Dân Việt

Cung nữ nào "đổi đời" khi được Càn Long chọn làm con dâu?

Hoa Vũ 20/01/2023 14:33 GMT+7
Từ một tiểu nha hoàn sống ở trong cung, Nữu Hỗ Lộc thị may mắn được gả cho hoàng thất để rồi cuối cùng trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ.

Vào thời phong kiến cổ đại, những người phụ nữ có địa vị vô cùng thấp kém do bị trói buộc bởi những quan niệm cổ hủ và tư tưởng trọng nam khinh nữ. Cách tốt nhất giúp họ thoát khỏi sự coi thường của xã hội là gả vào một nhà có gia thế tốt, để trở thành người có phú quý và quyền lực.

Thế nhưng, muốn gả được vào những gia đình như thế không phải điều dễ dàng, và còn khó khăn gấp bội đối với những nữ tử sống trong hoàng cung.

Khó nhưng không phải không thể. Có một người phụ nữ vô cùng may mắn, bà vốn là một nha hoàn hậu là một tiểu công chúa, không ngờ rằng được vua Càn Long chọn làm con dâu, để rồi cuối cùng trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Người đó chính là Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu.

Cung nữ may mắn nhất lịch sử, "đổi đời" khi được Càn Long chọn làm con dâu là ai? - Ảnh 1.

Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu từng là "Thị độc" của Thập công chúa, cũng chính là Cố Luân Hòa Hiếu công chúa (Thị độc là từ dùng để gọi những người là bạn học của công chúa hoặc hoàng tử).

Thập công chúa sinh vào năm Càn Long thứ 40, trong bối cảnh Càn Long Đế đã lớn tuổi và Tử Cấm Thanh đã lâu không nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Vì thế Thập công chúa được Càn Long Đế vô cùng sủng ái.

Một năm sau, ngoài cung có một bé gái chào đời, chẳng ái có thể ngờ được bé gái đó lại trở thành Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu sau này.

Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu sinh ra trong gia tộc Nữu Hỗ Lộc, một tộc thị của người Mãn Châu, trước đó hầu hết hậu phi mang họ Nữu Hỗ Lộc thị của nhà Thanh đều xuất thân từ gia tộc này. Tuy nhiên đến thời của Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu, gia tộc của bà đã lụi tàn và chỉ còn dựa vào ánh hào quang của tổ tông.

Năm Càn Long thứ 47, trong cung cần tìm một Thị độc cho Thập công chúa, Nữu Hỗ Lộc thị may mắn khi chỉ duy nhất bà vào thời điểm đó có độ tuổi phù hợp và được tuyển chọn.

Năm Càn Long thứ 55, Hoàng tử Vĩnh Diễm đến tuổi thành thân, vua Càn Long đã chiếu cáo thiên hạ, tổ chức Bát Kỳ tuyển tú, chọn vợ cho hoàng tử, Nữu Hỗ Lộc thị cũng tham gia ứng tuyển. Do thường xuyên ở bên cạnh vị công chúa được sủng ái nhất, ngoại hình lại xuất chúng, nên vua Càn Long vừa nhìn đã hài lòng và đặc chỉ chọn tiểu nha hoàn này trở thành trắc thất của Hoàng tử Vĩnh Diễm, tước vị của bà là Trắc Phúc tấn.

Cung nữ may mắn nhất lịch sử, "đổi đời" khi được Càn Long chọn làm con dâu là ai? - Ảnh 2.

Chân dung Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu.

Năm Càn Long thứ 60 (1796), Hoàng đế Càn Long thoái vị làm Thái thượng hoàng. Hoàng tử Vĩnh Diễm được chỉ định làm Hoàng thái tử nối ngôi, lấy năm sau là niên hiệu Gia Khánh nguyên niên, sử gọi Hoàng đế Gia Khánh.

Thân phận của Nữu Hỗ Lộc thị cũng vì thế mà thay đổi, từ Trắc Phúc tấn của Vương phủ trở thành Quý phi nương nương trong hậu cung, địa vị chỉ xếp sau Hiếu Thục Duệ Hoàng hậu

Tuy nhiên, Hiếu Thục Duệ Hoàng hậu sau khi tiểu sản đã có biểu hiện thân thể suy yếu và qua đời. Hoàn Nhan nhận chỉ nhập cung nhằm thay thế cho vị trí hoàng hậu cũng bất hạnh mất sớm.

Nữu Hỗ Lộc thị khi đó là người có địa vị cao nhất trong hậu cung và đã trở thành Hoàng hậu đại Thanh khi mới 21 tuổi, sử gọi Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu. Kể từ khi gả cho vua Gia Khánh, Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu sinh được 2 người con, bà không chỉ yêu thương con riêng của mình, mà còn có mối quan hệ rất tốt với những người con khác, nhất là đối với Hoàng trưởng tử Mân Ninh.

Không giống với các cuộc cung đấu trong lịch sử, Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu luôn giáo dục tất cả đứa trẻ trong cung phải tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau.

Cung nữ may mắn nhất lịch sử, "đổi đời" khi được Càn Long chọn làm con dâu là ai? - Ảnh 3.

Năm Gia Khánh thứ 25, Hoàng đế Gia Khánh đột ngột băng hà ở Tị Thử Sơn Trang. Mân Ninh đăng cơ với thân phận Hoàng Thái tử, trở thành Thanh Tuyên Tông Đạo Quang Hoàng đế.

Sau khi lên ngôi ít lâu, Đạo Quang Đế đã truyền chỉ dụ tôn Nữu Hỗ Lộc Hoàng hậu làm Hoàng thái hậu, tôn hiệu Cung Từ Hoàng thái hậu.

Năm Đạo Quang thứ 29, Cung Từ Thái hậu đột nhiên đổ bệnh, không bao lâu thì qua đời, thọ 74 tuổi, một độ tuổi "xưa nay hiếm" vào thời kỳ đó.