Dân Việt

Mô hình lớp học ảo: Có đảm bảo được chất lượng lâu dài?

Mỹ Quỳnh 06/01/2023 20:56 GMT+7
Không chỉ giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, lớp học ảo còn mang lại sự hứng thú, hồ hởi cho các học sinh tiểu học. Tuy nhiên, việc thay thế giáo viên trực tiếp có đảm bảo được chất lượng về lâu về dài là câu hỏi cần đặt ra.

Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP.HCM) là cơ sở giáo dục đang được TP.HCM thí điểm mô hình lớp học ảo ở hai môn tiếng Anh, Tin học để giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Ngoài trường này, tại huyện Cần Giờ, Trường Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An) cũng đang được thực hiện thí điểm.

Lợi đơn, lợi kép

Trao đổi tại buổi kiểm tra lớp học mô hình số do Sở GDĐT TP.HCM triển khai, ông Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc ứng dụng mô hình lớp học ảo đã giúp giải quyết được bài toán thiếu giáo viên của trường. 

Mô hình lớp học ảo: Có đảm bảo được chất lượng lâu dài? - Ảnh 1.

Học sinh tại lớp học ảo ở Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Y.H

Theo ông Tới, với quy mô 15 lớp, trường cần 2 giáo viên tiếng Anh để đảm bảo 60 tiết/tuần nhưng trường chỉ mới ký hợp đồng được với một giáo viên. Ông Tới chia sẻ việc tuyển dụng rất khó khăn, nhà trường đăng tải thông tin liên tục trong 3 năm nhưng vẫn không tuyển được. Chính vì thiếu giáo viên, nhà trường không thể triển khai dạy học môn tiếng Anh, Tin học cho khối lớp 1 và lớp 2.

"Triển khai mô hình lớp học ảo giúp nhà trường giảng dạy tiếng Anh cho học sinh tất cả các khối lớp. Đặc biệt, học tập trong lớp học ảo, học sinh được học với giáo viên trẻ chuyên môn cao, trình độ công nghệ thông tin tốt, tạo ra nhiều hiệu ứng... nên học sinh tiểu học rất thích thú, hồ hởi", ông Tới cho biết.

Ngoài ra, ông Tới nhận định, ở lớp học ảo học sinh được thúc đẩy làm việc nhóm trên cơ sở nhiệm vụ giáo viên giao từ xa - nhất là môn tin học. Đây là yếu tố giúp các em hứng thú, nhiệt tình trong giờ học. Đồng thời, cán bộ, giáo viên nhà trường cũng được tích cực nâng cao chuyên môn công nghệ thông tin, duy trì sự thích thú cho học sinh khi học tập. 

Mô hình lớp học ảo: Có đảm bảo được chất lượng lâu dài? - Ảnh 3.

Dù học trên mô hình lớp học ảo nhưng học sinh thích ứng nhanh, theo kịp tiến độ bài học. Ảnh: Y.H

Về khó khăn, ông Tới nhìn nhận, khi học lớp học ảo, học sinh có thể mất tập trung, xao lãng trong tiếp thu bài học. Trong khi đó, giáo viên không trực tiếp quản lý được mà chỉ có thể hỗ trợ từ xa. Bên cạnh đó, để duy trì mô hình đòi hỏi chi phí cao về cơ sở vật chất, nâng cấp đường truyền đảm bảo hệ thống không bị gián đoạn.

Có đảm bảo chất lượng lâu dài?

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM chia sẻ, ông rất phấn khởi khi kiểm tra lớp học ảo và nhận thấy học sinh thích ứng nhanh, tương tác tốt với giáo viên, theo kịp bài học.

Đối với những khó khăn mà lãnh đạo Trường Tiểu học Trung Lập Thượng đưa ra, ông Hiếu đề nghị nhà trường và phòng giáo dục quan tâm, sát sao hơn nữa để động viên, hỗ trợ thầy cô kiểm tra giám sát học sinh, giúp các em tương tác tốt với giáo viên trong giờ học. Ông Hiếu nhấn mạnh, việc quan trọng nhất trong thực hiện lớp học ảo là phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị.

Mô hình lớp học ảo: Có đảm bảo được chất lượng lâu dài? - Ảnh 4.

Lớp học ảo môn Tin học tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Y.H

Được biết, Sở GDĐT TP.HCM sẽ tham mưu, xin ý kiến UBND TP về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ tham gia hỗ trợ lớp học ảo. Đồng thời, sở cũng sẽ tính toán việc cân đối mua sắm thiết bị dạy học tương tác hỗ trợ lớp học ảo để trình UBND TP cân đối nguồn phân bổ hoặc cho phép chi từ nguồn chi sự nghiệp của sở.

Ông Hiếu lưu ý, việc phân công giáo viên trợ giảng phải cố định, ưu tiên phân công giáo viên chủ nhiệm lớp để có thể theo dõi, bám sát học sinh. Giáo viên trợ giảng cũng phải có năng lực trong bộ môn, được tập huấn hỗ trợ lớp học ảo để có thể tương tác qua màn hình.

Đặc biệt, mô hình số nếu áp dụng xuyên suốt, thay thế giáo viên trực tiếp thì không thể đảm bảo chất lượng về lâu dài. Do đó, Sở GDĐT TP.HCM đang xây dựng chế độ thu hút giáo viên giảng dạy tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật.