Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng lai trên thị trường ngày càng cao nên ông Lâm Văn Du (thôn Hàng Hải, xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã tìm nguồn giống heo đặc sản này để chăn nuôi.
Sau 6 năm, gia đình ông đã có một trang trại nuôi heo rừng bề thế với diện tích 4.000 m2, lúc cao điểm lên đến 1.000 con heo.
Ông Du cho biết, diện tích trên, trước đây ông nuôi heo trắng, nhưng do dịch bệnh và giá cả bấp bênh, việc nuôi heo không mang lại lợi nhuận.
Qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, heo rừng lai được người tiêu dùng ưa chuộng bởi thịt chắc, thơm ngon, thế là năm 2016, ông mua 150 con heo giống về nuôi. Trong khi nhiều hộ dân nuôi heo thịt theo hướng truyền thống trước nay khá lo lắng vì giá cả thị trường thiếu ổn định, chi phí đầu tư cao, thì gia đình ông lại an tâm hơn vì nuôi heo rừng chi phí thấp, dễ tiêu thụ hơn.
Việc nuôi heo rừng không khó mà ngược lại chúng còn có khả năng chống chọi với thời tiết tốt hơn các giống heo thịt mà người dân đang nuôi phổ biến tại địa phương. Thịt heo rừng hiện được nhiều thực khách ưa chuộng, nên phát triển mô hình nuôi heo rừng lai vẫn còn nhiều tiềm năng.
Các hộ nghèo và cận nghèo của xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng được hỗ trợ phát triển mô hình nuôi heo rừng lai.
Lúc nào chuồng nuôi heo rừng lai của ông Du cũng có 150 con heo nái, cùng với đàn heo thịt 250 - 300 con. Mỗi năm, heo mẹ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 10 heo con. Ông nuôi gối đầu nên tháng nào cũng có heo xuất bán khoảng 100 con heo cho thị trường Bảo Lộc, TP Hồ Chí Minh… Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân lợi nhuận thu được mỗi năm khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Lệ ở thôn Đăng Rách cũng chuyển hướng nuôi heo rừng lai từ năm 2021, hiện, gia đình bà có 10 con heo nái, trung bình mỗi năm đàn heo sinh sản khoảng 100 con, bà vừa bán heo giống, vừa bán heo thương phẩm.
Bà Lệ chia sẻ: “Tôi nhận thấy mô hình nuôi heo dễ áp dụng mà chi phí ban đầu cũng không quá cao, cũng như không cần dành nhiều thời gian chăm sóc.
Vốn là động vật hoang dã ăn tạp, nên mình có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như các loại lá khoai, lá môn, cây chuối, cám gạo, hèm rượu..., vì vậy người nuôi ít tốn kém chi phí thức ăn.
Thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng là có thể xuất bán, với trọng lượng mỗi con khoảng 20 kg, bán với giá 100.000 đồng/kg, còn đối với heo giống là 200.000 đồng/kg. Từ khi áp dụng mô hình nuôi heo rừng bán thịt và heo giống, thu nhập của gia đình tôi đã ổn định hơn trước nhiều”.
Thấy hiệu quả từ những hộ chăn nuôi heo rừng lai đầu tiên, UBND xã Gung Ré từ nhiều nguồn vốn của tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phát triển. Qua đó đã hỗ trợ 10 hộ chăn nuôi hộ nghèo, cận nghèo 15 triệu đồng để phát triển mô hình, đây là kinh phí từ nguồn vốn hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ.
Anh Đào Văn Đạt, một hộ nghèo ở thôn Đăng Rách được hỗ trợ để đầu tư chuồng trại, con giống, cho biết, từ đặc tính có sức đề kháng cao với môi trường, hạn chế nhiễm dịch bệnh nên heo rừng khá dễ nuôi. Các hộ nuôi tận dụng rau cỏ sẵn có xung quanh nhà để làm thức ăn chính cho heo. Nhờ đó, vừa giảm được chi phí chăn nuôi, lại tạo được độ ngon tự nhiên cho thịt heo.
Bên cạnh đó, UBND xã còn cử đội ngũ khuyến nông viên tập huấn kỹ thuật chăm sóc và kiến thức phòng, điều trị các bệnh thông thường cho đàn heo. Hi vọng trong thời gian tới, từ đàn heo này gia đình sẽ phát triển chăn nuôi tốt để có thể thoát nghèo bền vững.
Ông Trịnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết, hiện, toàn xã có hơn 100 hộ đang thực hiện mô hình chăn nuôi heo rừng lai. Trong đó, có 30 hộ dân chăn nuôi với quy mô trên 30 con heo/lứa nuôi. Đến nay, việc chăn nuôi của các hộ dân đều phát triển tốt, mở ra hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho bà con nông dân.
Theo ông Dũng, heo rừng lai có những ưu điểm như chất lượng thịt tốt, năng suất cao, ít bệnh tật, không kén thức ăn, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mở rộng diện tích chuồng trại, tăng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, đầu ra của heo rừng lai khá ổn định, rất phù hợp với những hộ nghèo, cận nghèo vì chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro.