Mới đây, Bộ GDĐT có Công văn 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.
Theo nội dung công văn, Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.
Tuy nhiên, để được đổi môn lựa chọn, Bộ GDĐT yêu cầu học sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo. Đồng thời, nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt.
Hướng dẫn vẫn mù mờ, không rõ ràng
Hướng dẫn trên của Bộ GDĐT đáng lẽ ra sẽ gỡ rối, mở nút thắt cho học sinh lớp 10 năm nay, lứa đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, các em căn cứ vào năng lực, sở thích ngành nghề để lựa chọn môn học theo tổ hợp. Tuy nhiên, sau một thời gian học có nguyện vọng muốn đổi môn học khác, thậm chí đổi tổ hợp. Trên thực tế, nhiều trường vẫn kêu rối và khó.
Anh Trần Văn Thanh, phụ huynh có con học lớp 10 năm nay tại một trường THPT ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) nói rằng: kết thúc học kỳ I gia đình choáng vì kết quả học tập các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế pháp luật của con gần như đội sổ. “Biết con không có năng lực để theo các môn này, tôi định hướng cháu chuyển tổ hợp tuy nhiên khi đến gặp cô giáo và Ban giám hiệu đề xuất nguyện vọng mới biết phải chờ đến cuối năm mới được đổi. Choáng hơn là đổi môn học, con phải tự bổ sung kiến thức thiếu hụt”, anh Thanh nói.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, hướng dẫn của Bộ GDĐT vẫn mù mờ, không rõ ràng gây khó cho nhà trường và học sinh.
“Học sinh được đề nghị đã lựa chọn môn học nào nên học hết lớp 12. Trường hợp đặc biệt, nhất định phải đổi môn tự chọn, đổi tổ hợp phải “cam kết tự bổ sung kiến thức” và giao nhà trường hỗ trợ là rất khó thực hiện. Chương trình GDPT mới, giáo viên được tập huấn rồi mới dạy học còn bỡ ngỡ, vất vả huống hồ học sinh tự học, tự bổ sung kiến thức”, ông Bình nói.
Cũng theo hiệu trưởng này, phía nhà trường cũng rất băn khoăn, bối rối vì như vậy học sinh sẽ được đổi 1 môn tổ hợp hay nhiều môn? Học sinh sẽ bổ sung bằng cách nào hiện nay chưa có hướng dẫn rõ ràng bởi vì trong năm học, giáo viên thực hiện kế hoạch của nhà trường không có thời gian dạy bổ sung.
Ví dụ, mỗi môn học có thời lượng 70 tiết/ năm nếu giao cho giáo viên dạy trong dịp hè và kiểm tra, đánh giá thì kinh phí dạy bù học sinh hay nhà nước trả hiện cũng chưa được thống nhất.
Ông đề xuất, với những nội dung quan trọng, liên quan đến rất nhiều học sinh lớp 10 năm nay và những năm tới, các cấp quản lí giáo dục cần có hướng dẫn cụ thể hơn để các trường thực hiện một cách thuận tiện.
Nhiều hiệu trưởng cho rằng, việc bổ sung kiến thức khi học sinh thay đổi môn tự chọn là trách nhiệm của nhà trường. Nhưng họ thắc mắc là tại sao không cho học sinh chuyển đổi môn học tự chọn ngay trong học kỳ 1 còn hết năm thì kiến thức 1 năm/môn sẽ quá nặng nếu phải “học đuổi”.
Học sinh rất khó chuyển trường
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nói rằng, quy định học sinh tự chọn môn học nhưng vẫn sắp xếp lớp “cứng” như hiện nay gây ra rất nhiều khó khăn. Sau một học kỳ, có khoảng 30 em muốn chuyển về trường tuy nhiên chỉ nhận được 2-3 em chỉ vì lí do trường cũ và nơi muốn chuyển đến không có môn tự chọn trùng nhau.
“Ví dụ ở trường Đinh Tiên Hoàng có hợp đồng giáo viên dạy cả các môn Âm nhạc, Mỹ thuật thì đa số trường công hiện nay để trắng môn học này. Khi chuyển trường, các môn không khớp là không thể chuyển được”, ông Lâm nói.
Cũng theo TS Tùng Lâm, thực tế sau một học kỳ thực hiện đổi sách giáo khoa và cho học sinh chọn môn học từ lớp 10 cho thấy cách làm của Bộ GDĐT chưa khoa học. Ở nước ngoài, học sinh được sắp xếp lớp học theo từng bộ môn và các em đăng kí môn nào, đến giờ đó chủ động tìm lớp vào học.
Còn Việt Nam chọn môn học nhưng vẫn xếp “cứng” theo lớp nên các trường lại phải xây dựng các tổ hợp A,B,C,D… “Trong năm tới, trường THCS và THPT phải làm thật tốt vai trò tư vấn, định hướng để các em cân nhắc, lựa chọn. Thậm chí, sau khi chọn, các em được học thử vài tuần để hình dung”, TS Lâm nói.
Đại diện Bộ GDĐT nói rằng, sở dĩ có việc chọn sai là do năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới, học sinh chưa quen. Việc chuyển đổi môn lựa chọn phải thực hiện đến cuối năm thay vì cuối kỳ là do liên quan đến việc phải hoàn thành chương trình năm học.