Bản làng xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ngày càng ấm no, trù phú, càng ngày càng đáng sống.
Những ngày đầu năm mới 2023, chúng tôi có dịp trở lại xã Sơn Bình, một xã cửa ngõ của huyện Tam Đường (Lai Châu). Không còn hình ảnh những ngôi nhà tranh, vách nứa nằm lưng chừng đồi như trước đây, Sơn Bình hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Dọc tuyến quốc lộ 4D là những ngôi nhà xây khang trang mọc lên san sát; xen kẽ những ruộng chanh leo sai trĩu trịt là nương dong giềng, nương thảo quả xanh mướt…
Những ngày này thời tiết vùng cao Sơn Bình rét như cắt da, nhưng người nông dân nơi đây không ngơi tay, tiếng nói, tiếng cười rôm rả khắp các cánh đồng như xua tan cái lạnh đầu đông và tô thắm thêm vẻ đẹp trù phú xã vùng cao này.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn, chị Vàng Thị Sua ở bản Chu Va 12 cho biết: Bản tôi ai cũng nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế để xây dựng nông thôn mới. Gia đình tôi trồng gần 7.000m2 lúa chất lượng cao, hơn 1ha đào chín sớm, 1ha dong riềng, 5ha thảo quả và chanh leo.
Ngoài ra, gia đình tôi còn tận dụng phụ phẩm từ các loại cây trồng kết hợp với chăn nuôi lợn, gia cầm. Mở thêm dịch vụ xay xát và chở nông sản thuê để có thêm nguồn thu.
"Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình tôi cũng "đút túi" 200 triệu đồng. Thu nhập của gia đình ngày một khá, tôi có điều kiện xây nhà cửa khang trang và lo cho các con ăn học", chị Sua hồ hởi bày tỏ.
Rời nhà chị Sua, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi cá của anh Giàng A Chìa ở bản Chu Va 8. Những bể cá nước lạnh được thiết kế khoa học, đẹp như tranh với hàng nghìn con cá tung tăng bơi trông rất thích mắt.
Qua câu chuyện với anh Chìa chúng tôi được biết, tận dụng nguồn nước lạnh dồi dào, gia đình anh đầu tư vốn xây ao mua cá về nuôi, trung bình mỗi năm anh đầu tư chừng 8.000 con cá tầm và cá hồi, mô hình này cho thu nhập rất khá.
Theo anh Chìa, để cá năng suất và khoẻ mạnh, việc chọn cá giống được lựa chọn rất kĩ lưỡng, anh Chìa sang tận Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai để lấy giống. Đây là cơ sở cung cấp nguồn cá giống đảm bảo chất lượng ở miền Bắc. Hiện nay, đàn cá của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, được các nhà hàng, khách sạn và bà con quanh vùng ưa chuộng.
Giới thiệu với chúng tôi về các loại cá, anh Chìa cho biết: Tôi nuôi 6 bể cá, muốn cá sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài quan tâm đến chế độ dinh dưỡng tôi thường xuyên vệ sinh nguồn nước, đồng thời theo dõi những phát biểu hiện khác thường để chữa trị kịp thời. Mỗi năm tôi xuất trên 10 tấn cá, trừ các khoản chi tôi cũng tiết kiệm gần 300 triệu đồng.
Sơn Bình là xã thuần nông nằm ở cửa ngõ phía đông bắc của huyện Tam Đường (Lai Châu). Xã có tổng diện tích tự nhiên trên 11.000ha. Toàn xã có 924 hộ, 4.327 nhân khẩu thuộc 7 bản với 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 70%.
Ngay từ khi triển khai phát động xây dựng nông thôn mới, địa phương đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó, đã huy động được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, góp sức tham gia xây dựng nông thôn mới.
Những năm này, diện mạo nông thôn ở Sơn Bình có nhiều khởi sắc, đường giao thông được bê tông hóa, sạch đẹp, kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với các mô hình chuyển đổi sản xuất tập trung có hiệu quả cao, nhờ đó thu nhập của người dân không ngừng được tăng lên.
Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt của xã đạt gần 7.000ha, tổng sản lượng trên 3000 tấn. Thu nhập bình quân đầu người tính hết năm 2022 đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt điện tử, ông Hoàng Đình Quân, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Xác định tiêu chí thu nhập là cốt lõi, nền tảng để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con hăng hái lao động sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây có giá trị kinh tế vào sản xuất như dong riềng, chanh leo, thảo quả, chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò…
Rót chén chè mời khách, ông Quân hồ hởi nói: Xác định công tác tuyên truyền là "chìa khóa" tạo ra sự lan tỏa, thu hút sự chung tay cùng vào cuộc của nhân dân để thực hiện từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên rà soát, phân loại và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phụ trách từng tiêu chí, từng bản.
Công tác chỉ đạo được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong quá trình triển khai, thực hiện các tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn như tiêu chí thu nhập, trường học…
Việc tuyên truyền, vận động, giám sát được thực hiện hiệu quả đã tạo sức lan tỏa, làm chuyển đổi căn bản nhận thức của người dân, nhờ đó bà con đoàn kết, đồng tình với chủ trương xây dựng nông thôn mới, tự nguyện tham gia ủng hộ ngày công lao động, góp đất làm đường…
"Đến nay xã Sơn Bình chúng tôi đã đạt 15/19 tiêu chí, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu cán đích nông thôn mới vào năm 2023", ông Quân hồ hởi cho biết.