Mới đây, anh N.T.T (48 tuổi, trú tại quận 5, TP.HCM) được người thân đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu trong tình trạng yếu liệt nửa người, không nói được. Theo người nhà của bệnh nhân, tối 11/1, trước khi vào viện, bệnh nhân đi liên hoan tất niên. Khi đi nhậu về, sức khỏe anh T. vẫn bình thường, ngủ phòng riêng. Đến sáng, vợ anh dậy trước đưa các con đi học và đi làm.
Khi chị trở về nhà vào buổi trưa, anh T. đã mê man, liệt, tiểu tiện không kiểm soát. Gia đình vội vàng gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Vợ anh T. chia sẻ chồng bị tăng huyết áp. Gần đây, huyết áp của anh T. xuống dưới 140/90 mmhg nên tự ngưng uống thuốc.
Theo bác sĩ Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thời điểm này số ca đột quỵ nhập viện tăng rõ hơn so với các tháng trước.
Vị chuyên gia này đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là dịp Tết, thời tiết thường lạnh hơn các mùa khác trong năm. Nhiệt độ thấp làm co mạch và dễ tắc nghẽn mạch máu hơn so với mùa nóng.
Ngoài ra, giáp Tết và trong thời gian nghỉ, người dân thay đổi thói quen sinh hoạt. Nhiều người ngủ nghỉ không đúng giờ, quên uống thuốc… Điều này ảnh hướng xấu đến những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp. Bởi đây là các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ. Các loại đồ uống có cồn được sử dụng nhiều trong dịp Tết cũng làm gia tăng nguy cơ mắc đột quỵ.
Triệu chứng của đột quỵ là bệnh nhân có dấu hiệu méo miệng, nói đớ, liệt nửa người. Các triệu chứng này rất dễ nhận biệt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn, cho rằng đó là do cảm lạnh, trúng gió hay mệt mỏi. Vì vậy, nhiều người còn có cách xử lý sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, trích máu, cúng bái, uống thuốc truyền miệng, chờ cho người bệnh khỏe lại…
Bác sĩ Khoa cho biết, đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Từ kỳ nghỉ Tết Dương lịch tới nay, bác sĩ Khoa cũng điều trị cho nhiều người bệnh có dấu hiệu liệt yếu tay chân nhưng không đi viện ngay mà cố chịu đựng trong 2-3 ngày. Vị chuyên gia này cho rằng hành động này khiến người bệnh mất thời gian vàng để can thiệp cấp cứu đột quỵ.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua kết quả nghiên cứu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).
Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%. Thế nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76%, do chảy máu não là 24%.
"Ở nhóm đột quỵ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não có xu hướng tăng, chiếm 46%. Điều này cho thấy, tỷ lệ đột quỵ do xuất huyết ở Việt Nam cao hơn tỷ lệ báo cáo tại quốc tế nói chung", PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết.
Cũng theo nghiên cứu này, tỷ lệ bệnh nhân tiếp cận bệnh viện trong thời gian vàng (dưới 4, 5 giờ) chỉ là 23%. Do đó, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị tái tưới máu còn thấp, ở mức 14%. Tưới máu tươi là phương pháp sử dụng tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch, hoặc sử dụng các dụng cụ lấy huyết khối đường động mạch cho hiệu quả điều trị cao.
Về các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp. Tại kết quả nghiên cứu này cho thấy, có xấp xỉ 77% bệnh nhân đột quỵ là do tăng huyết áp.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, từ kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho chiến lược điều trị đột quỵ tại Việt Nam trong thời gian tới. Đầu tiên đó là vấn đề về cấp cứu chung, ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để có thể cấp cứu kịp thời, mang lại cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái tưới máu trong khoảng thời gian cửa sổ từ 4,5 đến 6 giờ đồng hồ. Còn với người dân, cần thay đổi lối sống, từ đó kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.
Theo bác sĩ, người dân chỉ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ đánh giá tình trạng của bản thân. Nếu mắc bệnh tăng huyết áp hay đái tháo đường, bạn cần điều trị kịp thời. Bởi nhiều người bị tăng huyết áp nhưng không biết. Sau nhiều năm, khi xảy ra biến chứng đột quỵ, bệnh nhân mới biết mình mang "sát thủ âm thầm".