Mang tâm trạng háo hức, sinh viên Nguyễn Quốc Bảo (21 tuổi, Hà Nội) đang mong ngóng Tết từng ngày. Nam sinh cho biết, đây là dịp để nghỉ ngơi sau một năm học tập, làm việc, là dịp để gia đình sum vầy, bạn bè gặp mặt.
"Em vừa đi học vừa đi làm. Em làm bán thời gian tại một cửa hàng đồng hồ và viết content cho công ty truyền thông. Thu nhập ổn, mỗi tháng em tiết kiệm 3/4 số tiền kiếm được. Việc tiết kiệm không chỉ để chi tiêu cho Tết mà cho quanh năm, nếu có công việc cần thì lấy khoản đó ra dùng" - Bảo cho biết.
Nam sinh nhẩm tính số tiền chi tiêu trong dịp Tết này khoảng 15 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng để đi du lịch cùng bạn gái, 5 triệu còn lại sẽ lì xì bố mẹ và mua sắm cho bản thân.
"Tuỳ thu nhập mỗi năm sẽ tiêu nhiều hay tiêu ít. Tiêu vào những khoản bản thân thấy hợp lí trong khả năng tài chính chứ không nên vung tay quá trán rồi thành con nợ" - nam sinh nói.
Đối với gia đình Nguyễn Dung (22 tuổi, Vĩnh Phúc), Tết không có gì đáng lo bởi hai vợ chồng đều đã có tiền tiết kiệm nên không áp lực. Vấn đề lớn nhất là mua sắm sao cho vừa đủ để tránh lãng phí.
"Mỗi mùa Tết, gia đình em tiêu hết khoảng 5 triệu, thậm chí những năm dịch bệnh sắm Tết chỉ 4 triệu đồng. Quan trọng là phải biết tính toán, chi tiêu hợp lý" - Dung nói.
Những thứ cần chuẩn bị như đồ ăn, đồ thắp hương, đồ biếu Tết, tiền lì xì chắc chắn không thể thiếu. Dung cho biết, phải lựa số người trong gia đình để mua sắm cho hợp lý. Những món đồ cần thiết thì sắm, cắt giảm tối đa những thứ không cần dùng đến.
"Khác với ngày xưa, mong đến Tết để có đồ ăn ngon, quần áo mới thì hiện tại đã đầy đủ, ngày thường cũng không thiếu gì. Chính vì vậy chỉ mua đồ ăn đủ cho 3 ngày Tết, tránh gây thừa ăn tới rằm tháng Giêng vẫn chưa hết. Quần áo đã mua quanh năm nên đến Tết cũng không cần sắm nhiều" - Dung cho hay.
Tết là phải vui, một khởi đầu vui vẻ thì cả năm sẽ may mắn và suôn sẻ nên Dung ưu tiên tận hưởng thời gian bên người thân của mình. Chi tiêu phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân để đến khi hết Tết cả gia đình vẫn còn tiền sinh hoạt.
Theo Bảo Chấn (26 tuổi, Sơn La), nhiều người sợ Tết bởi nỗi lo về kinh tế và hàng trăm công việc không tên, nhất là dọn dẹp và nấu nướng. Chấn cho rằng, không nên tự đặt ra những áp lực cho mình mà coi nó như một kỳ nghỉ để tận hưởng.
Khái niệm chi tiêu hợp lý tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi gia đình, có người coi 5 triệu là hợp lý nhưng đối với những người thu nhập cao thì tiêu 25, 30 thậm chí 50 triệu đồng cho một cái Tết là bình thường.
"Mỗi người phải tự lên kế hoạch chi tiêu cho mình. Suy nghĩ làm lụng cả năm để chi tiêu trong 3 ngày Tết, hay cả năm mới có một cái Tết nên cứ tiêu thoải mái đã khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng "cháy túi".
Không nên "đua đòi" thấy hàng xóm mua quất, mua đào mình cũng mua theo, thấy người ta đi du lịch mình cũng phải đi cho bằng được, trong khi khả năng tài chính của mình không đủ chi trả. Đến khi ra Tết lại phải chạy vạy, vay mượn để có tiền sinh hoạt. Thực tế nhiều gia đình đã rơi vào tình cảnh như vậy nên việc tiêu tiền ngày Tết hợp lý rất quan trọng" - anh Chấn nêu quan điểm.