Dân Việt

Việt Nam và World Cup: Học gì từ Nhật bản, Hàn Quốc?

Nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh 22/01/2023 18:10 GMT+7
Nhìn Nhật Bản và Hàn Quốc chơi bóng ở World Cup 2022, không ít người mơ ước một ngày nào đó sẽ thấy ĐT Việt Nam cũng được tham dự sân chơi này, nhất là khi World Cup sẽ mở rộng tới 48 đội kể từ năm 2026.

Song, gõ cửa World Cup và ở lại đó tạo ấn tượng lại là một câu chuyện lớn, một quãng đường dài…

Một hành trình "dằng dặc"

Hãy tưởng tượng một kịch bản như sau ở năm 2026. Đó là ĐT Việt Nam giành vé đến World Cup sau trận đấu kịch tính tranh vé vớt. Cả nước vỡ òa. Người hâm mộ đổ ra đường. Cờ bay phấp phới. Tiếng hô nức lòng người và vô cùng quen thuộc "Việt Nam vô địch" đồng thanh vang lên ở từng góc phố. Vỡ òa...

Sau vòng bảng World Cup 2026, ĐT Việt Nam thua cả 3 trận, với tỷ số rất đậm và kịch bản chung là vỡ trận chỉ sau khoảng 30 phút thi đấu. Lúc ấy, chắc chắn sẽ có hai luồng bình luận rôm rả trên mạng xã hội. Thứ nhất là những lời động viên theo kiểu "các em đã nỗ lực hết mình rồi. Lần đầu bao giờ chẳng khó khăn. Chúng ta thua nhưng cũng nên tự hào vì các em đã chiến đấu bằng tất cả những gì họ có". Thứ hai là kiểu bỉ bôi chê bai "mấy ông Việt Nam mà đá cái gì. Yếu như sên. Ra World Cup họ đá cho nát người. Thôi coi như đi du lịch".

xuan/Việt Nam và World Cup: Học gì từ Nhật bản, Hàn quốc?  - Ảnh 1.

Hàn Quốc (trái) và Nhật Bản đã thay đổi, đi qua một hành trình rất dài để có thể nghiễm nhiên đến sân chơi World Cup. Ảnh: KYODO - GOAL

Đi qua thất bại như thế nào mới là cách người Nhật và người Hàn xây dựng nền bóng đá của mình, những nền bóng đá đã quá quen mặt với World Cup. Và điều đó khiến chúng ta cần đặt ra câu hỏi cho chính mình rằng bóng đá Việt Nam đã đi qua thất bại như thế nào?

Kiểu bình luận này thực tế từng tồn tại rồi, khi lứa Quang Hải tham dự vòng chung kết World Cup U20 (2017). Với những người yêu bóng đá và hay theo dõi các diễn đàn, cách bình luận kể trên không có gì là lạ.

Quay trở lại với câu chuyện của người châu Á ở World Cup 2022, mà nói cụ thể hơn là người Đông Á. Đã không còn cái hình ảnh ám ảnh "Đông Á bệnh phu" trên sân cỏ nữa, khi mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều kiếm tìm được những chiến thắng vẻ vang ở vòng bảng. Thất bại ở vòng 1/8 là điều chấp nhận được, dù rằng có thể hơi cay đắng với Nhật Bản khi họ chơi rất hay ở 120 phút nhưng lại không có được "tinh thần Tsubasa" ở loạt luân lưu. Và chính đội bóng Nhật Bản ấy nên là hình ảnh tiêu biểu của Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng nếu muốn nhắc tới giấc mơ World Cup.

Từ chỗ vinh dự giành được vé tham dự World Cup lần đầu tiên và chấp nhận luôn luôn mang thân phận lót đường tại vòng bảng, Nhật Bản, Hàn Quốc đã lột xác để trở thành đội bóng gần như nghiễm nhiên giành vé tham dự World Cup của khu vực châu Á và bắt đầu trở thành kẻ ngáng đường khó chịu tại vòng bảng. Sự lột xác ấy là cả một hành trình dài dằng dặc, tính bằng nhiều thập niên với những đầu tư thực sự nghiêm túc. Nhật Bản đi từ một nền bóng đá sẵn sàng nhập khẩu các danh thủ quốc tế đã về chiều để đá ở J.League, đến một nền bóng đá bắt đầu thường xuyên xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu. Sự hiện diện của cầu thủ Nhật, Hàn ở châu Âu cũng rất sòng phẳng, mang đậm chất chuyên môn và chấp nhận cạnh tranh chứ không phải sang đó chỉ để làm hình ảnh cho một nhãn hàng nào đó và chờ đợi một cơ hội ra sân mong manh.

Để có được tư thế ấy, người Nhật, người Hàn đã phải làm rất nhiều việc. Một trong số ấy là thay đổi thói quen dinh dưỡng vốn dĩ đã được tiến hành gần 1 thế kỷ trước. Sự thay đổi đó không chỉ phục vụ bóng đá đơn thuần, mà để tạo nền tảng thể chất cho các thế hệ sau của dân tộc. Từ chỗ chưa dùng nhiều thịt bò trong bữa ăn, họ đã biến bò thành một trong những thực phẩm chính yếu. Thay đổi này không dễ, cần bền bỉ và cần cả sáng tạo để hương vị ẩm thực phù hợp với sở thích cộng đồng.

Cần có tầm nhìn

Người Nhật đã thất bại rất nhiều ở các vòng chung kết World Cup nhưng thường là các thất bại sau đỡ đau đớn hơn các thất bại trước đó. Song, cái đáng nể ở họ không phải là thất bại sau để lại nhiều dấu ấn tiến bộ hơn thất bại trước đó ở điểm nào, mà nó nằm ở chỗ cách họ đón nhận thất bại. Không ai nhận thấy cái tâm sân hận muốn báo thù, hay nặng nề hơn là "rửa nhục" được người Nhật thể hiện ra trên sân cỏ. Thay vào đó, họ học từ thất bại đã có để chuẩn bị cho tương lai.

Cách họ nhìn về phía trước là vô cùng tích cực và chính sự tích cực ấy mới mang lại tiến trình phát triển cho bóng đá Nhật. Như trận thua Croatia ở vòng 1/8 vừa rồi chẳng hạn. Họ thua trên chấm luân lưu nhưng phảng phất đằng sau việc bị loại khỏi cuộc chơi lại là hình ảnh của chiến thắng. Người Nhật chiến thắng chính bản thân họ; người Nhật chiến thắng được trái tim người yêu bóng đá. Cái cách họ dọn ngăn nắp phòng thay đồ và nhặt rác trên khán đài cho thấy họ là một dân tộc văn minh, tiến bộ và đẳng cấp.

Đi qua thất bại như thế nào mới là cách người Nhật và người Hàn xây dựng nền bóng đá của mình, những nền bóng đá đã quá quen mặt với World Cup. Và điều đó khiến chúng ta cần đặt ra câu hỏi cho chính mình rằng bóng đá Việt Nam đã đi qua thất bại như thế nào?

Phát triển bóng đá tất nhiên là nhiệm vụ của liên đoàn, nhưng nó không có nghĩa chỉ một mình cơ quan ấy gánh vác toàn bộ. Khách quan hâm mộ cũng cần có thái độ đúng đắn để làm bộ mặt bóng đá được tôn trọng hơn. Nhiều ngành nghề khác cũng cần phải có sự dịch chuyển mang lại sự tiến bộ cho cả xã hội mà trong đó, bóng đá sẽ được hưởng lợi. Và về chuyên môn, đặc biệt là chuyên môn, việc chỉ tập trung xây dựng các lứa đội tuyển, xây dựng triết lý bóng đá cho đội tuyển chỉ là một phần nhỏ.

Nền tảng để phát triển bóng đá phải là các giải đấu. Sẽ không thể có một nền bóng đá tiến bộ nếu không dựa trên chất lượng giải đấu mà cầu thủ tham gia hành nghề. Với nhiều nước châu Phi, việc xuất khẩu cầu thủ sang các giải hàng đầu châu Âu là chỗ dựa lớn cho nền bóng đá của họ, nhưng không có nghĩa là họ không có các giải đấu quốc nội có chất lượng. Còn với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhìn vào chất lượng của hai hệ thống giải vô địch quốc gia của họ thôi chúng ta sẽ hiểu vì sao họ đi xa đến thế.

Trong khi ấy, ở Việt Nam, chúng ta thường băn khoăn với câu hỏi "CLB kia sẽ tồn tại đến khi nào?".

Vậy thì giấc mơ World Cup sẽ chỉ là hão huyền, chờ vào may mắn hay một cái đích thực tế để có thể đạt được? Hỏi vậy cũng đã là tự trả lời rồi.