Nếu tính tổng thời gian tham chiến của một người lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam, so với tổng thời gian tham chiến của binh lính Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, thì sự chênh lệch sẽ khiến người ta phải giật mình.
Theo các báo cáo của giới quân sự Mỹ, trên chiến trường Việt Nam trung bình mỗi người lính Mỹ phải tham chiến khoảng 240 ngày trên một năm. Trong khi đó, ở Chiến tranh Thế giới thứ hai mỗi binh lính Mỹ chỉ tham chiến trung bình khoảng 40 ngày mỗi năm, thấp hơn tới 6 lần.
Tổng thời gian tham chiến của một người lính được tính bằng với số thời gian anh ta chạm chán với đối phương trên tiền tuyến, hoặc đối mặt với nguy cơ bị sát hại trong các cuộc đột kích.
Chiến trường Việt Nam cũng là nơi vất vả nhất đối với lực lượng Không quân Mỹ khi họ phải tham chiến với số lượng giờ bay kỷ lục. Tổng cộng trong cuộc chiến tại Việt Nam, Không quân Mỹ đã phải thực hiện hơn 7,5 triệu giờ bay.
Đây là tổng giờ bay của tất cả mọi lực lượng Không quân, Không quân Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ, nhiều hơn bất cứ cuộc chiến nào mà Mỹ tham gia từ trước tới tận ngày nay.
Với thời gian tham chiến kể từ khi những binh lính Mỹ đầu tiên đổ bộ xuống Đà Nẵng vào ngày 8/3/1965 và lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam vào ngày 29/3/1973, thì binh lính Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam tổng cộng 2.943 ngày, dài hơn bất cứ cuộc chiến nào trong lịch sử nước Mỹ.
Cụ thể, cuộc nội chiến Mỹ chỉ kéo dài tổng cộng 1.488 ngày, dài bằng một nửa so với thời gian binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có một cuộc chiến nào mà Mỹ tham gia vượt được "kỷ lục" này về mặt thời gian.
Ngoài ra, chiến trường Việt Nam cũng nắm giữ nhiều "kỷ lục" đáng quên khác của người Mỹ như số lượng máy bay Mỹ bị rơi nhiều nhất, nhiều B-52 rơi nhất, nhiều trực thăng bị hạ nhất,...
Việt Nam cũng là nơi Quân đội Mỹ nhận được nhiều bài học đắt giá về mặt chiến thuật, chiến lược sử dụng quân và đặc biệt là những bài học tới tận giờ Mỹ vẫn không thể giải nổi ví dụ như cách khắc chế lại lối đánh du kích của Việt Nam.
So với Chiến tranh Thế giới thứ hai, cuộc chiến tranh tại Việt Nam rõ ràng là dài hơn về mặt thời gian, vất vả hơn cho binh lính Mỹ về mọi mặt.
Quốc hội Mỹ và thậm chí là Tổng thống Mỹ Kennedy đã từng có ý định dừng việc can thiệp quân sự khỏi Việt Nam, chỉ có điều họ không biết thực hiện việc đó bằng cách nào. Nỗ lực này của Tổng thống Kennedy cũng đã không thành khi ông bị ám sát vào năm 1963.
Tổng cộng đã có 58.220 binh lính Mỹ bị thiệt mạng trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam. Con số này chỉ bao gồm binh lính Mỹ, số lượng công dân Mỹ tham gia các hoạt động phi quân sự, các nhà báo và đặc biệt là các điệp viên CIA của Mỹ bị thiệt mạng tại Việt Nam hiện vẫn là một ẩn số.
Tổng cộng trong thời gian diễn ra cuộc chiến tại Việt Nam, Mỹ đã thay Tổng thống tới 5 lần nhưng không một ai trong số họ có thể giải quyết được vấn đề Việt Nam một cách "hợp tình, hợp lý".
Cuộc chiến tranh tại Việt Nam khiến người Mỹ nhận ra nhiều bài học, một trong số đó là bài học đắt giá về việc "tham chiến lâu ngày", rõ ràng cả Quân đội Mỹ, binh lính Mỹ và người dân Mỹ đều không đủ kiên nhẫn cho một hoạt động quân sự kéo dài tới hàng chục năm như ở Việt Nam.
Kết cục là Mỹ đã nhận "trái đắng" trong cuộc chiến kéo dài hàng chục năm này. Tuy nhiên, những hậu quả chiến tranh còn in hằn trong tâm trí những người lính Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam tới hàng chục năm sau đó. Nguồn ảnh: Warhistory.