
Chia tay Thương để em còn làm việc, tôi đăng ký tham gia tour đi rừng ban đêm. Chúng tôi được ngồi trên thùng xe tải nhỏ đi một đoạn ngắn vào rừng, người dẫn đường cầm đèn chiếu lia qua lia lại, và chỉ cho chúng tôi xem những đàn Nai đang gặm cỏ, những con Chồn đi ăn đêm, với khoảng cách đủ xa để không làm chúng sợ. Khoảnh khắc, có một con Nai đứng rất gần đường, hình dáng tuyệt đẹp, nó lặng im giây lát rồi quay người, vẫy nhẹ đuôi băng vút đi… Ôi cái duyên dáng thanh thoát đó, ta sẽ không thể nào nhìn thấy được khi chúng bị giữ trong các khu nuôi nhốt.
Những con Gấu thì chưa được tự do như Nai, vì rừng đủ rộng nhưng con người chưa hết độc. Cơ hội sống còn của loài Gấu chỉ đến nếu người ngừng lấy mật và ngâm rượu chúng. Thương vẫn chờ ngày đó, nhưng thi thoảng, em lại phải đăng một bức hình đen trắng của con Gấu em từng chăm sóc lên facebook cá nhân, để tưởng nhớ ngày nó qua đời, vì không còn đủ sức chờ đến khi có rừng an toàn để quay về.
(Còn tiếp)