Dân Việt

Bí ẩn tấm sắc phong hơn 400 năm ở Hà Tĩnh

Lê Tập - Hồ Thỏa 29/01/2023 07:30 GMT+7
Tấm sắc phong có chiều dài 4,5m, rộng 0,5m, với tổng số là 318 chữ viết trực tiếp lên nền vải lụa gấm.

Sắc phong này được vua Lê Kính Tông ban tặng cho Tể tướng Nguyễn Văn Giai (sinh năm 1553, ở thôn Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An - nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), đã có tuổi đời hơn 400 năm.

Trải 3 triều thuộc hàng danh tướng

Ông Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái bảo, Quận công, công thần "khai quốc" thời Lê trung hưng, nổi tiếng chính trực và biết giữ nghiêm pháp luật triều đình, có công bình định nhà Mạc. Tể tướng Nguyễn Văn Giai sinh tại xã Mỹ Tường, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc (nay là xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

xuan/ Bí ẩn tấm sắc phong hơn 400 năm  - Ảnh 1.

Đền thờ Nguyễn Văn Giai ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Lê Tập

Theo ông Lê Bá Hạnh-Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, đạo sắc phong ở nhà thờ dòng họ Nguyễn Văn được xếp vào đặc biệt quý hiếm vì những lý do: Trước đây vua chủ yếu dùng giấy để làm sắc phong, khen thưởng cho một ai đó khi họ có công lao, hiếm khi dùng lụa; Thứ 2, đây là tấm sắc phong dài nhất từ trước đến nay; Thứ 3, tuy trải qua hơn 400 năm nhưng những chữ Hán cổ vẫn rất mảnh, thẳng hàng, rõ và đẹp.

Theo lịch sử dòng họ Nguyễn ghi lại, ông Giai thi đỗ giải nguyên khi nhà Lê Trung Hưng mở khoa thi tại Thanh Hóa. Tháng 8/1580, Nguyễn Văn Giai tiếp tục dự thi hội do nhà Hậu Lê mở tại sách Vạn Lại (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đỗ hội nguyên và sau đó đỗ luôn đình nguyên nhị giáp tiến sĩ. Ông là vị Tam nguyên đầu tiên của thời Lê Trung Hưng. Cũng trong năm này, Nguyễn Văn Giai được bổ nhiệm giữ chức Tán ký lục trong quân đội. Ông đã đóng góp nhiều mưu kế quân sự hay nhằm giúp đánh bại nhà Mạc năm 1592. Ông được thăng chức Đề hình Giám sát Ngự sử.

Năm 1608, Nguyễn Văn Giai được thăng làm Đô ngự sử. Những năm sau đó, ông Nguyễn Văn Giai liên tục có nhiều công lao to lớn giúp vua Lê trị vì đất nước, được thăng hàm Thiếu úy, gia phong Dực vận tán trị công thần, rồi thăng làm Thái bảo. Nguyễn Văn Giai nổi tiếng là người chính trực, thanh liêm, có tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn, hiến nhiều mưu lược cho nhà vua để giữ yên bờ cõi và thiết lập tình giao hảo với các nước. Năm 1628, ông Nguyễn Văn Giai mất, thọ 75 tuổi. Triều đình truy tặng ông là Đại tư đồ, thụy là Cẩn Độ. Hiện trên bia mộ của ông tại quê nhà vẫn còn khắc rõ đôi câu đối do chính vua Lê Kính Tông tặng trước lúc ông tạ thế: "Quốc thạch trụ tam triều danh tướng - Địa giang sơn vạn cổ phúc thần" (tạm dịch nghĩa là: Trải ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà/Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương).

Đạo sắc bằng lụa gấm nhiều chữ nhất Việt Nam

xuan/ Bí ẩn tấm sắc phong hơn 400 năm  - Ảnh 3.


xuan/ Bí ẩn tấm sắc phong hơn 400 năm  - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Tân - hậu duệ đời thứ 13, đang trực tiếp lưu giữ, bảo quản 28 sắc phong, trong đó quý nhất là tấm bằng lụa gấm được công nhận dài và nhiều chữ nhất Việt Nam. Ảnh: Lê Tập

Là một vị quan đại thần vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, người từng làm tể tướng 3 triều vua Lê (Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông), ông Nguyễn Văn Giai được các đời vua trọng dụng và ban tặng gần 100 sắc phong để ghi nhận công trạng của ngài. Ông Nguyễn Văn Tân (68 tuổi, trú tại thôn Ích Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - là hậu duệ đời thứ 13, cũng là người quản lý đền thờ Nguyễn Văn Giai, cho biết: "Do chiến tranh và qua thăng trầm thời gian, hiện con cháu chỉ lưu giữ được 28 sắc phong cho cụ Nguyễn Văn Giai, trong đó quý nhất là tấm sắc phong bằng lụa gấm được công nhận là tấm sắc phong dài và nhiều chữ nhất Việt Nam".

Đã trải qua hơn 400 năm lưu trữ, tấm đạo sắc quý hiếm bằng chất liệu vải lụa gấm vẫn còn khá nguyên vẹn. Đạo sắc quý có chiều dài 4,5m, rộng 0,5m, màu trắng đục, không có hoa văn, gồm 318 chữ, bố cục theo 63 hàng cột dọc, 5 hàng ngang, được viết trực tiếp lên lụa. Nét chữ viết rất mảnh, thẳng hàng, rõ và đẹp, phần ghi niên hiệu nằm ở cuối của khổ vải, chỉ còn 1/2 phần ấn dấu của nhà vua.

Tháng 9/2009, qua khảo sát, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Hà Tĩnh xác nhận, sắc phong quý này có niên hiệu Hoằng Định năm thứ 11, triều vua Lê Kính Tông (1610). Nội dung của sắc phong là khen thưởng ông Nguyễn Văn Giai - quan đại thần đã có 48 năm làm quan dưới triều Lê (1580 -1628), 3 triều vua: Lê Mục Tông, Lê Thế Tông và Lê Kính Tông.

Ông Nguyễn Văn Tân cho hay, nhân ngày giỗ của Tể tướng Nguyễn Văn Giai (ngày 13 tháng Giêng) hàng năm, các con cháu dòng họ Nguyễn Văn sẽ tổ chức rước sắc phong từ nhà ông Nguyễn Văn Tân đến mộ ngài và sau đó là về đền thờ Nguyễn Văn Giai cách đó khoảng 100m. Trước khi bê tráp gỗ đựng đạo sắc còn lưu giữ được từ trên ban thờ xuống, ông Tân cùng các bậc cao niên trong dòng họ đều thành kính làm lễ xin phép trước ban thờ tổ tiên. "Các bản sắc phong không chỉ là tài sản của dòng họ, mà chúng được xem là giá trị văn hóa và lịch sử, là "bùa hộ mệnh" cho người dân tai qua nạn khỏi. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở các thế hệ trong dòng họ phải luôn giữ gìn, bảo vệ những tấm sắc phong" - ông Tân tâm sự.

Là người trực tiếp nghiên cứu về tấm lụa sắc phong bằng lụa gấm của dòng họ Nguyễn Văn tại xã Ích Hậu, ông Lê Bá Hạnh-nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh thông tin: "Đến nay, đạo sắc vải lụa gấm đang được lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Văn ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà là sắc phong có độ dài lớn nhất và nhiều chữ nhất ở Việt Nam. Đạo sắc này đã tồn tại trên 400 năm, có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, không chỉ của dòng họ Nguyễn Văn mà còn là di sản văn hóa quý hiếm của dân tộc".n