Những người làm bóng đá lâu năm thì đều biết mối quan hệ giữa bầu Đức với VPF nhiều năm qua vốn không tốt. Ông Đức từng công kích Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nhiều lần và có lúc đã tiến cử cả những “trưởng lão” trong làng bóng đá như cựu Trưởng giải V.League Trần Duy Ly hay TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn lên thay, dù cả hai đều đã nghỉ hưu.
Về sự cố liên quan đến nhà tài trợ của V.League Sâm Ngọc Linh và đơn vị tài trợ mới của HAGL, VPF cho biết đang làm theo đúng quy định trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, điều lệ giải và đã có thông báo cho HAGL. Ngược lại, HAGL cũng đưa ra những lý lẽ để bảo vệ cho quyết định ký hợp đồng với nhà tài trợ mới, vốn xung đột với nhà tài trợ giải đấu.
Như vậy có thể hiểu, HAGL hiểu rõ quy định của V.League và tương tự các CLB khác, đều không phản đối như thực tế xảy ra ở nhiều mùa giải qua. Lưu ý rằng để thông qua Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng như Điều lệ giải, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF phải thông qua ý kiến của các thành viên, BCH và các đội bóng. Trong khi đó, bầu Đức từng nhiều năm ngồi ghế Phó chủ tịch tài chính VFF, Phó chủ tịch HĐQT VPF, HAGL cũng liên tục có đại diện góp mặt trong BCH VFF.
Ở đây một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, là Quy chế bóng đá chuyên nghiệp hay điều lệ giải không phù hợp với thực tiễn phát triển của nền bóng đá. Ngay cả trong trường hợp đó, bầu Đức và HAGL cũng phải có một phần trách nhiệm như một thành tố tạo nên. Nếu phát hiện ra những điểm không hợp lý, HAGL và bầu Đức cần lên tiếng trước khi giải đấu diễn ra. Ông Đức như nói trên, đã có nhiều cơ hội để làm điều đó khi ngồi ghế lãnh đạo ở cả VFF và VPF. Còn khi đã tham dự giải đấu, HAGL và bầu Đức cần tuân thủ quy định chung bởi cuộc chơi không chỉ được tạo nên bởi HAGL.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc HAGL tìm được nhà tài trợ là một sự động viên lớn. Đặc biệt phía trước là mùa giải gian nan với đội bóng phố núi khi ngoài HLV Kiatisak Senamuang, HAGL mất một loạt ngôi sao như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy... Nếu thực sự bầu Đức bỏ bóng đá như nhiều lần ông từng lên tiếng dọa, đó là một mất mát với bóng đá Việt Nam. Ngược lại, VPF cũng có những khó khăn khi phải lo tài chính cho cả giải đấu, đứng trước yêu cầu bảo đảm lợi ích cho đối tác theo hợp đồng.
Điều đáng buồn nhất trong vụ việc này là dường như những người làm bóng đá không thể ngồi lại với nhau. Bầu Đức có vẻ như luôn giữ cái tôi cá nhân quá lớn trong các cuộc xung đột với BTC giải và ở chiều ngược lại, những người làm bóng đá chưa thể kiểm soát được cuộc chơi.
Sau xung đột, thay vì bắt tay để xây dựng giải đấu tốt hơn thì hố sâu ngăn cách giữa đôi bên ngày càng lớn. Đó là điều đáng buồn nhất với bóng đá Việt Nam hiện nay.