Sáng 30 Tết trời lạnh cắt da cắt thịt, ông Nguyễn Văn Thực (Mỹ Đức, Hà Nội) dậy từ 4h sáng nhóm bếp, đun một nồi nước lớn để chuẩn bị thịt lợn. Trong gian bếp nhỏ, ngọn lửa rực cháy nhanh chóng làm sôi nồi nước.
Ngoài sân giếng, con lợn nặng tầm 70kg đã bị trói 4 chân, 3 người đàn ông lực lưỡng chọc tiết con lợn trong phút mốt. Ông Thực múc nước sôi từ cái nồi lớn cho vào siêu nhỏ rồi xách ra giếng, từ từ tưới lên người con lợn để những người khác cạo lông. Chỉ trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, con lợn đã được làm sạch sẽ và chia thành 4 góc đều nhau, tương ứng mỗi gia đình một góc.
Theo ông Thực, gia đình ông cùng với 3 gia đình khác Tết này mổ một con lợn ăn chung. Con lợn được nuôi gần một năm nay, chủ yếu là ăn cơm thừa canh cặn, kèm thêm cám gạo nên thịt chắc và thơm. Sau khi mổ lợn chia nhau, số thịt đó sẽ được dùng làm thực phẩm trong những ngày Tết của các gia đình.
“Ở quê tôi có tục ăn đụng thịt lợn vào ngày Tết từ nhiều thế hệ trước. Khoảng chục năm trở lại đây, phong tục này bỗng nhiên biến mất dần. Thời điểm đó kinh tế bắt đầu phát triển, cuộc sống trong dân ở quê tôi bớt khó khăn hơn. Nhiều gia đình đã chủ động chuẩn bị thực phẩm cho những ngày Tết bằng cách ra chợ. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, phong tục ăn chung lợn ngày Tết lại xuất hiện trở lại”, ông Thực nói.
Ông Thực cho biết thêm, từ ngày thay đổi cơ cấu ruộng đất, nhiều gia đình ở quê ông đã có trang trại rộng lớn, không chỉ phát triển chăn nuôi mà họ còn chú trọng đến việc chuẩn bị thực phẩm sạch cho gia đình sử dụng. Lợn trắng, lợn rừng, lợn mán rồi gà vịt được người dân nuôi đủ cả.
“Đến nay, anh em trong gia đình tôi vẫn giữ được thói quen này. Năm nào, tôi cũng tự tay nuôi lợn để 4 – 5 anh em trong họ cùng thịt, làm giò, phải có thịt lợn đụng thì không khí Tết mới rộn ràng, tươi vui”, một người đàn ông khác ăn thịt lợn chung với gia đình ông Thực cho biết.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Thức (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng tất bật chuẩn bị thực phẩm cho những ngày Tết. Không phải là thịt lợn mà gia đình ông Thức cùng với vài gia đình khác thịt cả một con bê để chia nhau ăn Tết.
Ông Thức chia sẻ: “Thịt lợn thì gia đình tôi có người cho rồi, một góc lợn mán, khoảng 3 năm nay tôi cũng với 4 gia đình khác trong xóm cứ cuối năm là sẽ mua một con bê ngon về để thịt sau đó chia nhau ăn Tết. Thịt bê ngon và đặc biệt hơn, ăn sẽ bớt chán hơn so với thịt lợn. Một con bê sau khi thịt chia nhau thì mỗi gia đình cũng chỉ được khoảng hơn 10 kg thịt”.
Ông Thức cho biết thêm, việc thịt một con bê không phải đơn giản, do không thể tự làm được đó nên họ phải thuê thợ về thịt. Những ngày Tết, người làm nghề mổ lợn, mổ trâu bò thuê cũng nhờ đó kiếm cả triệu bạc mỗi ngày.
Anh Võ Hoàng Anh (Chương Mỹ, Hà Nội) vốn sống nhờ vào nghề giết mổ trâu bò, những ngày thường anh làm thuê cho một lò mổ cách nhà không xa. Công việc thường chỉ diễn ra trong đêm, còn ban ngày anh có thời gian để tranh thủ kiếm thêm nhờ vào việc mổ lợn thuê cho người dân trong làng ăn Tết.
Anh Võ Hoàng Anh mới ngoài 30 tuổi, nhưng đã có hơn 10 năm trong nghề giết mổ thuê. Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt, một mình xử lý con bê chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, tất cả đều được chia đều, đâu ra đấy.
Anh Võ Hoàng Anh nhẩm tính, tùy theo số cân của con lợn mà có giá thịt thuê khác nhau. Anh tính công thịt thuê rơi vào khoảng vài trăm nghìn đồng một con lợn, cứ thế nhân lên, có ngày anh kiếm được vài triệu từ việc thịt lợn thuê. “Tôi cũng mệt lắm vì cả đêm đã làm việc ở lò mổ, cuối năm số lượng công việc tăng lên nhiều. Cũng chỉ có mấy ngày Tết thôi nên tôi vẫn cố gắng làm thêm, kiếm ít có tiền tiêu Tết”.