Đây là thông tin chia sẻ tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức ngày 4/1.
Theo ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT, tỷ trọng GRDP ngành nông nghiệp TP.HCM hiện chiếm khoảng 0,6% so với GRDP Thành phố năm 2022. Hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp TP.HCM ngày càng giảm.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp TP.HCM vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp sản phẩm nông nghiệp, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Nông nghiệp TP.HCM có ý nghĩa rất lớn góp phần duy trì, đảm bảo vành đai xanh cho môi trường.
Năm 2022, ngành nông nghiệp TP.HCM tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tất cả nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.
Ông Hiệp cho biết, sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp TP.HCM đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
GRDP nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt 8.390 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 13,68%). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp TP.HCM năm 2022 đạt 19.035,6 tỷ đồng, tăng 3,78% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 13,71%).
Trong đó, giá trị sản xuất của nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP.HCM năm 2022 đạt 12.944,2 tỷ đồng; chiếm 68% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, cùng kỳ chiếm 66,6%.
Các sản phẩm chủ lực nông nghiệp TP.HCM đã có sự thay đổi về tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Trong đó, rau chiếm 23,8%; hoa cây kiểng chiếm 6,8%; bò sữa chiếm 7,5%; heo chiếm 18,4%; tôm nước lợ chiếm 8,8%; cá cảnh chiếm 2,7% so với ngành nông nghiệp.
Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2022 ước đạt 570 triệu đồng/ha, tăng 14,5% so với cùng kỳ (năm 2021 đạt 498 triệu đồng/ha). Năng suất lao động năm 2022 ước đạt 148,8 triệu đồng/người/năm; tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Xét về hiệu quả kinh tế, lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá, đầu tư vào 3 nhóm sản phẩm chủ lực (gồm 5 sản phẩm chủ lực và 1 sản phẩm tiềm năng) hầu hết đều mang lại lợi ích kinh tế.
Trong đó, rau và cá cảnh có thời gian hoàn vốn và bắt đầu có lợi nhuận là 1 năm, nhanh nhất trong 6 sản phẩm chủ lực.
Sau đó là sản phẩm hoa cây kiểng và tôm nước lợ, thời gian hoàn vốn và bắt đầu có lợi nhuận từ 2 năm trở lên, đem lại lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, bò sữa không khả thi để đầu tư và không đem lại lợi ích kinh tế vì sau 10 năm vẫn chưa thể hoàn vốn và không có lợi nhuận.
Theo Sở NNPTNT, thời gian qua, TP.HCM xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế do có ứng dụng công nghệ cao.
Hiệu quả kinh tế của 6 mô hình sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi nhuận cao hơn các mô hình sản phẩm nông nghiệp truyền thống trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, nông nghiệp TP.HCM cũng gặp không khó khăn. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt, manh mún. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao cần vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm tạo quỹ đất xây dựng dự án… Áp lực cao khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư.
UBND TP.HCM đã ban hành hướng dẫn thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Tuy nhiên, việc thí điểm còn nhiều vướng mắc nên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố chưa thu hút nhiều dự án.
Số lượng người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi vay theo chính sách rất nhiều. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp khó khăn do không có tài sản thế chấp hoặc chưa xây dựng phương án khả thi.
Ông Đinh Minh Hiệp cho biết, năm 2023, nông nghiệp TP.HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng GRDP và giá trị sản xuất từ 3 - 4%; giá trị sản xuất từ 640-660 triệu đồng/ha. Đây là mục tiêu lớn mà nông nghiệp TP.HCM phải vượt khó để đạt được.