Dân Việt

Năm 2023: TP.HCM đầu tư cao tốc, đường vành đai... phát triển giao thông liên vùng

Hồng Trâm 25/01/2023 08:15 GMT+7
Năm 2023, TP.HCM sẽ phát triển giao thông liên vùng thông qua việc khởi động hàng loạt cao tốc, đường vành đai mang tính kết nối địa phương với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Năm 2023, TP.HCM sẽ bắt đầu giai đoạn 10 năm đột phá hạ tầng

Hạ tầng giao thông là mạch máu của nền kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Trong bối cảnh tăng trưởng của TP.HCM – đầu tàu cả nước đang có dấu hiệu chậm lại thì việc khơi thông các mạch máu trong năm 2023 được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để TP.HCM tiếp tục duy trì đà phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết năm 2023, TP.HCM sẽ khởi công hàng loạt công trình trọng điểm như đường có tính chất liên kết vùng như Vành đai 3 vào ngày 30/6, triển khai tiếp đường Vành đai 2, trình chủ trương đầu tư đường Vành đai 4.

Năm 2023: TP.HCM đầu tư cao tốc, đường vành đai... phát triển giao thông liên vùng - Ảnh 1.

Năm 2023 sẽ mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông ở TP.HCM và vùng trọng điểm phía Nam. Ảnh: I.T

Theo ông Phúc, ngoài các đường vành đai kết nối với các tỉnh lân cận, trong năm 2023, TP.HCM cũng sẽ thông qua chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (kết nối với tỉnh Tây Ninh), phối hợp với tỉnh Bình Dương để chuẩn bị cho dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.

Lãnh đạo Ban Giao thông cho hay, năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt vì mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông ở TP.HCM và vùng trọng điểm phía Nam. Đây là năm bắt đầu triển khai hàng loạt dự án lớn mang tính liên vùng, cũng như gỡ các bài toán ùn tắc khu vực cửa ngõ như các dự án kết nối cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái.

Điển hình nhất cho giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh vừa khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 50 tăng cường kết nối với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây, tháo nút thắt "cổ chai" lớn nhất giữa TP.HCM đi về phía tây - tây nam. Dự án này cũng tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía nam TP.HCM với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM trong thời gian tới.

Trước đó, cuối năm 2022, TP.HCM liên tiếp khởi công cũng như đưa vào sử dụng nhiều dự án giao thông quan trọng. Theo đó, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo TP.HCM, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã trực tiếp trải nghiệm hành trình 10km tuyến metro số 1. Đoàn tàu metro di chuyển trong sự vui mừng của nhân dân như khẳng định bước chuyển mới về hạ tầng giao thông TP.HCM trong năm 2023.

Đột phá về giải phóng mặt bằng tại TP.HCM

Lãnh đạo Ban Giao thông đánh giá một trong các điểm sáng của ngành giao thông TP.HCM bên cạnh việc có nhiều dự án chiến lược liên vùng được khởi động, nhiều dự án được đưa vào hoạt động thì sáng nhất chính là "công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được thành phố đặc biệt quan tâm cũng như các địa phương quyết tâm vào cuộc".

Cụ thể, đến nay TP.HCM đã sẵn sàng nhận mặt bằng được khoảng 10 dự án để tiếp tục thi công, vốn là các dự án đã chờ đợi rất lâu trước đây, ví dụ như cầu Vàm Sát 2, cầu Long Kiểng, cầu Hang Ngoài và dự kiến trong quý 1/2023 có khoảng 15 dự án, như cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa... sẽ được bàn giao để Ban Giao thông tiếp tục triển khai.

Năm 2023: TP.HCM đầu tư cao tốc, đường vành đai... phát triển giao thông liên vùng - Ảnh 3.

TP.HCM ưu tiên phát triển giao thông liên vùng trong năm 2023. Ảnh: H.T

Nhờ việc đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng, hàng loạt dự án được khởi công vào cuối năm nay như mở rộng đường Trần Quốc Hoàn, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50… Năm 2023 được dự báo sẽ chứng kiến hàng loạt công trình được khởi động trở lại, tạo nên "một giai đoạn phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông TP.HCM".

"Có thể nói là chúng tôi cảm nhận từ năm 2023 chúng ta sẽ nhìn thấy trước 10 năm đột phá, đặc biệt trong phát triển hạ tầng của TP.HCM nói riêng cũng như khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Chúng tôi mong nhận được sự đồng thuận của bà con để chúng ta hoàn thành sớm nhất các dự án giao thông, phục vụ nhiều hơn nữa cho người dân thành phố" - ông Lương Minh Phúc nói.

Được biết, một trong những dự án đột phá điển hình về tốc độ bàn giao mặt bằng chính là dự án Thành phần 1 A thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM. Theo đó, trong tháng 12/2022, UBND TP.Thủ Đức đã bàn giao 34 ha mặt bằng (tương đương 95%) cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) để thực hiện dự án.

Năm 2023: TP.HCM đầu tư cao tốc, đường vành đai... phát triển giao thông liên vùng - Ảnh 4.

Tiến độ giải phóng mặt bằng là mấu chốt của các dự án. Ảnh:

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá khi khởi công dự án vào tháng 9/2022, mặt bằng bàn giao mới đạt 30%. Đến nay, khối lượng mặt bằng bàn giao đã đạt 95%, đạt tiến độ kỷ lục. Đây là kết quả của tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của cả hệ thống chính trị TP.Thủ Đức, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công dự án.

"Có thể thấy nếu có phương pháp, cách làm mới, công tác giải phóng mặt bằng sẽ có hiệu quả. Đây là bài học tốt để làm các dự án khác, đặc biệt là dự án vành đai 3 TP.HCM đang được triển khai để khởi công vào tháng 6/2023", lãnh đạo UBND TP.HCM cho hay.

Các chuyên gia nhận định kỳ vọng tầng giao thông TP.HCM với với vai trò đi trước mở đường sẽ có những bước chuyển vượt bậc trong năm 2023 để giúp kinh tế - xã hội TP.HCM thực sự tăng tốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Từ đó, hoàn thiện hạ tầng đô thị, kết nối liên kết vùng kinh tế.