Rõ ràng giữa ĐT Myanmar và đội tuyển Việt Nam bây giờ đã có 1 khoảng cách khá xa về trình độ. Việc ĐT Việt Nam giành chiến thắng 3-0 trước Myanmar không có gì bất ngờ và thể hiện đúng cục diện trận đấu.
ĐT Myanmar thi đấu khá hồn nhiên, họ đá tấn công từ đầu đến cuối, bất chấp đối phương là ĐT Việt Nam có trình độ cao hơn. Có thể do tâm lý đằng nào cũng đã bị loại nên họ không nhất thiết phải toan tính trong trận này.
ĐT Việt Nam có 1 trận đấu khá nhàn nhã, ghi bàn thắng từ sớm và khá thoải mái triển khai thế trận tấn công. Nhưng trận này cũng đã bộc lộ điểm yếu rất dễ để các đối thủ mạnh tiếp theo khai thác, đó là khả năng phối hợp thoát pressing của hàng phòng ngự.
Trong 15 phút đầu trận đấu, các cầu thủ Myanmar dồn lên săn bóng ngay khi các cầu thủ hàng phòng ngự Việt Nam cầm bóng triển khai tấn công. Trước sức ép đó, các pha phối hợp thoát pressing của các cầu thủ Việt Nam diễn ra không mềm mại, không nhuần nhuyễn. Họ đã nhiều lần để mất bóng hoặc phải chuyền dài lên trên 1 cách rất bị động.
Trong khoảng thời gian này, có 3 lần các hậu vệ và thủ môn Văn Lâm phạm sai lầm nghiêm trọng. Rất may các cầu thủ tiền đạo Myanmar không đủ sắc bén, nếu phải đối thủ khác, như Indonesia chẳng hạn, rất có thể cái giá phải trả sẽ là những bàn thua.
Trách nhiệm phối hợp thoát pressing ở khu vực sân nhà sẽ thuộc về 3 trung vệ Duy Mạnh, Việt Anh, Thành Chung với 2 hậu vệ biên Văn Hậu và Tấn Tài cùng sự hỗ trợ của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng. Nhưng trong 1 ngày mà Hùng Dũng thi đấu dưới sức, sự kết nối của 3 trung vệ với tuyến trên trở nên lỏng lẻo. Họ ít nhận được sự hỗ trợ của các tiền vệ khi bị các cầu thủ Myanmar quây chặt ở khu vực trước khu cấm địa. Khi không thể phối hợp đi lên, các trung vệ đành chuyền về cho thủ môn.
Nhưng Văn Lâm là mẫu thủ môn sử dụng chân kém, anh gần như không dùng chân phải trong khi chân trái cũng dưới mức trung bình. Thực tế, trong số các thủ môn của ĐT Việt Nam, Văn Toản sử dụng chân tốt nhất. Nếu tình thế bắt buộc thủ môn phải cùng các trung vệ phối hợp thoát pressing thì Văn Toản là lựa chọn tốt nhất. Chắc chắn điểm yếu này của hàng thủ Việt Nam sẽ được ông Park Hang-seo tìm cách khắc phục, ví dụ như nếu đứng ở khung thành là Văn Lâm, hẳn các hậu vệ ĐT Việt Nam sẽ phải hạn chế chuyền về để Văn Lâm phải tham gia vào pha phối hợp.
Với 2 biên cũng vậy. Văn Hậu và Tấn Tài tham gia tấn công rất tốt. Họ có chiều cao, sút bóng và đánh đầu dứt điểm hay phòng ngự chống bóng bổng đều tốt. Nhưng nếu để phối hợp nhỏ, cầm bóng, hỗ trợ trung vệ thoát pressing thì họ lại không bằng cặp biên Hồng Duy và Văn Thanh. Đặc biệt là với kỹ thuật khéo léo của Hồng Duy, các cầu thủ đối phương sẽ rất khó bắt bài các đường chuyền của anh trong khi anh có khả năng lừa bóng qua người. Có lẽ vì vậy, HLV Park Hang-seo sẽ phải quyết định lựa chọn sử dụng các cặp biên nào tùy thuộc vào đối thủ nào hay điều chỉnh tùy thuộc diễn biến cụ thể trên sân.
Trận đấu này có 2 cầu thủ cần được nhắc đến. Đầu tiên là tiền vệ Hoàng Đức. Với lối đá đủng đỉnh, bình tĩnh, quan sát tốt, chuyền bóng tốt, khi cần có thể cầm bóng qua người, anh đóng vai trò quan trọng vào việc phối hợp thoát pressing của tuyến dưới ĐT Việt Nam cũng như khi cần có thể đưa ra những đường chuyền kiến tạo bàn thắng. Từ khi Hoàng Đức vào sân, các pha phối hợp thoát pressing của ĐT Việt Nam thanh thoát hơn hẳn.
Cầu thủ thứ 2 là Văn Hậu. Anh được nhắc đến khá nhiều trong trận gặp Malaysia bởi các tình huống va chạm với cầu thủ đối phương. Trong trận này, Văn Hậu không có tình huống va chạm nào tương tự, và anh tham gia tấn công rất tốt. Có thể lý do cho sự thay đổi đó là anh đã điều chỉnh hành vi.
Nhưng thực tế, bóng đá là 1 môn đối kháng quyết liệt. Các cầu thủ Myanmar mặc dù thi đấu rất nhiệt tình, nhưng rõ ràng họ không có các pha vào bóng ác ý hoặc những tiểu xảo gây ức chế kiểu thúc cùi chỏ hay đầu gối như các cầu thủ Malaysia. Văn Hậu là 1 hậu vệ, giống như Quế Ngọc Hải hay Duy Mạnh, anh có trách nhiệm phải làm mọi cách để cản phá đối phương, cản phá đường bóng đi vào lưới đội nhà, kể cả phạm lỗi, miễn là lỗi đó không có tính triệt hạ đồng nghiệp và không gây hậu quả xấu cho đội nhà.