Nhắc đến Lâm Quang Nhật, người ta thường nhớ về một vận động viên bơi lội với nhiều thành tích trên đường đua xanh. Năm 2013, Quang Nhật giành huy chương vàng nội dung bơi 1500m tự do tại SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar.
Hai năm sau tại SEA Games 28 trên đất Singapore, anh làm các con tim yêu thể thao thêm thổn thức khi bảo vệ thành công HCV ở nội dung sở trường.
Thế nhưng đến năm 2018, sau khi tham dự Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, kình ngư 21 tuổi bất ngờ tuyên bố giã từ "đường đua xanh". Song, cơ duyên của anh với thể thao vẫn chưa hết…
Nhắc về khoảng thời gian rời xa "đường đua xanh", Lâm Quang Nhật cho biết: "Thi đấu cho đất nước là một vinh hạnh lớn, tôi trân trọng thời gian gắn bó với đội tuyển nhưng thật lòng, áp lực tập luyện và thi đấu đỉnh cao đã từng làm tôi rất mệt mỏi".
Sau khi rời khỏi đội tuyển bơi lội quốc gia, Quang Nhật trở về với cuộc sống bình thường, đi học và đi làm. Tuy nhiên, cơ duyên với thể thao vẫn chưa hết khi năm 2019, anh được các thành viên trong nhóm Bơi Đạp Chạy mời về hợp tác với tư cách là huấn luyện viên và vận động viên. Và cái duyên với triathlon (3 môn phối hợp, gồm: chạy bộ, bơi và đua xe đạp) cũng bắt đầu từ đây.
Đến nay, chàng trai Sài thành 27 tuổi đã có 5 năm gắn bó cùng triathlon. Quang Nhật đến với triathlon là một cơ duyên. Nhật chia sẻ rằng khi từ bỏ bơi lội, Nhật được rủ qua 3 môn phối hợp, lúc đầu Nhật nghĩ chỉ tham gia cho vui. Nhận ra sự nghiêm túc và tập trung cao độ ở những người đang luyện tập bộ môn này, điều đó cuốn hút Nhật theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Đây cũng là thử thách mới với Nhật. Nhật muốn khám phá giới hạn bản thân xem ngoài bơi lội, mình có thể giỏi những môn khác nữa hay không.
Khi chuyển từ bơi lội sang ba môn phối hợp, Nhật thậm chí còn bị thoát vị đĩa đệm nặng hơn, chèn L4, L5 lệch đốt, trượt đốt. Thời điểm đó, ngồi lâu cũng đau, nằm nghiêng cũng nhức, ngay cả việc sinh hoạt thường ngày cũng vô cùng khó khăn.
Mỗi sáng, Nhật phải mất gần 15 phút mới ngồi dậy được. Nhiều lần Nhật đã nghĩ đến chuyện từ bỏ. Bởi nếu biết mình chấn thương mà mặc kệ không khắc phục, vẫn cứng đầu tăng khối lượng tập, chính là làm tổn hại đến sức khỏe và cuộc sống bản thân sau này.
Tuy nhiên, may mắn là sau một thời gian làm quen với triathlon, Nhật đã trao đổi với ban huấn luyện về giáo án, cường độ tập sao cho cơ thể và tinh thần mình được khỏe mạnh nhất đúng nghĩa. Kết hợp với trị liệu, uống thuốc, áp dụng các biện pháp công nghệ cao… Nhật dần ổn hơn và quay lại tập luyện cho các giải trong nước. Mọi thứ không ngừng cải thiện suốt gần 3 năm qua là minh chứng rõ ràng nhất cho sự nỗ lực và chăm sóc xương khớp đúng cách.
"Ở bơi lội, tôi đã được tập về ý chí, nhưng chuyển sang triathlon đòi hỏi ý chí phải nhiều hơn nữa bởi tham gia xong 1 môn vẫn còn 2 môn nữa rất dài. Ý chí mạnh mẽ là yêu cầu tiên quyết để đến với môn triathlon", Quang Nhật chia sẻ.
Từng mở đường cho thành tích quốc tế ở cự ly dài của bơi Việt Nam, giờ đây, Lâm Quang Nhật đang góp sức vào việc phát triển 3 môn phối hợp. Nhật muốn tập trung vào 3 môn này để có thành tích "để đời". Mục tiêu dài hạn thì Nhật muốn thúc đẩy phong trào 3 môn này lên mức chuyên nghiệp, được tính vào hệ thống Olympic.
"Nếu không dũng cảm tiên phong làm sao chúng ta có những khúc ca khải hoàn. 5 năm vừa qua tôi đã có những thay đổi thực sự táo bạo và tôi tin mình sẽ không hối tiếc một khi đã dấn thân", Lâm Quang Nhật luôn tâm niệm.
Hiện tại, Lâm Quang Nhật là đương kim vô địch tại Trifactor Vietnam 2021, 2022 và Sunset Bay Triathlon 2019, 2020 tại cự ly Olympic sở trường. Mới đây nhất, anh giành HCV Đại hội thể thao toàn quốc 2022 để khẳng định vị thế của mình ở bộ môn này.
Từng đại diện Việt Nam thi đấu 3 môn phối hợp tại SEA Games 2019, Lâm Quang Nhật quyết tâm cao cho SEA Games 2023 ở Campuchia vào tháng 5/2023 và ASIAD tại Trung Quốc vào tháng 9/2023. Vì thế, hiện nay anh đang tập huấn tại Thái Lan để nâng cao thành tích cá nhân và có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào các trận chiến lớn.
Ở nước ta, triathlon được gọi bằng cái tên dễ hiểu hơn là 3 môn phối hợp, đúng như cách thức thi đấu: Ban đầu các vận động viên bơi, tiếp đó chuyển sang đạp xe và cuối cùng là chạy. Cự ly 3 môn phối hợp khó nhất trên thế giới chính là giải Ironman, bao gồm bơi 4km, đạp xe 180km và chạy marathon 42km, được tiến hành từ sáng sớm cho tới nửa đêm.
3 môn phối hợp còn có nhiều lựa chọn khác, như cự ly 51km của Olympic, gồm 1,5km bơi, 40km đạp xe và 10km chạy, hay khó hơn nữa là half ironman 70.3, gồm bơi 2km, đạp xe 90km và chạy 21km.