Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, vào năm Ất Hợi - 1815, khi ấy vua Gia Long ở ngôi đã lâu và tuổi cũng đã cao nhưng vẫn chưa định người nối ngôi. Một hôm nhân lúc vừa tan buổi chầu, vua hỏi Nguyễn Văn Thành rằng:
Cháu ta là Đán, tức Nguyễn Phúc Mỹ Đường, là con trưởng của Hoàng tử Cảnh thì còn bé, vậy trong các con ta ai đáng được lập làm thái tử?
Nghe nhà vua hỏi vậy, Nguyễn Văn Thành liền tâu:
Đích tôn thừa trọng, nếu bệ hạ theo đúng lễ này thì mới gọi là phải. Nay nếu bệ hạ muốn chọn người khác thì ở đời ai mà chẳng biết khi còn trẻ, con sao bằng cha. Vì thế cho nên việc này thần không dám can dự.
Tuy nói với nhà vua là như vậy, nhưng một hôm Nguyễn Văn Thành mời các triều thần đồng liêu đến nhà riêng và đứng ra nói trước với mọi người rằng: Hoàng tôn Đán lên nối ngôi vua là hợp cả lý và tình, vì thế cho nên tôi đã tâu vua xin lập, các quan thấy thế nào?
Trịnh Hoài Đức nghe vậy sợ phải tội lây, liền ngăn trở và nói rằng:
Đấy là việc quốc gia đại sự, phải để nhà vua quyết đoán, không phải là việc của quần thần. Nếu ai có ý riêng thì tội ấy lớn lắm.
Nghe Trịnh Hoài Đức nói vậy, Nguyễn Văn Thành mới thôi. Từ đấy trở đi, mỗi khi vào chầu, Nguyễn Văn Thành thường xin lập thái tử, vua im lặng khiến Nguyễn Văn Thành càng ngờ và sợ hãi.
Vào cuối năm Ất Hợi - 1815, con trai của Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên thi đỗ cử nhân khoa Quý Dậu 1813 thường dùng thơ văn để giao thiệp với khách. Nghe nói ở Thanh Hóa có Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Thuận là những người nức tiếng hay chữ, Nguyễn Văn Thuyên bèn sai môn hạ là Nguyễn Trương Hiệu đến mời. Trong bài thơ gửi 2 người nói trên, có câu: Thử hồi nhược đắc sơn trung đế; Ta ngã kinh luân chuyển hóa cơ.
Nghĩa của hai câu thơ này là: Thời nay, nếu mà có được vị chúa trong núi kia ở bên cạnh để ta lo sắp đặt thì có thể xoay chuyển được cơ trời. Câu thơ này hàm ý bội nghịch, cho nên, Nguyễn Trương Hiệu liền đi báo với quan Thiêm sự của bộ Hình là Nguyễn Hữu Nghi. Nguyễn Hữu Nghi vốn có thù oán với Nguyễn Văn Thành, bèn đem lời thơ ấy tố cáo với Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành vốn không hòa hợp, nên Lê Văn Duyệt liền đem lời thơ ấy dâng lên vua.
Sau đó, vua Gia Long cho là sự trạng chưa rõ và sai trả lại cho Nguyễn Văn Thuyên. Thấy tờ giấy có 2 bài thơ rất đáng giá, Nguyễn Trương Hiệu bèn giữ lại để tống tiền Nguyễn Văn Thuyên. Nguyễn Văn Thuyên cho tiền nhưng Nguyễn Trương Hiệu vẫn chưa vừa lòng, nên đợi Nguyễn Văn Thành đi chầu về, đón đường nắm áo mà đòi thêm.
Nguyễn Văn Thành lập tức bắt cả Nguyễn Trương Hiệu và Nguyễn Văn Thuyên giam vào ngục Quảng Đức, rồi khi vào chầu đem việc ấy tâu lên nhà vua. Vua giao cho đình thần tra xét, nhưng lại nghĩ chứng cớ chưa đủ, bèn tha cho Nguyễn Văn Thuyên, còn Nguyễn Văn Thành thì vẫn được làm quan như cũ.
Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, một trong số những vị quan thuộc hàng khai quốc công thần của triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Gia Long thì Nguyễn Văn Thành là người có công lớn và cũng là người được học hành hơn những người khác. Có thể nói ông là người thông minh, trung thành và có tài nhưng cũng lắm tật xấu, có nhiều công lao song tội cũng không phải là ít. Một người cha như vậy mà con ngông nghênh đến mức chẳng còn coi ai ra gì mới là chuyện lạ. Hơn nữa, tuy thân làm bề tôi chưa có công cán gì và sự học thì lại cũng chưa bằng ai vậy mà Nguyễn Văn Thuyên lại muốn thay đổi cơ trời thì quả là người không bình thường vào thời ấy.
Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng viết: “Làm trai đứng ở trong trời đất; Phải có danh gì với núi sông”. Thế nhưng theo quan niệm Nho giáo ngày xưa, nếu muốn “có danh gì với núi sông” thì trước hết thân “làm trai” phải biết “tề gia”, vì có tề được gia thì mới “trị quốc” được và sau đó mới đến “bình thiên hạ”. Tiếc rằng một người như Nguyễn Văn Thành lại không hiểu được cái đạo lý đơn giản nhưng lại thịnh hành vào thời ấy. Chưa dạy được con nên với Nguyễn Văn Thành không thể cho là đã tề được gia, nhưng ông ta lại ngồi ở ghế đại thần trị quốc, cho nên tai họa đến với ông là điều khó tránh khỏi. “Hậu sinh khả úy” nên mong rằng hậu thế thời nay sẽ không có ai vướng phải những sai lầm như của hai cha con Nguyễn Văn Thành trong giai thoại trên.