Trong Tam quốc diễn nghĩa Quan Vũ được mô tả cao 9 thước (hơn 2 mét ngày nay), có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".
Trong khi đó, đối với dân gian, Quan Vũ được xem như sự hiện hữu của khái niệm "nghĩa khí vân thiên".
Quan Vũ được liệt đại Hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, ông cũng là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Chính vì Quan Vũ được tôn là bậc thần nhân nên có rất nhiều truyền thuyết kỳ bí cũng như nhiều giai thoại về cuộc đời ông.
Về thân thế của Quan Vũ theo các nguồn sử liệu thì ông có biểu tự là Trường Sinh sau đổi thành Vân Trường, người Giải Lương, quận Hà Đông (nay là Vận Thành, tỉnh Sơn Tây). Tam Quốc ngoại truyện cho rằng ông là người Bồ châu.
Các sách sử chính thống không có ghi chép gì về tổ tiên của Quan Vũ. Nhưng Trong Quan Đế minh thánh kinh cho rằng cụ nội Quan Vũ là Quan Long Phùng, ông nội Quan Vũ là Quan Thẩm, tự là Vấn Chi và cha ông là Quan Nghị, tự là Đạo Viễn.
Không rõ gia cảnh Quan Vũ thế nào, nhưng ông được học cả văn lẫn võ. Tam quốc chí ghi chép rằng theo Giang Biểu truyện thì thời trẻ Quan Vũ rất thích Tả truyện, "thường đọc ngâm nga những chỗ mưu lược đầy vẻ thích thú".
Trong dân gian, Quan Vũ được cho là nhà nghèo, đã từng làm nhiều nghề như thợ rèn, bán đậu phụ, đẩy xe... nên sau này được tôn là ông tổ nhiều nghề ở Trung Hoa. Nhưng sử sách không có ghi chép rõ ông từng làm nghề nào.
Trong Quan Vũ truyện ghi: "Sau có tội, bỏ xứ lưu lạc đến Trác Quận", có thể là lúc trưởng thành do phạm tội, ông phải bỏ quê hương đến nương náu ở quận Trác, nhưng không rõ tội gì.
Nhiều giai thoại dân gian cho là ông đã giết một gã côn đồ khi hắn đòi tiền bảo kê trong chợ.
Theo sử liệu thì tại quận Trác, Quan Vũ đã gặp gỡ với Lưu Bị và Trương Phi, trở nên thân thiết như anh em.
Năm 184, khởi nghĩa Khăn Vàng của Trương Giác nổi lên, Quan Vũ cùng Trương Phi theo Lưu Bị khởi binh tham gia cùng quân triều đình đánh dẹp khởi nghĩa. Kể từ đó Quan Vũ đi theo và phục vụ dưới chướng của Lưu Bị cho đến lúc thất thủ ở Kinh Châu và vong mạng.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung từng có đoạn; Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi ba người tâm đầu ý hợp, quen biết không lâu đã kết bái huynh đệ tại vườn đào Trương gia.
Cũng kể từ đó, ba người huynh đệ khác họ ấy đồng tâm hiệp lực, lập nên Thục quốc - một trong ba thế lực tạo thành "thế chân vạc" thời Tam quốc.
Vậy nhưng, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay đã khẳng định, kỳ thực Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi vẫn chưa hề kết bái. Chuyện đào viên năm xưa chỉ là một chi tiết hư cấu của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.
Khảo cứu từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử chính thống, trong đó chủ yếu là Tam quốc chí và Tư trì thông giám, các nhà sử học đều thấy việc "kết nghĩa đào viên" của bộ ba Lưu - Quan - Trương không được ghi chép lại.