Có nhiều “giai thoại” về thú chơi của nhà văn Kim Lân, mà một trong số đó là sự cầu kỳ, chịu khó của ông khi chọn hoa, chơi hoa. Ngày thường, ông Kim Lân “dễ rơi, dễ rời”, nhưng đã chơi thì lại kỹ, thậm chí khó tính.
Hồi tưởng về những ngày tháng sống chung với gia đình nhà chồng, họa sĩ Hoàng Hạnh Đào (con dâu nhà văn Kim Lân) kể lại: “Hồi còn nhỏ khi đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi, tôi được họa sĩ Thẩm Đức Tụ đưa đi chợ hoa vẽ tranh. Một lần nọ, đội vẽ thấy ông Kim Lân và nhà văn Thanh Châu đi chọn hoa đào. Thoáng thấy bóng các ông, anh Thẩm Đức Tụ liền nói ngay: "Cứ xem ông Kim Lân với ông Thanh Châu chọn hoa thì cũng học được khối chuyện”.
Và quả thật là “học được khối chuyện”! Sinh thời, nhà văn Kim Lân từng là một thành viên cốt cán của Hội hoa cây cảnh tại Hà Nội. Con dâu nhà văn hồi tưởng, cứ lâu lâu, một người đàn ông nổi tiếng trong giới hoa là ông Bội - sống ở làng đào Nhật Tân, Nghi Tàm lại ghé qua đàm đạo chuyện hoa với nhà văn. Nhưng lần buồn nhất, ông Bội bảo ông Kim Lân: “Thôi ông đừng xuống làng hoa nữa, ở đấy giờ chỉ có nhà cao tầng thôi. Chúng tôi bây giờ sống trong những cái ‘hang cáo’ mà trồng hoa ấy”.
Mới hay rằng trước đây, làng đào Nhật Tân, Nghi Tàm có rất nhiều gốc đào lớn phủ kín đường tựa như đào nguyên tiên cảnh. Nhà của người dân trồng đào là nhà ngói cổ, len giữa những vòm hoa đào lớn với sắc hồng ngập tràn. Dân cư ngày ấy còn thưa thớt, để vào bên trong, người ta phải đi xe đạp trên con đường khúc khuỷu hẹp như sống trâu.
Nhưng cảnh quan sau ấy thật là mãn nhãn: Những lớp hoa đào trải thảm trước sân, và sau đó là con sông nhỏ để lấy nước tưới đào. Ấy vậy mà nay, cùng với những đổi thay của thời đại mới, cảnh quan đã khác xưa. Nhưng ông Kim Lân không đau khổ, ông chỉ nói: “Làng tôi bây giờ cũng còn là nhà cao tầng, than tiếc làm gì nữa. Hoa thì tiếc thật, nhưng đành, ta không xuống nữa vậy”.
Nói là không về làng đào nữa, nhưng nhà văn Kim Lân vẫn cất công đi khắp nơi cùng chốn, những nơi khác để chọn cho được một cành đào đẹp. Vì với ông, một năm mà không có đào, coi như không có Tết. Nhà nghèo mấy cũng phải có đào cắm. Hiền Trang - cháu gái út nhà văn Kim Lân chia sẻ: “Ông tôi đi quần quật từ vài tuần trước Tết, ngày này sang ngày khác chọn từng cánh đào, chú ý từng cành đào. Tính cách này ảnh hưởng tới con cháu trong nhà. Bây giờ bố tôi và tôi cũng thế, năm nào cũng đi chọn đào rất nhiều ngày, rất mất công, đi từ Hàng Lược, tới mạn Lạc Long Quân, rồi sà cả vào những chợ nhỏ chợ to có cành đào để lựa. Gió lạnh giá rét mấy, tôi và bố tôi cũng phải chọn cho được cành đào ra dáng mang về”.
Nhà văn Kim Lân và cả các con cháu sau này trong gia đình thích đào có thế tự nhiên, chẳng hạn như thế “bạt phong hồi đầu” - thân cây xô đi như bị gió đẩy nhưng vẫn hiên ngang đón gió, cành chính vẫn hồi về vị trí ban đầu, trụ vững vàng. Ông không ưa những cành mà người ta ép vào thế cong, vẹo, uốn lượn.
Góc nhà đón Tết. Ảnh: NVCC
Kế đến, “nhà văn của những thú chơi” chọn hoa thật tỉ mỉ: Hoa to hay nhỏ, đào kép hay đơn. Nếu là bích đào (đào đỏ, hồng đậm), Kim Lân thường tinh ý chọn đào kép, bông to dày dặn. Nhưng nếu là đào phai, ông thích chơi đào mỏng cánh, gốc màu ghi và có mốc, vì “như thế mới là đào rừng. Còn đào phai đã nhạt màu mà cánh dày kép, xù lên lắm khi lại giống hoa giả”.
Họa sĩ Hoàng Hạnh Đào nhớ lại: “Gia đình tôi có một người bạn thân thiết tên là Tiến. Là người làm cafe lâu năm, Tiến hay lên vùng cao lựa chọn giống cafe, và năm nào cũng mang về cho ông Kim Lân một cành đào Mẫu Sơn rất đẹp. Có lần vừa thấy Tiến mang đào tới, ông reo lên: ‘Không cần nhìn kỹ cũng biết là đào rừng Mẫu Sơn rồi, chỉ có trên đó mới có cành mốc trắng ấy thôi!’, vui như trẻ con. Tiến thấy thế cười thích chí lắm, ghé tai tôi bảo: ‘Chả biết ông lên Mẫu Sơn bao giờ chưa mà tinh tế không biết!”. Niềm vui cứ thế theo cành đào vào nhà.
Có cành đào được cho như ý rồi, cũng chưa phải xong ngay với ông. Nhà văn Kim Lân sẽ bắt đầu… thở dài, đi quanh, ngắm nghía tỉa tót, chọn cho đào một chỗ, lựa bình riêng cho đào. Ngôi nhà ở Hạ Hồi lúc đó bé lắm, mà gần cả chục người chung sống, nhưng đào - thì vẫn phải có một chỗ trang trọng. Ông tỉa tất bật cả ngày, đến mức sau khi ông tỉa xong, người tặng đào có khi còn không nhận ra cành mình tặng, vì đẹp quá. “Có góc, ông để cành đào hợp, đẹp như bức tranh, đến độ có nhiếp ảnh gia là bạn của gia đình tới chơi, liền ‘bắt’ mẹ con tôi đứng vào chụp ảnh ngay. Nhà tôi ngày ấy bé tí, cũng chẳng giàu, nhưng góc đào ấy lên ảnh lại tựa như ở một ngôi nhà bề thế lắm”, cô cháu gái Hiền Trang hồi nhớ lại.
Và không chỉ có đào, nhà ông Kim Lân có bé như “mắt muỗi” cũng ngập tràn hoa, từ đỗ quyên hồng, tới lan, nhạn lai hồng, hoa trà… Với mỗi loại, ông đều tìm hiểu kỹ lưỡng không chỉ cách chơi, cách chăm mà cả những câu chuyện sau ấy. “Ông tôi trồng cả trà, nhưng ông hay nói hoa trà như cô gái đẹp, tiếc một cái là không có hương thơm. Nhưng vì yêu cái đẹp, người chơi hoa vẫn trồng”, Hiền Trang cho biết. Hoa trà ông thích là hồng trà bát diện, có tới 8 nhụy hoa quay về 8 hướng (bát diện).
Ở khoảnh vườn nhỏ sau nhà, ông lại tất bật với một cây nhạn lai hồng, xòa bóng xuống cửa sau. “Ngày nay, tôi hay nghe người ta gọi đó là hoa trạng nguyên. Nhưng ở nhà tôi, mọi người chỉ gọi nó là nhạn lại hồng mà thôi. Ông tôi giải thích rằng, ấy là khi nào chim nhạn bay về, báo hiệu mùa xuân, thì hoa sẽ nở đỏ”. Được chăm chút tỉ mỉ, nhạn lai hồng ở số nhà 6 Hạ Hồi nở đỏ rực rỡ. Nhưng khi gần hết mùa, ông phải tỉa bỏ bớt ngay, bởi phải tỉa mới lộ ra hoa, và mỗi ngọn ấy sau này lại có cơ hội ra bông hoa mới, năm sau lại nhiều hoa hơn năm trước.
Nhà văn Kim Lân cũng đặc biệt thích mai trắng, bởi nó tựa như tính cách người quân tử, phơi gió phơi sương vẫn trắng thanh liêm, tinh khiết. Ngắm mai, ông hay nhớ tới câu thơ xưa:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
(Tạm dịch: Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm cổ kiếm,
Một đời (ta chỉ) cúi đầu sùng bái hoa mai)
Cây mai của ông nhỏ nhưng dáng tựa cổ thụ. Ông đi đường cũng chăm chú nhặt thêm viên sỏi, viên đá để đặt vào gốc cây làm tiểu cảnh, lại mua thêm một ngôi nhà bé xíu, 1 tiểu cảnh nhân vật đặt vào dưới gốc cây. “Nhìn thoáng qua tự dưng lại thấy giống nhà thơ Lý Bạch uống rượu, người xưa chắc cũng tiêu dao đến thế là cùng!” - họa sĩ Hoàng Hạnh Đào chia sẻ.
Ông quý và thích đàm đạo và chia sẻ chuyện cây hoa với con dâu Hạnh Đào (vì cũng mát tay trồng cây, và lại là con gái một nhà văn khác nên có thể đối thơ, nhắc ông những tích xưa chuyện cũ). Ấy thế mà có lần, ông cho con dâu một chậu cây bách tán bonsai, tới khi ông hỏi lại, hoạ sĩ Hoàng Hạnh Đào hồn nhiên trả lời: “Cây nhà con cao gần bằng con rồi”. Ông mới tặc lưỡi: “Mất công ghì cho cây ra thế cổ thụ nhưng vẫn bé, mà con lại trả lời là cao gần bằng con, là hỏng rồi”. Ai nghe thấy cũng phải phì cười, nhưng cũng hiểu thêm cái thú chơi tinh tế, chơi tường tận, chơi đến nơi đến chốn của ông Kim Lân.
Tới tận ngày nay, thú chơi hoa ấy cũng đã “ăn vào máu” các con cháu nhà văn Kim Lân. Tới nhà họa sĩ Việt Tuấn và họa sĩ Hạnh Đào - con trai, con dâu út của ông những ngày này, sẽ lại thấy cái dáng tất bật của các con, các cháu khi đi chọn hoa, tỉa hoa. Và đặc biệt, cả gia đình nhà văn Kim Lân không ngại cắm cúc vàng, cúc trắng ngày Tết, như cách mà ông, bố mình ngày xưa từng làm. Cúc vàng đại đóa rực rỡ khoe sắc trong những bình hoa gốm nâu mộc mạc, bên cạnh những bức tranh sơn dầu, trong một không gian có hương hoài niệm của lá mùi già, hòa cùng âm nhạc từ những đĩa nhạc Pháp, Ý.
Cháu gái út của ông - Hiền Trang là Creative Manager tại một công ty truyền thông, thường tiếp xúc với những yếu tố công nghệ, hiện đại. Nhưng điều đó không có nghĩa là cô quên đi những nét truyền thống đáng trân quý, thú chơi hoa là một điển hình: “Tôi cho rằng, đến cuối cùng, người ta vẫn luôn tìm về những giá trị truyền thống. Các bạn trẻ làm creative dù bị thu hút bởi những sáng tạo công nghệ hiện đại, vẫn không ngừng bị thu hút bởi yếu tố truyền thống. Tôi tin là, nếu bố mẹ ông bà rủ 1 câu: ‘Đi chọn đào Tết đi!’, hiếm ai muốn từ chối lắm, vẫn vui âm ỉ là đằng khác!”.
Thế mới hay, hoa của Hà Nội đẹp chừng nào, và chỉ chờ người ta ngồi lại, bớt thời gian pha một ấm trà thơm mà lặng ngắm. Dù là đối ẩm hay độc ẩm như cách nhà văn Kim Lân năm xưa từng làm, đó cũng đã là thú tiêu dao của trần gian mà ngày Tết, ta chẳng thể bỏ lỡ.
Nhà văn Kim Lân (1920-2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học rồi đi làm. Nhà văn Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Ông viết nhiều về nông thôn Việt Nam, về cuộc sống lam lũ vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông được biết đến với các tác phẩm văn học như "Vợ nhặt", "Làng"…
Cùng với những tên tuổi như Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan... nhà văn Kim Lân đã xây dựng nền móng cho văn học Việt Nam hiện đại. Nǎm 2001, nhà văn Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I.