Lấy cảm hứng từ những bức tranh vẽ phụ nữ nổi tiếng của các danh họa Việt Nam - cố họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm… nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc (Luk BaoNgoc Photography) đã "làm mới" vẻ đẹp của những tác phẩm kinh điển bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Ra mắt vào đúng thời điểm Tết Dương lịch, dự án "Phụ nữ trong tranh" đã thu hút sự quan tâm không nhỏ của cộng đồng mạng và sự đánh giá cao của các chuyên gia văn hoá. Dự án đặc biệt có sự tham gia của MC Minh Trang, MC Hồng Nhung.
Mới đây, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với MC Hồng Nhung về lần hoá thân đặc biệt trong bộ ảnh này của cô:
Dự án "Phụ nữ trong tranh" với những hình ảnh tái hiện các bức tranh nổi tiếng của nhóm "Tứ kiệt Đông Dương" đang khiến công chúng thích thú và quan tâm. Lý do nào đã khiến chị nhận lời tham gia dự án này?
- Tôi là người hoài cổ, thích những thứ đồ từ thời ông bà, và cứ nhìn thấy những gì xưa cũ là mê mẩn. Nhà tôi hay cùng nhau lang thang, có duyên thì nhặt nhạnh những món đồ xưa xưa ấy về đặt trong nhà. Chắc thế nên bản thân tôi nhìn cũng "xưa xưa" luôn. Mấy năm nay tôi không cắt tóc, không dùng hóa chất, thành ra có mái tóc đen, dài và thẳng. Tôi cũng thích mặc áo dài, áo cánh, áo bà ba… tóm lại cái gì cũng cũ cũ.
Tôi thích ngắm tranh nữa, những bức nổi tiếng thời Đông Dương mình không còn xa lạ. Cho nên, khi nghe về dự án "Phụ nữ trong tranh" của nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc, tôi không hỏi đến câu thứ 2, mà đồng ý ngay lập tức.
Việc tái hiện hình ảnh phụ nữ thời xưa đem lại cho chị nguồn cảm hứng thế nào?
- Tôi luôn muốn sống như ông bà mình. Cuộc sống có thể không quá dư dả về vật chất, nhưng rất giàu có về tinh thần. Từ nhỏ tôi xem phim truyện thời cũ, và cứ hay hình dung về đời sống ngày ấy. Hình như chữ tình ngày ấy đậm sâu hơn, thật thà hơn. Nên bạn luôn thấy một điều gì đó nhẹ bẫng, yên ả toát ra từ các tấm hình chụp, hay bức tranh mà các cụ vẽ.
Tôi thấy các cụ mình ngày xưa quá giỏi, cầm kỳ thi họa, đan lát, may mặc, cơm nước, chăm sóc con cái… các cụ làm chừng ấy việc với tâm thế bình thản, khoan thai, và rất tập trung, rất tận hưởng từng công việc, từng giây phút. Điều đó tôi cảm nhận được khi nhìn những bức tranh vẽ những người phụ nữ Việt ngày xưa. Bản thân tôi không làm được những việc ấy một cách chu toàn. Mình bây giờ làm gì cũng vội vàng, nhanh nhanh chóng chóng, nên không có được cái tâm thế "bây giờ và ở đây" điềm tĩnh như các cụ. Có lẽ khi mọi thứ chuyển động nhanh quá, những giây phút chậm lại dù là trong suy nghĩ cũng khiến mình trân trọng. Tôi cố gắng tìm kiếm những giây phút như vậy ở hiện tại. Và việc thực hiện bộ ảnh này cũng là một trong những cố gắng ấy.
Chị có gặp khó khăn gì khi thực hiện bộ hình này? Để cho ra đời một bức ảnh đẹp và có hồn như những bức tranh quý, chị và nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc có mất nhiều thời gian trong việc lựa chọn trang phục cũng như chỉnh đường nét?
- Công việc khó khăn nhất thì Bảo Ngọc đã "gánh" hết. Đó là lên ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng, từ việc tìm kiếm bối cảnh, nghiên cứu cách trang điểm để toát lên đúng diện mạo thời xưa của các cụ, cho đến lựa chọn trang phục cho sát nhất với nguyên mẫu tranh vẽ.
Hình như những nguồn năng lượng cùng tần số thì dễ chạm đến nhau. Chúng tôi may mắn gặp được các chị em sáng lập áo dài Mộc Nhiêu – với kiểu dáng, màu sắc đậm chất Việt xưa. Các bạn trang điểm cũng rất giỏi khi khắc họa được đúng cách làm đẹp của các cụ xưa, từ hàng lông mày lá liễu, mái tóc vấn, lông mi cong tự nhiên… Tôi nghĩ dự án này làm được vì có sự tập hợp của những người yêu cái đẹp xưa, yêu và tự tôn về cái chất của phụ nữ Việt Nam.
Trong các bức hoạ chị tái hiện lại, chị ưng ý với bức ảnh nào nhất và vì sao?
- Tôi thích nhất bức "Hai người phụ nữ" của danh họa Vũ Cao Đàm. Bức này tôi và chị Minh Trang cùng thực hiện. Chúng tôi không phải diễn khi chụp cùng nhau, vì ngoài đời 2 chị em tôi thân và thương nhau như chị em ruột. Bức hình thể hiện sự kết nối tình cảm rất giản dị nhưng mạnh mẽ. Chị em tôi cũng vậy, luôn kết nối, theo dõi và ủng hộ nhau.
Với việc tham gia vào dự án này, chị có muốn nhắn nhủ thông điệp gì tới người xem trong dịp đầu xuân?
- Có nhiều bạn gái rủ nhau thực hiện bộ ảnh kiểu như vậy, cũng tái hiện hình ảnh của các bà, các mẹ thời xưa. Tôi thấy rất vui vì dự án đã truyền được những cảm hứng nho nhỏ cho các bạn theo cách ấy. Sự kín đáo, khiêm nhường, truyền thống luôn có những giá trị thật sự quý trong xã hội bây giờ. Yêu áo dài hơn, yêu văn hóa truyền thống hơn, và yêu chính bản thân mình hơn – đó là những gì chính chị em chúng tôi cảm nhận khi thực hiện dự án này, và hy vọng điều ấy cũng lan tỏa tới những chị em phụ nữ đang theo dõi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Một số bức ảnh khác trong dự án:
8 bức họa được nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc lựa chọn để tái hiện bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh bao gồm: Chân dung Madame Phương, Năm cô gái trẻ, Cô gái ngồi cầm sách, Bức rèm, Hai thiếu nữ (Mai Trung Thứ); Đàn hát, Mẫu Tử (Lê Phổ); Hai người phụ nữ (Vũ Cao Đàm)… Thông qua dự án này, những người thực hiện mong muốn góp phần lan tỏa những tác phẩm quý đến thế hệ trẻ, mang đến cho người yêu văn hóa nghệ thuật một cảm nhận mới mẻ về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh của những họa sĩ nổi danh một thời.
Chia sẻ về ý nghĩa đằng sau dự án đặc biệt này, nhiếp ảnh gia Bảo Ngọc cho biết: "Nét đẹp trong diện mạo Á Đông xưa kia với khuôn mặt tròn trịa phúc hậu, hàng lông mày lá liễu, mái tóc huyền vấn lên nền nã, tà áo dài lụa là truyền thống… nên được lưu giữ để ứng dụng vào phong cách làm đẹp, thời trang ngày nay. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại sẽ góp phần gìn giữ, bảo toàn nét đẹp riêng không trộn lẫn của phụ nữ Việt xuyên thời gian. Thông qua dự án này, chúng tôi mong muốn gửi gắm một thông điệp đầy ý nghĩa: Vẻ đẹp truyền thống không bao giờ lỗi mốt, bất cứ vẻ đẹp Việt nào trên gương mặt, dáng hình của phụ nữ đều có bản sắc riêng, đều xứng đáng trân trọng và nâng niu".
Là người từng lưu giữ nhiều khoảnh khắc đặc biệt của chị em phụ nữ, chị Bảo Ngọc cũng chia sẻ: "Tôi nhận thấy không ít người tự ti vì vẻ đẹp của mình không theo chuẩn của cái đẹp hiện đại. Tôi thường nhắn nhủ với các chị em rằng: quan niệm về cái đẹp có tính chu kỳ. Xu hướng làm đẹp và quan niệm về cái đẹp mỗi thời không giống nhau, do đó, việc mặc định một "công thức" hay góc nhìn dựa theo những tỉ lệ vàng không còn phù hợp. Cái đẹp tổng hòa của một người phụ nữ sẽ thăng hoa hơn khi lan tỏa từ vẻ đẹp nội tâm, sự tự tin và ý thức yêu bản thân của phụ nữ".
Nguyễn Bảo Ngọc là nữ nhiếp ảnh gia từng thực hiện nhiều dự án truyền cảm hứng. Trước đó, chị từng nổi tiếng với các dự án "Ngày thứ 8" (2013); "Pure and Sweet" (2015); "Interlude" (2017); "Bên mẹ là mùa xuân" (2019; 2020).