Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ như thế khi đặt yêu cầu, đồng thời gợi mở giải pháp để nông nghiệp TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngày 4/1, Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.
Sở NNPTNT cho biết, vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nông nghiệp TP.HCM đã đạt được những kết quả nổi bật.
GRDP nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt 8.390 tỷ đồng; tăng 3,74% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp TP.HCM đạt 19.035,6 tỷ đồng; tăng 3,78% so cùng kỳ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, đánh giá ngành nông nghiệp phải đặt trong bối cảnh chung của cả thành phố TP.HCM. TP.HCM là đô thị hiện đại. Nông nghiệp TP.HCM có đặc điểm khác với nông nghiệp các tỉnh thành khác dù chỉ chiếm tỷ trọng thấp.
Đầu năm 2022, TP.HCM chỉ dám đặt mục tiêu là khống chế dịch bệnh và thích ứng để phục hồi. Thế nhưng, TP.HCM đã nỗ lực vượt bậc. Kinh tế chung phục hồi nhanh, đồng bộ, toàn diện. GRDP của TP.HCM đạt hơn 9%, trong khi cả nước khoảng 8%.
Với ngành nông nghiệp TP.HCM, các chỉ tiêu đều tăng trong khi năm 2021 giảm sâu. GRDP nông nghiệp tăng trưởng dương và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn thành phố.
Tuy nhiên, tăng trưởng của nông nghiệp TP.HCM còn chậm, chưa có đột biến, chưa như mong đợi.
"Nếu ngành nông nghiệp TP.HCM không nhìn nhận đầy đủ, không có giải pháp thì mức tăng trưởng sẽ cứ từ từ, bình bình", Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đặt câu hỏi, khâu nào sẽ giúp cho nông nghiệp TP.HCM bức phá? Vốn đầu tư cũng cần, đất cũng cần; nhưng đó chưa phải là yếu tố tạo đột phá. Yếu tố đột phá phải chăng xuất phát từ những ý tưởng, những sản phẩm đột phá trong nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Bài toán này đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp, từ thành phố đến địa phương, từ tất cả các thành phần cùng suy nghĩ để tìm lời giải. Và trách nhiệm trước hết thuộc về Sở NNPTNT TP.HCM.
Theo ông Hoan, thời gian qua, Sở NNPTNT đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chương trình của TP.HCM, cũng như của Trung ương. Nhưng nỗ lực vừa qua là chưa đủ.
Công tác ngành nông nghiệp thể hiện ở việc quản lý nhà nước, xây dựng chính sách, định hướng tổ chức, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn. Đây là nền tảng để huy động nguồn lực, tạo tiền đề phát triển tương lai.
Tuy nhiên, trong những khó khăn hạn chế, ngành nông nghiệp vẫn chưa chỉ rõ được nguyên nhân vì sao khó. "Chưa thấy rõ nguyên nhân tại sao thì khó có giải pháp để đổi mới sáng tạo, để nông nghiệp TP.HCM tạo đột phá", ông Hoan nhấn mạnh.
Từ những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị, công tác lãnh đạo của Sở NNPTNT TP.HCM cần tập trung, và cụ thể hóa các chương trình lớn của thành phố. Từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu phải rõ người, rõ việc, rõ địa điểm, rõ giải pháp.
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp TP.HCM cũng chính là xây dựng thương hiệu cho hoạt động quản lý của ngành nông nghiệp. Điều này cũng đòi hỏi Sở NNPTNT có cách làm cụ thể.
Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng là một đối tượng người tiêu dùng. Tại sao không có những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu để TP.HCM làm quà cho khách quốc tế?
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho sản phẩm nông nghiệp TP.HCM. Tuy nhiên, ông Hoan chỉ rõ, cách làm hiện nay còn rời rạc, ở bộ phận này hoặc đơn vị kia mà chưa tạo ra được sự kết nối chặt chẽ.
Trong việc hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng công tác nghiên cứu khoa học dành cho nông nghiệp vẫn còn ít. Ngành nông nghiệp cần lựa chọn hoặc khơi gợi các vấn đề để các doanh nghiệp, các nhà khoa học tham gia tìm giải pháp.
Chuyển đổi số cũng là 1 trong những giải pháo để nông nghiệp TP.HCM tạo đột phá. Nhưng chuyển đổi số như thế nào cần có hướng dẫn cụ thể.
Cuối cùng là mối quan hệ giữa nông nghiệp và đô thị hóa. Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng, thành phố vẫn chưa có định hướng rõ ràng để nông nghiệp phát triển trong tương lai.
Đô thị đang chiếm hết đất. Vị Phó Chủ tịch này ví von: "Ngày xưa đất bạt ngàn, lên đô thị thì đất bạc vàng". Và thực tế, có không ít nông dân ở các vùng nông thôn suy nghĩ theo hướng đó.
TP.HCM có cơ cấu kinh tế dịch vụ hiện đại nhưng không thể thiếu sản xuất. TP.HCM hướng đến chất lượng sống tốt, môi trường sống tốt nên vẫn cần nông nghiệp.
"Không có nông nghiệp là không có bầu trời. Ngành nông nghiệp phải giúp thành phố, giúp người dân giữ lại những vùng nông thôn để phát triển thông qua đề án xây dựng các huyện ngoại ô thành đô thị vệ tinh", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị.