Trong giới văn học, Hiền Trang từng là cái tên lạ lẫm cho đến trước khi cô đoạt giải ba cuộc thi Văn học tuổi 20. Sớm bén duyên và thăng hoa với nghiệp sáng tác, nữ nhà văn được công chúng biết tới với nhiều cuốn sách đã xuất bản như: Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa; Dưới mái hiên đêm những khách lạ; Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi... và gần đây nhất là Tại sao ta yêu. Với chất văn lạ, mang nhiều tư duy logic và những góc nhìn riêng của bản thân, Hiền Trang đã đưa bạn đọc vào một thế giới tươi đẹp bằng ngôn ngữ riêng vốn có của chính mình.
Từng có vinh dự đoạt giải trong cuộc thi Văn học tuổi 20, đây có phải là động lực cho Hiền Trang có thêm nhiệt huyết và sáng tạo với các tác phẩm của mình?
- Tôi nghĩ mỗi sự ghi nhận từ bên ngoài, dù là giải thưởng Văn học tuổi 20, hay một lời nhận định tích cực của các nhà phê bình và những nhà văn gạo cội đều là niềm động viên lớn lao. Chuyến lưu trú sáng tác nhiều tháng do các tổ chức quốc tế đài thọ như chương trình International Writing Program của đại học Iowa mà tôi có dịp tham gia năm qua đều khiến tôi đi đến sự hoà giải với chính mình, rằng tôi là một nhà văn. Không có gì phải ngại ngùng về điều đó nữa. Trước đây, tôi luôn cố gắng chối bỏ danh tính ấy của mình.
Mỗi nhà văn thường chọn cho mình một văn phong và cách thể hiện riêng trong những tác phẩm của mình. Phong cách sáng tác của Hiền Trang mang màu sắc đặc trưng nào?
- Tôi nghĩ không chỉ nhà văn mà mỗi nhà sáng tạo đều có một vài mối quan tâm lớn trong đời, điều mà họ không ngừng trở đi trở lại. Với Andrei Tarkovsky là tận thế, với Lý An là sự dạt lề, chẳng hạn như vậy. Với cá nhân mình, tôi cũng có những mối bận tâm lớn nhất: Bản chất nghệ thuật là gì? Nghệ thuật có thể thoát ly hoàn toàn khỏi thực tại không? Có cần nghệ thuật không?
Hiền Trang lấy cảm hứng từ đâu cho mỗi sáng tác của mình. Phải chăng những câu chuyện chính là tiếng lòng của tác giả muốn cất lên trong cuộc sống?
- Từ tất cả mọi thứ, từ những album nhạc jazz tôi nghe mỗi ngày đến một ly cafe tôi uống, từ những điều quái dị mà tôi đã từng trải qua lẫn những điều quái dị mà tôi chỉ được tiếp xúc, từ món bánh pizza tôi ăn đến khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Tôi nghĩ người ta viết nên một câu chuyện vì nếu không viết thì người ta không chịu nổi.
Được độc giả yêu mến và ghi nhớ qua nhiều tác phẩm như: Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa; Dưới mái hiên đêm những khách lạ; Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi... Đâu là tác phẩm mà chị tâm huyết nhất từ trước tới nay?
- Trong cuốn tiểu thuyết Chopin biến mất, tôi mường tượng có một thế giới nơi những mảnh linh hồn của những nghệ sĩ cư lưu, đó là những mảnh linh hồn bị cắt xẻ ra mỗi khi họ sáng tác xong một tác phẩm. Tôi nghĩ về sáng tác như thế, ta cắt một phần linh hồn mình, đem nhét vào đâu đó, có thể là con chữ, có thể là màu sắc, có thể là thanh âm.
Mỗi tác phẩm là một mảnh linh hồn bị xẻ ra, không so sánh được. Nhưng có một cuốn sách khá đặc biệt, tôi đã viết trong trạng thái gần như bế quan, hoàn toàn tập trung cho việc viết. Cuốn sách ấy hiện đang ở trên bàn biên tập và hy vọng sẽ có thể ra mắt sớm. Tiểu thuyết mang tên Quán bar trong bụng cá voi được tôi hoàn thành trong những tháng mùa thu nước Mỹ.
Thông thường, Hiền Trang sẽ mất bao lâu để lên ý tưởng và tạo ra được một đứa con tinh thần hoàn chỉnh?
- Tuỳ từng tác phẩm. Ví dụ tập tiểu luận nghệ thuật Tại sao ta yêu... được tôi viết trong 8 tháng nhưng tôi luôn nghĩ mình đã dùng cả đời này để viết nó, bởi nó nói về những nghệ sĩ mà tôi đã yêu và đã đắm đuối mê say suốt chục năm qua và thậm chí lâu hơn thế. Nhưng Quán bar trong bụng cá voi từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thiện chỉ mất chưa đầy 2 tháng.
Công việc viết lách đòi hỏi nhiệt huyết và sự kiên trì, có khi nào Hiền Trang có ý định bỏ cuộc?
- Tôi thích sự tự do của sáng tạo và cũng thích cả tính kỷ luật của việc duy trì sáng tạo. Tôi thích viết, viết gì tôi cũng thích. Hiếm khi tôi cảm thấy khổ sở vì phải viết. Viết mang lại mọi thứ cho tôi. Từ những chuyện tình cảm, những chuyến đi, sự yêu mến của một vài độc giả, những người bạn tốt, tất nhiên là cả tiền bạc đủ để sống thoải mái.
Cho nên tại sao tôi phải dừng viết nhỉ? Tôi không thấy có lý do hợp lí nào cả. Mà tôi nghĩ không chỉ viết, làm gì cũng cần kiên trì, ngay cả xem phim cũng cần kiên trì chứ. Tôi nhớ khi xem những bộ phim chậm rãi dài 7, 8 tiếng của Béla Tarr hay Lav Diaz, tôi cũng phải hết sức kiên trì.
Mới đây, chị vừa giới thiệu cùng độc giả cuốn sách Tại sao ta yêu. Hiền Trang có thể chia sẻ nội dung và những điều thú vị xoay quanh tác phẩm mới nhất của mình?
- Nói ngắn gọn thì Tại sao ta yêu... là một tập tiểu luận nghệ thuật với 16 chương về 16 người nghệ sĩ đã dìu dắt tôi đi qua cuộc đời mình từ bấy đến nay, có thể kể ra một vài cái tên như Chopin, Leonard Cohen, The Beatles trong âm nhạc; Vladimir Nabokov, Kafka, Haruki Murakami trong văn chương,; Vương Gia Vệ, Ozu, Trương Quốc Vinh, Audrey Hepburn trong phim ảnh; Van Gogh, Monet trong hội hoạ....
Độc giả có thể tìm được nhiều thứ ở đó, chẳng hạn như tại sao ta yêu Haruki Murakami dù có thể kể ra vài trăm nhà văn xuất sắc hơn ông? Tại sao ta yêu Vương Gia Vệ dù phim của ông luôn sến một cách khoa trương? Nếu như Vincent Van Gogh không phải một thiên tài bị đày đọa, ta có còn cảm nhận tranh của ông như ta vẫn? Tại sao ngay cả những người mù nhạc cũng yêu những giai điệu của Chopin?... và vô vàn những câu hỏi khác.
Những nhân vật đôi khi tưởng như không một sợi dây liên hệ nào về địa lý, thời đại, loại hình sáng tác, chủ đề sáng tác, nhưng đều được nhìn dưới một góc độ duy nhất: Tình yêu. Và có độc giả đã nói với tôi rằng đọc cuốn sách này, họ không chỉ tìm được nghệ thuật sáng tạo, mà còn cả nghệ thuật yêu nữa.
Cảm ơn Hiền Trang đã chia sẻ thông tin!
Hiền Trang sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2015. Bắt đầu viết từ năm 2015. Hiền Trang là tác giả của tập truyện ngắn: Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa; tập truyện ngắn Dưới mái hiên đêm những khách lạ; tập tuỳ bút Tuổi trẻ lạc lối và Những cuốn sách của tôi. Cuốn sách mới nhất của cô là truyện dài Chopin biến mất ra mắt tháng 3/2022. Bên cạnh công việc sáng tác, cô cũng là dịch giả và cây bút quen thuộc về mảng âm nhạc – văn chương – phim ảnh cho nhiều tờ báo và tạp chí.
Các sáng tác và bài viết của cô thường là sự hòa quyện của nghệ thuật cổ điển và văn hoá đại chúng, của trí tưởng tượng và ký ức. Hiền Trang không giới hạn những đề tài của mình, cô viết về những gì mà cô yêu, điều đó có nghĩa là cô viết về cả Leonard Cohen và Taylor Swift, cả Orhan Pamuk và J.K. Rowling, cả Yasujiro Ozu và Alfred Hitchcock.
Phong cách viết của cô chịu ảnh hưởng sâu sắc của Kafka, Nabokov và Chopin. Cô tin rằng, mỗi người viết có hai việc quan trọng nhất, đó là đọc và viết. Một tác phẩm lý tưởng, với cô, có diện mạo của Nàng Mashenka (tác phẩm đầu tay của Nabokov), hay nói cách khác, một tác phẩm mà trong đó, mỗi ngôn từ vừa thăng hoa, lại vừa được chắt lọc đến mức không thể thay từ ngữ này bằng bất cứ từ ngữ nào khác.