Dân Việt

"Xuân Bắc trịch thượng, coi thường khán giả"

Yến Linh 25/01/2023 15:01 GMT+7
"Giả sử khán giả có chê, có phê bình, góp ý chưa đúng, chưa thỏa đáng thì với vai trò là nghệ sĩ của công chúng anh cần tiếp thu và có những lời giải thích phù hợp để khán giả hiểu hơn. Đó là chưa bàn đến việc khán giả phê, chê đúng" - nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang nhận định.

Trưa ngày mùng 2 Tết Quý Mão 2023 (tức ngày 23/1), nghệ sĩ Xuân Bắc đăng tải một chia sẻ dài trên trang cá nhân với tiêu đề "Cái tát của mẹ". Kể lại câu chuyện người con chê bánh chưng Tết mẹ nấu không ngon, từ đó dẫn đến việc anh ta bị mẹ "tát lật mặt" trong bữa ăn tất niên, anh ngụ ý mắng những người chê Táo quân giống như người con trai không biết gói bánh chưng "năm nào cũng chê bánh chưng mẹ mình gói, dù vẫn ăn "tụt lưỡi".

Chia sẻ của Xuân Bắc ngay lập tức gây bức xúc trong dư luận. Nhiều khán giả cho rằng nghệ sĩ trịch thượng và thiếu văn minh khi đáp trả những người chê bai chương trình, ví họ như người con vô ơn trong câu chuyện.

"Xuân Bắc coi thường khán giả, xem họ như không tồn tại" - Ảnh 1.

Xuân Bắc thủ vai Nam Tào trong chương trình "Táo quân". (Ảnh: VTV)

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hoá, đạo diễn Ngô Hương Giang về vấn đề này:

Nghệ sĩ Xuân Bắc vừa đăng tải bài viết dài trên trang cá nhân, trong đó bóng gió những người chê chương trình "Táo quân" là "ăn cháo đá bát". Cũng tại đây, anh có đưa ra nhận định về sự việc: "Xuân Bắc quá sai rồi". Theo anh, nghệ sĩ hài này sai ở những điểm nào? 

- Thứ nhất, Xuân Bắc là một nghệ sĩ, anh ấy cần giữ cho mình chuẩn mực trong ứng xử của một nghệ sĩ. Việc bóng gió khán giả là "ăn cháo đá bát" khi khán giả đưa ra những góp ý, phê bình với chương trình Táo Quân không chỉ xúc phạm khán giả, mà còn cho thấy văn hóa ứng xử của nghệ sĩ này có vấn đề. 

Thứ hai, giả sử khán giả có chê, có phê bình, góp ý chưa đúng, chưa thỏa đáng thì với vai trò là một nghệ sĩ của công chúng anh cần tiếp thu và có những lời giải thích phù hợp để khán giả hiểu hơn. Đó là chưa bàn đến việc khán giả phê, chê đúng những lỗi lớn mà "Táo quân 2023" đang mắc phải như nhạt ý tưởng, có dấu hiệu hài nhảm nhí và đặc biệt ngôn ngữ thể hiện có đôi chỗ dung tục, tầm thường. Một chương trình lớn, có bề dày thời gian, được khán giả trông đợi suốt cả năm không nên có những lỗi sơ đẳng như thế! 

Thứ 3, coi thường khán giả. Xem khán giả như không tồn tại!

Nhiều người cho rằng nghệ sĩ Xuân Bắc đang quá trịch thượng khi ví mình như cha mẹ khán giả và Táo Quân không thể thiếu như món bánh chưng ngày Tết. Anh cho rằng những nhận định này có đúng? 

- Như trên, tôi có bàn về thái độ "coi thường" khán giả của Xuân Bắc. Xuân Bắc, xét ở một góc độ nào đó, anh ta mới thực sự là người "ăn cháo đá bát" bởi vì nếu không có khán giả thì anh ta diễn cho ai xem? Nếu không có khán giả ủng hộ thì "Táo quân" có tồn tại được qua 2 thập kỷ không? Quay lưng lại với khán giả thì Xuân Bắc có còn giữ được đạo đức nghề nghiệp - lấy khán giả là trung tâm cho sự sáng tạo, phục vụ biểu diễn của người nghệ sĩ? 

"Xuân Bắc coi thường khán giả, xem họ như không tồn tại" - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu văn hoá, đạo diễn Ngô Hương Giang. (Ảnh: NVCC)

Ở phía ngược lại, anh có cho rằng việc nhiều khán giả chê "Táo quân" gay gắt đã tạo thành áp lực lớn, khiến nghệ sĩ thiếu kiềm chế và có phản ứng như vậy? 

- Vấn đề ở đây là các nghệ sĩ, cũng như ekip sản xuất chương trình "Táo quân" hãy đặt ra câu hỏi tại sao khán giả lại chê, lại phê mình như vậy? Hẳn là chẳng khán giả nào muốn mất nhiều thời gian để đi chê, đi phê một tác phẩm nghệ thuật tốt trong ngày Tết. Chắc chắn "Táo quân 2023" phải có vấn đề để chê, để phê! 

Ở góc nhìn của Tôi, một khán giả yêu thích "Táo quân" qua các năm, tôi thấy rất nhiều sạn, nhiều lỗi cơ bản. Là nghệ sĩ thực thụ, là ê-kip hết lòng vì công chúng thì đúng ra các anh, các chị cần cầu thị lắng nghe, gạn lọc những góp ý hay, tích cực để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm chứ không phải là đanh thép, ném cái nhìn, ném lời lẽ xem thường về phía khán giả như vậy!

Theo anh, sự việc nói trên có phản ánh "phông văn hoá" của người nghệ sĩ - như một số ý kiến cảm thán trên mạng xã hội? 

- Tôi không cho rằng sự việc trên nằm ở phông văn hóa mà nằm ở chuẩn mực ứng xử của người nghệ sĩ! Chuẩn mực ứng xử này không đo bằng trình độ nhận thức văn hóa mà nằm ở đạo đức ứng xử với công chúng. Điều này không phải cứ học là có được, mà phải là một nỗ lực rèn luyện, khắc kỷ bản thân, khiêm cung trước khán giả ủng hộ mình! Nếu không giải thích thỏa đáng được những phê phán của khán giả thì im lặng cũng là thái độ trân trọng cần thiết của nghệ sĩ dành cho khán giả của họ. 

Táo quân đã bước sang năm thứ 20. Nhiều năm qua, chương trình luôn gây tranh cãi bởi sự tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn. Anh có cho rằng chương trình nên đổi mới, hoặc nên dừng lại? 

- Đã có rất nhiều ý kiến bàn về sự nhạt, nhảm của "Táo quân" và góp ý chương trình nên đổi mới. Song chúng ta không nhìn thấy được chương trình đổi mới rõ ràng ở điểm nào, ngoài kỹ thuật sân khấu có phần hiện đại hơn trước, góc quay đẹp hơn trước. 

Tuy nhiên, cái cần đổi mới nhất là đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy triển khai các vấn đề xã hội - điều mà khán giả trông chờ, hy vọng thì lại không thấy đâu, thậm chí ngày càng tụt hậu so với giai đoạn đầu của chương trình này.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Trên trang cá nhân, nhà văn Sương Nguyệt Minh bàn về bài viết của nghệ sĩ Xuân Bắc: "Thực ra, nghệ sĩ biểu diễn nếu khán giả thích thì phải bỏ tiền ra mua vé để thưởng thức, cũng như nhà văn sáng tạo ra tác phẩm, người đọc thích thì bỏ tiền ra mua. Xuân Bắc và các nghệ sĩ trong chương trình "Táo quân" hàng năm lên sóng đã được nhận thù lao, tiền này từ Đài Truyền hình trả, mà Đài là của Nhà nước, Nhà nước sống được là từ thuế của dân. Tiền giao cháo múc rồi.
Ở đây là quan hệ cộng sinh nghệ sĩ và công chúng, không ai phải hàm ơn ai. Cho nên nói "người chê Táo quân là ăn cháo đá bát" là vô minh.
Vả lại, đã chấp nhận đời nghệ sĩ thì phải chịu được tiếng khen chê. Người ta chê mình thì phải xem lại mình trước. Biết nghe lời chê để hoàn thiện lao động nghệ thuật mới là người nghệ sĩ lớn chân chính, chứ không phải thợ diễn mua vui rẻ tiền.
Để hủy bỏ một chương trình trước hết Đài Truyền hình phải có bản lĩnh, dám vứt bỏ cái không còn hấp dẫn nữa, chứ không cố đấm ăn xôi, méo mó có hơn không. Đồng thời phải có chương trình mới sinh động lấp vào.
Còn một điều quan trọng nữa là: Người nghệ sĩ còn phải có lòng tự trọng nghề nghiệp, khi thấy kịch bản tầm thường thì từ chối không diễn; khi thấy mình cạn duyên thì biết từ chối lời mời, còn thấy mình vẫn "má thắm môi son" duyên mặn nồng, mà không biết mình đã thành cái xác không hồn đi động trên sân khấu thì bị kịch chồng bi kịch.
Nếu thật sự Xuân Bắc cho rằng "người chê Táo quân ăn cháo đá bát" thì sẽ là lời cáo chung, là dấu chấm hết của chương trình này".