Dân Việt

TP.HCM phát triển mạng lưới đường sắt kết nối Cần Thơ, Bình Phước

Hồng Trâm 01/02/2023 10:31 GMT+7
TP.HCM và các địa phương sẽ tập trung phát triển mạng lưới đường sắt liên tỉnh để phục vụ nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai. Đồng thời, TP tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động nhằm phát triển kinh tế.

Nhiều dự án đường sắt liên tỉnh

Đánh giá của các chuyên gia giao thông, TP.HCM hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, không chỉ thể hiện ở việc gia tăng dân số mà cả ở tiến trình cơ giới hóa, tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần nghiên cứu đánh giá quy hoạch, rà soát tổng thể hiện trạng mạng lưới giao thông thành phố.

Trong bối cảnh việc đầu tư cho đường bộ còn thấp và dần có những khiếm khuyết, các chuyên gia đề xuất trong quy hoạch mới, TP.HCM cần nghiên cứu, tính toán phát triển mạnh mẽ hệ thống đường sắt kết nối vùng, gắn với mô hình TOD (định hướng giao thông công cộng nhanh sức chở lớn) để phục vụ mục tiêu phát triển.

Phát triển mạng lưới đường sắt TP.HCM kết nối liên tỉnh - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ tập trung phát triển mạng lưới đường sắt liên tỉnh. Ảnh: I.T

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho hay quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam, TP.HCM có 5 tuyến đường sắt kết nối với các địa phương khác như: Đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP.HCM; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh (Bình Phước); đường sắt TP.HCM - Tây Ninh; đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (Đồng Nai). Trong đó, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị sớm mở rộng mạng lưới đường sắt tại địa phương để phục vụ nhu cầu người dân, kết nối liên tỉnh. Trong đó, bên cạnh tuyến đường sắt Bắc – Nam là tuyến giao thông huyết mạch của đất nước, thì đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đánh giá là có vai quan trọng trong việc kết nối giao thông, hạ tầng.

Dự án thúc đẩy kinh tế xã hội TP.HCM, Cần Thơ nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tuyến đường sắt này còn góp phần tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang TP.HCM – Cần Thơ.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án

Xác định tầm quan trọng của tuyến đường sắt kết nối TP.HCM và Cần Thơ, Ban quản lý dự án đường sắt đã báo cáo Bộ GTVT tình hình khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài hơn 174km, đi qua 6 tỉnh, thành.

Kết quả nghiên cứu bước đầu xác định hướng tuyến của đường sắt TP.HCM – Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), dài hơn 174km, đi qua 6 tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ... Trên tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe…

Phát triển mạng lưới đường sắt TP.HCM kết nối liên tỉnh - Ảnh 3.

Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài hơn 174km, đi qua 6 tỉnh, thành. Ảnh: I.T

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435 mm – điện khí hóa, tốc độ thiết kế khoảng 190 km/h cho tàu khách và 120 km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ lên TP.HCM sẽ được rút ngắn chỉ còn 75-80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3-4 giờ như hiện nay.

Công nghệ đường sắt được lựa chọn cho tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến. Tổng mức đầu tư dự án này dự kiến là 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD).

Về phương án đầu tư, tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, vốn Nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước, theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ).

Phát triển mạng lưới đường sắt TP.HCM kết nối liên tỉnh - Ảnh 4.

Hệ thống đường sắt kết nối vùng giúp phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: H.T

Theo Ban quản lý dự án đường sắt, tính đến cuối tháng 12/2022, đơn vị cùng tư vấn khẩn trương làm việc với các địa phương về thống nhất phương án tuyến, vị trí ga, depot dự án. Tuy nhiên đến nay, Ban quản lý dự án đường sắt chưa nhận được ý kiến chính thức của UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng cho biết dự án trải dài trên tuyến, qua rất nhiều địa phương. Việc điều chỉnh, cập nhật quy hoạch mạng lưới đường sắt cũng như quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của các địa phương đang được tiến hành cập nhật nên công tác thỏa thuận gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu.

Ngoài ra, trên tuyến đường sắt huyết mạch nối TP.HCM - Hà Nội, Bộ GTVT vừa chấp thuận việc cải tạo đường sắt vào nhà máy Xe lửa Dĩ An (Bình Dương). Theo đó, do quá trình đô thị hóa, hành lang an toàn giao thông đường sắt bị lấn chiếm, hệ thống thoát nước của nhánh đường sắt nối từ tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM tại ga Dĩ An (Km1706+600) vào Công ty Xe lửa Dĩ An bị vùi lấp, dẫn đến vào mùa mưa xảy ra ngập úng.

Để khắc phục tình trạng ngập úng, Bộ GTVT đã chấp thuận cho Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện chuẩn bị đầu tư công trình: "Cải tạo, sửa chữa đường sắt từ Km0+00 - Km1+500, tuyến đường sắt vào nhà máy Xe lửa Dĩ An" tại kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2023.