NSND, Đạo diễn Doãn Hoàng Giang sinh năm 1938 tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, gốc tích thuộc dòng họ Doãn nổi tiếng ở xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là hậu duệ của Doãn Uẩn và Doãn Khuê - hai danh thần triều Nguyễn.
Nghe tin "tượng đài sân khấu" Doãn Hoàng Giang qua đời, nhiều nghệ sĩ đã rất tiếc thương. NSND Quốc Anh chia sẻ với Dân Việt: "Tôi ngỡ ngàng khi biết anh Doãn Hoàng Giang đã qua đời. Anh là một người yêu sân khấu hơn cả máu thịt và hơi thở của mình. Trọn cuộc đời anh, vui buồn, sướng khổ và hạnh phúc đều gắn với sân khấu. Biết anh những năm gần đây sức khỏe suy yếu nhưng không nghĩ anh lặng lẽ ra đi khi nhiều bạn bè trong giới sân khấu chưa kịp đến thăm anh".
NSND Trung Anh viết: "Vĩnh biệt thầy, người đạo diễn tài hoa của sân khấu Việt. Thật ân hận khi hẹn nhau đến thăm thầy, chưa kịp đến thì thầy đã về cõi Phật".
NSND Lan Hương (Bông) bày tỏ với Dân Việt, chị gọi đạo diễn Doãn Hoàng Giang là thầy và với chị đó là người thầy đáng kính nhất trong số những người thầy. Nếu không có người thầy này dìu dắt và trao cho chị các vai diễn thì chị đã không thể có được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân như bây giờ. Nữ nghệ sĩ kể, chị tốt nghiệp lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam với vai Thùy trong vở "Người đá lạc đội hình" của NSND Doãn Hoàng Giang. Đây là vai diễn đáng yêu, hiền lành, ngoan ngoãn... Mối duyên đó mở ra một loạt lương duyên mới trong các vở do đạo diễn Doãn Hoàng Giang cầm "trịch" như: "Bài ca Điện Biên", "Nhân danh công lý", "Lịch sử và nhân chứng", "Người về từ thiên đường", "Đêm trắng", "Cánh cửa hy vọng"....
"Thời còn chưa nghỉ hưu, thầy toàn giao cho tôi những vai đào thương, chính diện... Nhưng khi tôi nghỉ hưu thầy lại giao cho tôi vai phản diện Estelle trong vở "Bà mẹ trước vành móng ngựa". Đêm diễn đầu tiên của vở khép lại mà cảm xúc cứ đọng lại mãi trong tôi, muốn gạt đi cũng không được. Tôi cứ luôn mong nhìn thấy thầy ngồi trên sân khấu, dõi theo chúng tôi từng đêm như vậy. Kính trọng và biết ơn biết bao. Thầy ra đi khiến tôi sốc nặng vì thầy trò chúng tôi vẫn hẹn nhau đi ăn và nói với nhau nhiều chuyện", NSND Lan Hương chia sẻ.
NSND, Đạo diễn Doãn Hoàng Giang thuộc thế hệ khóa 1 của trường Sân khấu điện ảnh, cùng thời với các nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng như: Trọng Khôi, Doãn Châu, Văn Hiệp, Phạm Thị Thành... Khởi điểm của ông không phải là đạo diễn mà là diễn viên sân khấu. Thời trẻ, ông không mang vẻ đẹp lãng tử xi nê mà trông hầm hố. Chính vì cái chất bụi phủi ấy nên đạo diễn thường giao cho ông đóng vai phản diện. Sau những năm tháng làm diễn viên, ông nhận ra nghề đạo diễn mới thực sự là con đường mình yêu thích.
Ông từng dàn dựng thành công hàng loạt vở kịch nói gây tiếng vang như “Nhân danh công lý”, “Hà Mi của tôi”, “Bài ca Điện Biên”... hay vở chèo “Nàng Si ta”, cải lương “Hoàng hậu Ba Tư”, "Nữ tướng Lê Chân”... Bất cứ ở địa hạt nào, đạo diễn họ Doãn cũng trổ tài ma thuật của lão tướng lành nghề. Chỉ cần băng rôn có tên đạo diễn Doãn Hoàng Giang là vở diễn đó được đảm bảo khán giả luôn kín rạp. Ông được nhiều người ưu ái gọi là "tượng đài sân khấu", "con hổ sân khấu" vì có nhiều đóng góp trong việc cách tân, đổi mới sân khấu truyền thống.
Ông từng nói: "Phải đặt dấu vết cho thời đại sân khấu Việt Nam bằng một loại hình mới hoàn toàn". Thập niên 2000, ông từng dựng nhiều vở chèo cải biên với ngôn ngữ giản lược, hiện đại hơn nhưng bị một số nhà phê bình nhận định là "kẻ phá chèo".
Năm 2019, ở tuổi 84, ông dựng lại vở "Người mẹ trước vành móng ngựa", phóng tác từ tiểu thuyết nổi tiếng "Madam X" của nhà văn Mỹ Michell Avalon. Ông từng là tổng đạo diễn tuần liên hoan sân khấu mang tên Liên hoan nửa thế kỷ sân khấu, nhân kỷ niệm 50 năm Sân khấu Việt Nam, tháng 8/2007. Nghệ sĩ cũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa sáu (2014-2019).
"Anh dàn dựng khá nhiều tác phẩm của tôi, trong đó có mấy vở rất bay như “ Số đỏ ” ở Sân khấu Hồng Vân, “Đời luận anh hùng” ở Nhà hát Chèo Quân đội, “Công lí không gục ngã” ở Nhà hát Tuổi trẻ... Suốt mấy mươi năm sống trong nghề sân khấu, tôi thân nhất với đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Thân đến mức tôi là thằng em thường hay ăn nói bỗ bã với anh nhưng anh không giận. Mỗi khi anh vào Sài Gòn dựng vở, tôi lại khăn gói bỏ nhà bỏ cửa ra nằm khách sạn với anh", nhà viết kịch Lê Chí Trung chia sẻ.
Ngoài sân khấu, niềm đam mê lớn nhất của ông là sân cỏ. Nhiều người trong nghề vẫn nhớ, có lần, ông mặc áo vàng của đội thiếu niên Quảng Ninh ngồi giữa đám trẻ hò hét cổ vũ. Thậm chí, có lần, đạo diễn Doãn Hoàng Giang còn mua cả hàng ghế để rủ rê đàn em từ TP.HCM ra Hà Nội xem bóng đá SEA Games 22.
Mặc dù vẻ ngoài xù xì, gai góc, bụi bặm... nhưng đạo diễn Doãn Hoàng Giang được nhiều người quý mến bởi ông rất hào hiệp, nghĩa tình... Trong giới sân khấu vẫn rỉ tai nhau câu chuyện, trong một chuyến công cán từ miền Nam trở ra Bắc, Doãn Hoàng Giang đã thuê hẳn một chiếc xe tải chở đầy đồ gia dụng về cho gia đình. Dọc đường đi, đến đâu cũng hăm hở ghé nhà bạn bè chơi, thấy bạn nào cũng thiếu thốn nên chiếc xe tải chưa kịp về đến Hà Nội đã... trống không.
Lần đầu tiên dựng vở cho một đoàn nghệ thuật, ông được thù lao 2.000 đồng. Đó là một khoản tiền lớn trong những năm 1970. Ông không mang số tiền ấy về nhà cho vợ mà đi tìm những người bạn yêu quý, biếu mỗi người một ít, rồi mua hẳn một chiếc xe đạp cho cậu bạn khó khăn nhất.
Chia tay nữ diễn viên sân khấu Nguyệt Ánh đã hơn 30 năm nay, ông vẫn chấp nhận làm một gã cô đơn. Ông chọn cuộc sống độc thân vì ông biết người phụ nữ sống được với ông phải có sự độ lượng, vị tha, rộng rãi lắm mà ông thì không muốn người mình yêu phải chịu thiệt thòi. Có rất nhiều phụ nữ đến với ông sau này, họ yêu ông say đắm và muốn gắn bó với ông nhưng ông đều từ chối.
"Doãn Hoàng Giang là một người chơi rất quý bạn và nể bạn. Dường như đó cũng là một nét cá tính của những con người sống hoài cổ. Anh có bộ mặt rất hầm hố, nhưng không biết uống rượu. Tới quán nhậu nào phục vụ bàn cũng hai tay cung kính đẩy chai rượu đặt trước mặt anh. Tôi từng bảo: "Ngồi uống rượu với người không biết uống đúng là phí rượu", anh cãi: "Tao không biết uống nhưng tao góp chuyện cũng say như chúng mày...". Quả có thế thật. Anh có thể ngồi bạn rượu cùng em út, bạn bè vài ba tiếng không uống một giọt và nói chuyện cũng tây tây...
Doãn Hoàng Giang rất sợ ở một mình. Anh sợ sự cô độc, mà anh phải thường trực sống với nó từ khi chia tay vợ anh - chị Nguyệt Ánh. Anh thích vùi mình trong đám đông và luôn đóng vai công tử Bạc Liêu ở bất cứ bữa ăn nào anh có mặt. Thậm chí, sáng sáng ở khách sạn anh gọi tất cả các em gái phục vụ phòng rồi phát tiền boa cho từng em, nhưng đến khi điện thoại xin bình nước sôi pha trà thì người ta bảo ở đây không có, muốn phải xuống căn tin. Đến nước đó anh cũng cười im lặng. Và vẫn không bỏ thói quen cho tiền người khác một cách vô bổ.
Ít ai biết Doãn Hoàng Giang là một nhà thơ... hậu Bút Tre. Anh có thể đọc liền tù tì cả chục bài thơ châm biếm khiến người ta phì cười vì sự chơi chữ thông minh, hóm hỉnh. Nói chung anh là người hoạt ngôn và rất có duyên", nhà viết kịch Lê Chí Trung kể.