32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư
Theo báo cáo về tự chủ đại học của Bộ GD-ĐT, đến năm 2022, có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%.
Tỷ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác là rất thấp (chiếm 3,45%). Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 1/3 số lượng các trường đại học công lập trong hệ thống bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác.
Về tự chủ tài chính tại 36 trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT thì có 11 trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư (nhóm 1), tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) và 25 trường tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3).
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, gồm: Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Thương Mại, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng (theo Nghị quyết số 77/NQ- CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017), Trường ĐH Luật - ĐH Huế, Trường ĐH Kinh Kinh tế - ĐH Huế.
Các trường đại học tự đảm bảo chi thường xuyên: Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Y dược - ĐH Huế, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế, Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng.
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, gồm: ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường ĐH Kiên Giang, Học viện Quản lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh.
Thu nhập giảng viên tăng 300 triệu đồng/năm, trường thu nghìn tỷ
Về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài NSNN cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.
Cụ thể, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021. Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).
Trong tốp 5 trường đại học có tổng thu trên 1 nghìn tỷ/năm gồm: Trường ĐH FPT, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM. Ngoài ra, có 2 trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và 03 trường tư thục tự chủ.
Trong top 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 05 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP (trường: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM); 01 trường đại học công lập tự chủ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và 04 trường đại học tư thục là trường: Trường ĐH FPT, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành...
Ngoài ra, có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP trong danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021.
Chi theo quy định làm hạn chế quyền tự chủ đại học?
Qua thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016-2021 của Bộ GD-ĐT, về cơ bản nguồn thu chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng chi sự nghiệp giáo dục đào tạo đại học và sau đại học; chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỷ trọng 7%; chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỷ trọng 10%; chi đào tạo khác chiếm tỷ trọng khoảng 25-26% tổng chi.
Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ), chiếm tới 73%. Nguồn kinh phí dành cho tăng cường cơ sở vật chất (mua sắm, sửa chữa) chỉ chiếm 7%, nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động đào tạo chiếm 18% tổng chi, thu nhập người lao động bao gồm cả thu nhập tăng thêm, làm thêm giờ và tiền thưởng chiếm 2%.
Với cơ cấu chi nêu trên cho thấy, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nguồn kinh phí hiện tại chủ yếu dành để chi trả cho con người, chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Bộ GD-ĐT cho rằng, quỹ lương hàng năm tăng 13% và chi thuê giảng viên tăng 32% cho thấy yêu cầu chi tiền lương, tiền công cho bộ máy và giảng viên tăng nhanh gây áp lực tăng thu, trong khi nguồn ngân sách cấp tăng chậm. Cho nên, đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ GDĐT.
Nội dung mức chi cơ bản phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, làm hạn chế quyền tự chủ của đơn vị. Mức lương vẫn phải thực hiện theo ngạch bậc chức vụ Nhà nước quy định, trong khi không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp nên không có nguồn chi trả thu nhập tăng thêm.
Chi ngân sách cho giáo dục đại học thấp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GD-ĐT cho biết, nguồn ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục.
Theo quy định tại Nghị quyết 29, ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho lĩnh vực GDĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách. Chi NSNN cho lĩnh vực GDĐT gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Trên cơ sở tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ chi NSNN cho tuy giáo dục đã đạt và vượt mức tối thiểu 20% tổng chi NSNN, tuy nhiên số liệu về chi NSNN cho GDĐH còn hạn chế chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GDĐT, nếu so với tổng chi NSNN chỉ chiếm xấp xỉ khoảng 1% (từ 0,9% đến 0,96%).
So sánh tỉ trọng chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH của Việt Nam tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP, tương ứng từ 13.634 tỷ đồng lên 16.703 tỷ đồng) là vô cùng khiêm tốn, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới.
Thống kê cho thấy chi đầu tư cho GDĐH tính trên GDP chiếm ít nhất 1% GDP ở nhiều quốc gia như: Thái Lan 0,64%; Trung Quốc 0,87%; Hàn Quốc và Singapore 1%; Maylaysia 1,13%; Pháp 1,25%; Anh 1,29%, Australia1,54%, Newzealand 1,63%; Finland 1,89%, các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ trọng chi cho GDĐH cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Bộ GD-ĐT cho rằng, ngân sách Nhà nước cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Hàng năm Nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên nên nhìn chung hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập là rất khó khăn nếu không chủ động đẩy mạnh tự chủ đại học.
Các khoản thu hoạt động dịch vụ GDĐT chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy,…
Trong điều kiện kinh phí khó khăn, các đơn vị sử dụng kinh phí cơ bản đúng chế độ, phát huy hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó còn có một số tồn tại cá biệt như thu vượt, thu các khoản thu ngoài chế độ quy định..., chi không đúng nguồn, chi dạy vượt giờ chưa đúng quy định đã được Bộ GDĐT chấn chỉnh, khắc phục kịp thời hàng năm.
Đối với 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, hầu hết các trường thực hiện tự chủ tài chính toàn diện và sâu rộng, dẫn đến thay đổi tích cực; một số trường nhận xét các chính sách tự chủ về quản lý sử dụng tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài NSNN còn chưa thuận lợi.
Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn ở mức thiếu và lạc hậu so với yêu cầu.
Bộ GD-ĐT cho biết, hiện tại đang thiếu các quy định, cụ thể:
Thứ nhất, cơ chế quản lý đầu tư nguồn vốn từ NSNN vào việc xây dựng cơ sở vật chất tại các trường đại học như một kênh đầu tư có thu hồi vốn, căn cứ vào nhu cầu, cam kết sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của nhà trường và khả năng ngân sách của nhà nước tại Luật Đầu tư công.
Thứ hai, trường được tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp để đầu tư cơ sở vật chất theo quy định của Nhà nước.
Thứ ba, trường được tự chủ đầu tư, vay vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng hoặc huy động nguồn các tài chính khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng; khai thác tối đa các tài sản đã đầu tư trên đất để kinh doanh dịch vụ, liên kết đào tạo, cho thuê, xây dựng phương án góp vốn, tài sản để liên doanh, liên kết đối với các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định của pháp luật.