Những ngày cuối năm, công việc của anh thợ sửa điện lạnh Trung Văn Nam (34 tuổi) không quá tất bật. 5 giờ chiều, sau khi sắp xếp gọn gàng dụng cụ, đồ nghề trong căn nhà trọ thuê tạm trên phố Lương Khánh Thiện (quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh chạy xe máy khoảng 20km, về nhà trọ cùng vợ và hai con gái.
"Nhanh thật! Quay đi, ngoảnh lại, đã gần hết một năm", anh cười, dáng vẻ hiền hậu, chất phác, nhớ lại khoảnh khắc "không thể nào quên trong cuộc đời" cứu sống bé gái 14 tuổi trong căn nhà bốc cháy một buổi trưa tháng 1/2022.
Anh Trung Văn Nam sinh ra và lớn lên trong gia đình 2 chị em tại thôn Ngư Thôn Đại Bản, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Bố mẹ ốm đau thường xuyên, không đủ điều kiện kinh tế, anh tranh thủ những ngày không đi học ra ruộng bắt lươn, chăn bò,… phụ giúp gia đình.
Học hết phổ thông, anh từng ước mơ thi vào các trường Đại học liên quan quân sự hoặc an ninh, nhưng không đủ điểm trúng tuyển. Tạm gác giấc mơ, chàng trai 17 tuổi khi đó xin bố mẹ vào miền Nam học ngành điện công nghiệp tại trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM).
"Tôi vừa học vừa đi làm công trình lắp điện, học hỏi kinh nghiệm. Sau hai năm, tôi tốt nghiệp, làm việc ở TP HCM", anh kể.
Năm 2014, chị gái kết hôn rồi theo chồng vào Nam, anh không yên tâm bố mẹ sống đơn độc, đã về lại Thanh Hóa. Một năm sau, trong lần lên Hà Nội vui chơi ít ngày, anh thuê một căn phòng trọ ở huyện Thường Tín để nghỉ ngơi.
Khi đi ngang qua đường lớn, thấy thông báo tuyển công nhân bao bì, anh xin vào làm thử. Được một thời gian, nhận thấy công việc nhàm chán, đi làm xong về lại phòng trọ, cuộc sống như một vòng tròn bế tắc, nên anh xin nghỉ.
Như một cơ duyên, trong cùng dãy trọ, một người bạn biết anh Nam từng học điện công nghiệp, đã giới thiệu anh vào làm sửa chữa điện lạnh ở trung tâm Hà Nội. Họ tập hợp 20 thành viên, nhận lắp đặt, sửa chữa đồ điện như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh, "trụ sở" đặt tại phòng trọ nhỏ trên phố Lương Khánh Thiện.
Công việc không có giờ giấc cố định. Cao điểm mùa hè, nhiều việc, anh làm không xuể, bù lại những ngày mùa đông vắng khách.
Năm 2015, anh Nam kết hôn với chị Đỗ Thị Tuyền (30 tuổi, đầu bếp mầm non), cùng là người thuê trọ ở Thường Tín, sau vài tháng yêu và quen nhau.
"Tôi từng nghĩ mình khó quen bạn gái, nên khi yêu và thấy hợp với Tuyền, chúng tôi nhanh chóng đi đến hôn nhân", anh kể, hạnh phúc hơn vào năm 2017 và 2019 lần lượt chào đón hai cô con gái xinh xắn, đáng yêu.
Trưa 12/1/2022, khi đang ngồi ăn cơm, anh Nam nghe tiếng tri hô của người dân xung quanh về đám cháy bốc lên từ căn nhà cũ hai tầng cùng dãy phố Lương Khánh Thiện.
Bỏ bát đũa, anh cùng vài đồng nghiệp lao ra ngoài, thấy đám cháy đang ngùn ngụt. Anh lấy bình cứu hỏa ra xịt nhưng lửa ngày một bùng to hơn.
"Đám cháy lan nhanh lên tầng hai, đứng từ dưới phun nước không thấm vào đâu. Tôi tìm cách leo lên tầng hai", anh thuật lại.
Nam thanh niên nhìn xung quanh, thấy cột điện đã được cắt điện, vội cởi dép bám cột trèo lên tầng hai. Tại đây, trong đám khói mù mịt, là một bóng người và tiếng nói vọng ra yếu ớt: "Chú ơi, cứu cháu với". Mất vài giây trấn tĩnh, anh tìm cách vào bên trong.
Tầng hai căn nhà cháy được quây tôn kín mít, lối vào duy nhất là chiếc cửa sổ có song sắt chỉ vừa một người chui. Anh lấy hai tay rung rung để kiểm tra độ chắc trước khi dùng sức giật song sắt nhưng bất thành.
Lúc này, lửa càng cháy mạnh, khói nóng tỏa ra khiến anh thêm căng thẳng. Không chần chừ, anh dùng chân đạp mạnh phá khung sắt, khiến những thanh thép bung ra, chớp thời cơ kéo bé gái ra bên ngoài.
"Cứu em cháu nữa" - câu nói của cô bé 14 tuổi khiến anh Nam giật mình vì ngọn lửa đã bùng lên dữ dội, bao trọn căn nhà. Anh day dứt, không biết làm thế nào, cho đến khi đội phòng cháy chữa cháy khống chế ngọn lửa, vào bên trong không ghi nhận thêm nạn nhân, anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Khi bé gái được anh Nam đưa ra ngoài, xe cẩu của cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã đợi sẵn để đưa hai người xuống dưới, chuyển đi cấp cứu. Bé gái bị bỏng tay, chân.
Công an quận Hoàng Mai xác định vụ cháy xảy ra vào khoảng 12 giờ 35 phút tại gia đình ông Vũ Mạnh Cường (70 tuổi). Một người cháu ngoại 6 tuổi chạy được ra ngoài, chị gái bị kẹt lại trên tầng hai.
Căn nhà bốn người sinh sống đã bị thiêu rụi nhiều đồ đạc. Lãnh đạo UBND phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) cho biết nguyên nhân ban đầu do chập thiết bị điện, sau đó lan ra các thiết bị khác.
10 giờ đêm hôm đó, anh Nam mới về đến nhà. Vợ con thấp thỏm đợi, vừa mừng vì anh làm được việc tốt, cứu một mạng người, nhưng cũng lo sợ anh bị bỏng hay chấn thương. Mẹ anh là bà Lê Thị Thiếp (58 tuổi) gọi điện, khóc đỏ mắt, trách con "sao liều thế".
"Tôi giải thích là không bị chấn thương, vẫn khỏe mạnh, bà mới yên lòng", anh kể. Đêm đó, giấc ngủ của anh chập chờn.
Sau khi trở thành "người hùng", cuộc sống của anh Nam đôi chút bị đảo lộn. Mạng xã hội đưa tin đồng loạt, nhiều cơ quan báo chí truyền thông "săn đón", anh thậm chí phải nghỉ việc để tiếp đón.
"Tôi sẵn sàng đón nhận tình cảm của mọi người, nhưng đôi khi bị áp lực và ngại ngùng", anh nói, từ chối danh xưng "người hùng" vì hành động cứu bé gái hoàn toàn là bản năng, không nhằm được tôn vinh hay ca ngợi.
"Dù mọi người có ngăn cản, tôi cũng sẽ lao vào. Ai trong trường hợp này đều sẽ làm như vậy", anh tâm sự.
Nhưng cũng từ đó, nhiều điều tốt đẹp đến với anh Nam và gia đình. Nhiều lần đến nhà khách hàng sửa điều hòa, anh được mọi người nhận ra, xin bắt tay và chụp ảnh chung. Có người mời cơm, nhắn tin "làm xong ở lại uống cốc bia", nhưng người thợ đều từ chối, vì đã lỡ hẹn về ăn cơm với vợ con. Có một gia đình cứ hư hỏng điều hòa, bình nóng lạnh, đều gọi anh. Nhiều lúc anh bận, nhưng họ bảo sẽ chờ, hẹn gặp "người hùng" bằng được.
"Sau một năm, tôi trở về với cuộc sống bình lặng trước đó, mọi thứ đều đã bình thường. Tôi trân quý và biết ơn tình cảm của mọi người", người đàn ông nhìn xa xăm, mắt rưng rưng.
Gia đình ông Vũ Mạnh Cường thuộc diện đặc biệt khó khăn tại phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Hai cháu ngoại ở với ông bà từ nhỏ do bố mẹ đã mất sớm.
Ông Cường tuổi đã 70, từng đi làm bảo vệ, nhưng do sức khỏe yếu đã xin nghỉ, trông coi nhà cửa và chăm sóc hai cháu. Vợ ông vẫn bán hàng ở chợ. Sau hỏa hoạn, căn nhà của ông bà được người dân và chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa.
"Tôi coi Nam như con trai", đứng bên ngoài căn nhà mà cách đây một năm từng như "ngọn đuốc cháy rực", ông Cường nghẹn ngào. Người đàn ông khắc khổ cho hay, đám cháy đi qua, để lại cho gia đình một nhân duyên lớn. Ông có thêm một đứa con, một người bạn.
Hai bên gia đình ông Cường và anh Nam thường xuyên giữ liên lạc, hỏi thăm nhau. Mỗi lần đi làm xa về, có mấy thức quà quê như cam, bánh đa, anh Nam sang chơi, gọi: "Bố ơi, con có món quà biếu", làm ông Cường rất xúc động. Món quà tuy đơn giản, nhưng ông trân trọng, nói rằng "hiếm có trong cuộc đời".
Với bé gái 14 tuổi, đi qua lằn ranh sinh tử, phát triển khứu giác và nhạy bén hơn với "mùi lửa". Mỗi lần ông ngoại lén hút thuốc hoặc xung quanh ai đó đốt giấy, cô bé đều phát hiện, báo với ông ngoại "cháy, cháy".
"Cháu gái vẫn bị ám ảnh về vụ hỏa hoạn, đang ngủ mà ngửi thấy mùi khét ở đâu cũng giật bắn dậy. Tôi bảo cháu, 'Đời người ai cũng trải qua biến cố. Biến cố càng lớn thì càng sâu đậm, nhưng hãy sớm quên đi, chỉ nhớ mãi về tình người'", ông Cường chia sẻ.
Khép lại một câu chuyện hi hữu, mở ra những mối nhân duyên đặc biệt trong cuộc đời mà hai bên cùng trân quý. Một năm trôi qua với nhiều bộn bề, đọng lại trong họ vẫn là tình người.
Mỗi dịp Tết, anh Nam về quê sớm, từ ngày 25 - 26 tháng Chạp, tranh thủ chở vợ con đi sắm sửa quần áo mới. Anh thường ở nhà với bố mẹ nửa tháng rồi mới lên Hà Nội đi chùa dịp lễ đầu năm cầu may mắn và sức khỏe.
Anh nói chỉ có ở quê, bên cạnh bố mẹ và vợ con, mới có không khí Tết thực sự. Anh nhớ mãi những ngày anh em trong thôn tập trung mổ thịt lợn, đêm 30 Tết ngồi canh nồi bánh chưng, cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên, cùng đốt pháo bông đón giao thừa.
"Ngoài sức khỏe cho gia đình, tôi cầu chúc năm mới sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra. Tôi cố gắng đi làm, kiếm tiền nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn", anh tâm sự.
Còn ông Vũ Mạnh Cường mong ước năm mới nhiều sức khỏe, dặn hai cháu gái ngoan ngoãn, cố gắng học tập, đặc biệt khắc sâu tình cảm đối với những người xung quanh.