Dân Việt

Văn chỉ làng tôi

Nguyễn Trọng Văn 19/01/2023 11:15 GMT+7
Nếu Văn Miếu là biểu tượng cho tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của cả một dân tộc; thì Văn Từ hay Văn Chỉ là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của mỗi làng quê, mỗi một vùng quê… đón mừng năm mới, tưởng nhớ công ơn xây dựng, bảo vệ đất nước của ông cha.

Vừa nghe tôi "giảng giải" thế, ông Đỗ Văn Bình - một người dân của làng, thốt lên "Vậy thì làng tôi là làng hiếu học và đất làng tôi là "đất học" rồi". Làng tôi ở đây là làng Bình Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Biểu tượng của tinh thần hiếu học

"Không những là làng hiếu học mà phải nói làng ta là "làng khoa bảng" mới đầy đủ" - tôi vui vẻ nói thêm. Ông Mai Sinh Đông - phó trưởng thôn Bình Dân và bà Nguyễn Thị Huệ - người trông coi Văn chỉ Bình Dân, cười tươi nghe chừng rất phấn khởi. Mà lại đâu chỉ có mình làng Bình Dân mới là "làng hiếu học", bởi ngay trước khi bước chân vào Văn chỉ Bình Dân đã thấy bức đại tự được đắp nổi ở trên đầu, chính giữa cổng. Dòng chữ viết "Khoái Châu phủ. Văn từ môn" có nghĩa là "Cổng Văn từ phủ Khoái Châu". Hiểu đúng ra thì phủ Khoái Châu xưa (tức huyện Khoái Châu ngày nay) là đất nổi danh về học hành khoa cử.

Vậy mà xưa nay mỗi khi nhắc đến Khoái Châu là người ta lại nhớ đến thành ngữ "Oai oái như phủ Khoái xin tương". Câu thành ngữ này cho thấy phần nào về sự nghèo khó của Khoái Châu xưa. Mà đã nghèo khó thì lấy đâu mà học, mà thi cử đỗ đạt thành ông nọ bà kia? Chuyện này xem ra có gì như "sai sai"? Nghi ngờ về điều đó nên tôi đã "tìm hiểu" cho ngọn ngành. Thì ra câu thành ngữ ấy đã phản ánh đúng thực chất thời Vua Tự Đức, thời ấy từ năm 1863 - 1886 đê Văn Giang đã liên tiếp vỡ đến 18 lần. Đê vỡ khiến nước sông Hồng chảy tràn khắp nơi, các huyện như Văn Giang, Khoái Châu bị nước ngập trắng đồng, nhà cửa trôi dạt. Cả một khu vực rộng lớn được phù sa sông Hồng bồi đắp nên sự trù phú những năm trước đó đã bị nước cuốn trôi. Người dân nơi đây rơi vào cảnh đói rách, nheo nhóc. Nhiều làng, nhiều nhà, nhiều người đã phải tha hương cầu thực.

tat/Văn chỉ làng tôi - Ảnh 1.

Văn chỉ Bình Dân - biểu tượng của tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo... Ảnh: N.T.V

Văn chỉ Bình Dân không chỉ là di tích văn hóa mà còn là di tích lịch sử đấu tranh chống xâm lược, là di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia sớm nhất ở tỉnh Hưng Yên, năm 1962.

Khi nước đã rút thì nơi đây chỉ còn là một vùng đầm lầy mênh mang, không cây lúa cây ngô nào mọc được. Chỉ có loài lau sậy là từ bùn ngoi lên. Và địa danh "Bãi Sậy" ra đời từ đó. Nhưng cũng nơi đây ghi danh Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy những năm đầu chống lại sự xâm lược của người Pháp (1883 - 1892). Ông Mai Sinh Đông cho hay "Chính tại Văn chỉ Bình Dân đã diễn ra Lễ tế cờ khởi nghĩa sáng 6/4/1883 và là Đại bản doanh của Nghĩa quân Bãi Sậy".

Trở lại với làng Bình Dân, đây là một trong số 7 thôn của xã Tân Dân (trong đó có 3 thôn mang tên Bãi Sậy), một thôn làng bình dị với những người dân bình dị nhưng lại "thừa" đức tính hiếu học và học hành thành đạt. Được biết, ở Văn chỉ Bình Dân đã từng lưu giữ 2 tấm bia đá lớn, trên bia khắc rành rành "Đông Yên huyện. Tiến sĩ bia ký", ghi danh hơn 30 vị đỗ Đại khoa của huyện Đông Yên (một phần của Phủ Khoái Châu nay là huyện Khoái Châu). Trong đó có 8 vị là người của thôn Bình Dân. Đấy là chưa kể đến các vị đỗ Thám hoa, Bảng nhãn của phủ, của làng. Người dân nơi đây đã quen gọi là "Văn chỉ Bình Dân" bởi Văn chỉ được lập ở thôn Bình Dân.

Văn chỉ Bình Dân được khởi dựng từ xa xưa (người làng hiện không rõ năm nào), được xây dựng theo kiểu chữ Nhị, với hai khối nhà kiểu nhà trước, nhà sau; mỗi nhà có 7 gian. Nhà trước gọi là Đại bái, dùng làm nơi hội họp và đón khách; nhà sau gọi là Hậu cung, dùng làm nơi thờ tụng. Giữa hai nhà có một khoảng cách khoảng 1m.

Công chúa Ngọc Dung và chuyện chùa làng

tat/Văn chỉ làng tôi - Ảnh 3.

Văn chỉ Bình Dân đã từng lưu giữ 2 tấm bia đá lớn, trên bia khắc rành rành "Đông Yên huyện. Tiến sĩ bia ký", ghi danh hơn 30 vị đỗ Đại khoa của huyện Đông Yên (một phần của phủ Khoái Châu nay là huyện Khoái Châu). Trong đó có 8 vị là người của thôn Bình Dân.

Người dân làng Bình Dân hiện nay còn lưu truyền câu chuyện về Đệ nhất giáp đồng Tiến sĩ (1727) Nguyễn Đình Bá. Chuyện kể rằng: Người trai làng Bình Dân học rộng, tài cao ấy đã "lọt mắt xanh" Công chúa Ngọc Dung, nàng một mực yêu chàng và mong được nên duyên cùng chàng. Nhưng vị tiến sĩ trẻ tên Đình Bá đã từ chối "cuộc tình" ấy vì đã có vợ ở quê nhà. Chuyện tình duyên ấy không thành và với "tội" ấy, Nguyễn Đình Bá bị vua Lê Dụ Tông khép vào tội chết. Công chúa Ngọc Dung đã quỳ xuống năn nỉ vua cha tha tội chết cho Đình Bá mà chỉ đày đi trấn ải biên thùy. Công chúa Ngọc Dung vì "thất tình" mà nàng đã "xuống tóc" đi tu; nàng về chính quê của tiến sĩ Nguyễn Đình Bá để tu tại am phật của làng. Vua Lê Dụ Tông đã đích thân cưỡi voi về tận làng Bình Dân để gọi con gái về kinh.

Khi đó voi ngự của vua cột ở đầu làng đã giẫm nát mấy ruộng lúa sắp thu hoạch nên dân làng "xót của" mà đánh chết voi. Nhà vua giận lắm và lần này nữa công chúa Ngọc Dung - giờ là Ni sư Ngọc Dung, lại quỳ khóc xin vua cha tha tội chết cho dân làng. Vua Lê Dụ Tông chấp thuận nhưng ban dân làng phải đan hình nộm voi to đúng bằng kích thước voi thật và dân làng phải bỏ tiền vào đầy người voi nộm. Khốn nỗi dân quê thì tiền góp cả làng may ra chỉ đủ một bàn guốc voi. Đến hẹn, nhà vua về làng xem voi nộm đã đầy tiền chưa. Và tự tay ngài bỏ tiền vào đầy mình voi. Sau đó vua ban lệnh mở voi nộm lấy tiền ra, và phán rằng "Tiền này do dân góp nên dân làng dùng để xây chùa mới thay cho am phật quá nhỏ nhoi (có lẽ đức vua muốn con gái mình có nơi tu hành đàng hoàng?). Và chùa làng đã ra đời từ đấy, nhà vua ban tên cho chùa là "Hồng Chung Tự", có nghĩa là chùa Hồng của chung mọi người.

Bà Nguyễn Thị Huệ kể xong câu chuyện mà thấy ngân ngấn nước nơi khóe mắt. Ông Mai Sinh Đông cho hay "hiện di tích Văn chỉ Bình Dân đã được Nhà nước đầu tư kinh phí để trùng tu lớn. Con đường dài 700m dẫn từ Tỉnh lộ 379 tới Văn chỉ cũng đã được nâng cấp, trải nhựa. Dân chúng tôi vui mừng lắm". Nghe ông Đông thông báo vậy, trong đầu tôi đã hình dung ra khi Văn chỉ Bình Dân trùng tu xong thì 2 tấm bia đá "Đông Yên huyện. Tiến sĩ bia ký" (đã được ngành văn hóa đưa đi đâu đó) sẽ trở về đúng nơi đúng chỗ.

Và Văn chỉ Bình Dân không chỉ là biểu tượng về tinh thần hiếu học của vùng quê Khoái Châu, mà sẽ là nơi thờ tụng 30 vị đỗ đại khoa của huyện và đặc biệt là thờ 8 vị tiến sĩ là người con của làng Bình Dân. Cùng với đó là danh sách đầy đủ về các bậc tiền hiền này đế con cháu đời sau biết gương tốt mà noi theo phấn đấu... n