1 tháng nay, thay vì về nhà, anh Nguyễn Văn Nam (Nhật Tân, Hà Nội) ngủ tại lều ngoài đồng. Một phần là để canh đào, chống trộm, một phần là vì đơn hàng tăng nhiều phải túc trực để cắt đào Tết cho khách.
Anh Nam nói: “Làm cả năm gặt hái có một tháng vì thế chúng tôi chẳng ngại thức khuya dậy sớm. Từ 20-26 là những ngày cao điểm của vườn vì thế phải thức đêm cắt đào kịp cho khách cũng là bình thường", anh Nam nói.
Hà Nội, ngoài Nhật Tân là nơi trồng đào, quất nổi tiếng trên cả nước, thì còn có làng La Cả (Dương Nội, Hà Đông) cũng là nơi trồng đào có tiếng.
Ông Nguyễn Văn Giang - người trồng đào (phường Dương Nội) cho hay, gia đình ông thuê 5 sào đất nông nghiệp ngay phường Trung Văn và một mẫu tại phường Đại Mỗ để trồng 2.500 gốc đào cành và đào thế. Giá bán đào cành năm nay không tăng, dao động từ 100-500 nghìn đồng/cành; 1-10 triệu đồng/cây đào thế. Dự tính sau thu hoạch gia đình ông thu khoảng 250 triệu đồng với 5 sào đào các loại.
“Những ngày cao điểm giáp tết, gia đình tôi dựng lán, trại ở vườn, cắt cử nhau trông coi, thuê thợ đánh gốc, cắt đào Tết kịp giao cho khách”- ông Giang cho hay.
Cũng theo ông Giang, 2 năm vừa qua, ông phát triển kênh bán hàng qua fanpage, zalo, tiktok nên có nhiều khách ở Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi đặt mua sỉ.
“Năm nay khách sỉ chủ yếu đặt hàng qua mạng xã hội. Khách mua từ 50 cành trở lên sẽ được hưởng giá ưu đãi. Chúng tôi làm việc với hãng vận chuyển chở hàng đến tận nơi cho khách. Đào được chằng bó cẩn thận, giao đến khách đảm bảo không bị dập, héo. Với những khách lẻ đặt hàng, chúng tôi cũng sẵn sàng giao qua đường máy bay cho khách với chi phí vận chuyển hợp lý”- ông Giang thông tin.
Những ngày này, vào ban đêm dễ dàng nhận thấy hàng nghìn bóng điện rực sáng cả một vùng ruộng đồng rộng lớn tại Dương Nội. Tiếng chặt, tiếng gọi nhau, tiếng xe chạy vang dội cả góc trời. Một tháng trở lại đây, anh Nguyễn Văn Bằng, chủ vườn đào tại Dương Nội đều thức trắng đêm, soi đèn để cắt đào kịp giao cho khách.
“Năm nay thời tiết thuận lợi, lạnh nhưng không bị giá, nên nụ đào mập, cánh hoa to, lâu tàn, nhiều nụ. Nếu thời tiết cứ như này đến Tết, người trồng đào hứa hẹn có một năm bội thu.”- anh Bằng cho hay.
Anh Bằng cũng cho biết, cả một năm chăm bón đào vất vả, đầu tư tiền của, phân bón, chăm sóc đào, người trồng đào chỉ trông chờ vào lứa đào bán dịp Tết. “Năm nào bán được giá mới có tiền trả nợ và lo cho con cái học hành”- anh Bằng tâm sự.
Bà Dương Thị An ở phường Dương Nội cho biết, nghề trồng đào vất vả cả năm để chờ thu hoạch đúng dịp Tết nên người trồng đào luôn thấp thỏm, lo âu trước những rủi ro của thời tiết. Tâm huyết với nghề, nhiều người tìm cách học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đào thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Yếu tố quyết định số lượng nụ và hoa chủ yếu là việc hãm tăm. Công đoạn này được thực hiện vào khoảng tháng Chín âm lịch. Khi cành nảy tăm non, vừa tầm, sẽ được tạo dáng, cắt khoanh xung quanh phần thân sát gốc cây; tiếp đó, bóc lớp vỏ để ngăn gốc cây đẩy nhựa lên nhằm hãm độ dài của tăm và đóng các mắt trên tăm; sau thời gian ngắn, mỗi mắt trên tăm nhú lên một nụ hoa... Thực hiện đúng công đoạn này vừa giữ dáng cây đẹp, vừa làm tăng số nụ hoa. Ngoài ra, việc vặt bớt lộc trên đầu tăm giúp nụ hoa mập hơn, cánh hoa to và lâu tàn”- bà An cho biết.
Ngoài những kinh nghiệm trên, người trồng đào ở Dương Nội còn rất nhạy bén với thị trường. Những năm gần đây, người dân có xu hướng mua đào sớm nên khoảng cuối tháng Một âm lịch, tại những chợ hoa lớn đã có đào bán. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người trồng đào điều chỉnh để hoa nở rộ theo đợt. Với những hộ trồng đào năm đầu, chủ yếu bán đào cành. Đặc biệt, nhà nào cũng trồng đào Tết theo kiểu thu hoạch rải vụ (trước, trong và sau Tết Nguyên đán), vừa đáp ứng đa dạng khách hàng, vừa tránh được rủi ro. Với phương pháp này, những năm gần đây, đào không bị ế, nguồn thu của chúng tôi từ việc trồng đào cũng ổn định.
Lãnh đạo phường Dương Nội thông tin, trong tiến trình đô thị hóa, làng đào La Cả thành các tổ dân phố. Toàn phường có 16 tổ dân phố với hàng trăm hộ dân vẫn “say sưa” với đào. Đã có lúc tưởng chừng các vườn đào bị xóa sổ bởi nhường đất cho các dự án. Tuy nhiên, với tập quán canh tác, đặc biệt là sự gắn bó mật thiết với nghề trồng đào nên người dân nơi đây vẫn tìm cách phát triển nghề. Họ thuê đất tại các phường lân cận để tiếp tục trồng đào, qua đó, bảo tồn được nhiều nguồn gen đào quý của La Cả; đồng thời, cung cấp lượng lớn đào cho thị trường Hà Nội.