Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), ông V.B vừa trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Người nhà ông cho biết, ông bị đau dữ dội vùng bụng bên phải, đau vai phải, sốt, nôn… từ trưa mùng 1 nhưng nhất định không chịu đi bệnh viện với lý do "đầu năm vô bệnh viện thì cả năm vô dài dài".
Ông chịu đau đến ngày thứ 3 thì không chịu nổi phải chuyển cấp cứu gấp. Sau khi xét nghiệm máu và siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm túi mật. Do tới bệnh viện trễ nên các mô trong túi mật bị hoại tử, nguy hại tính mạng, các bác sĩ phải phẫu thuật nội soi, cắt bỏ túi mật gấp cho ông.
Nhiều bệnh nhân khác cũng trong tình trạng đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy… do nhiễm trùng tiêu hoá, tắc ruột, viêm túi mật… nhưng sợ xui xẻo không chịu đi khám bệnh, nhập viện khi đã trễ, có người phải cắt bỏ ruột để cứu tính mạng.
Nguy hiểm hơn cả là các bệnh nhân bị đột quỵ, vì kiêng cữ mà bỏ lỡ "giờ vàng" trong điều trị. Chiều mùng 1 Tết, người nhà bà T.L. (TP.HCM) thấy mặt bên trái chảy xệ, cười méo miệng, yếu liệt bên phải, nói ngọng, dính chữ… Nghi ngờ bà L. bị đột quỵ, người nhà định kêu xe chở đi bệnh viện nhưng chồng bà L. can ngăn với lý do nếu đầu năm vô bệnh viện sẽ xui xẻo cả năm.
Mãi đến 2 ngày sau, bà L. mới được đưa vào viện nhưng các bác sĩ cho biết, tình trạng bà L. sẽ rất khó hồi phục do đã qua "giờ vàng" điều trị đột quỵ.
PGS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, chỉ khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ cấp đến sớm trong giờ vàng từ 3 tiếng - 4 tiếng rưỡi. Một số khác được can thiệp tái thông bằng dụng cụ cơ học trong 6 tiếng - 24 tiếng kể từ thời điểm khởi phát đột quỵ.
"Tuy tỷ lệ cứu thành công bệnh nhân đến trong giờ vàng và tắc động mạch chỉ khoảng 50%, vì còn nhiều yếu tố điều trị nội khoa sau đó, nhưng nếu không đến trong giờ vàng và được điều trị tốt nhất thì bệnh nhân sẽ không có chút cơ hội nào. Do vậy, người nhà đừng trì hoãn bệnh nhân tại nhà làm mất thời gian vàng", bác sĩ Thắng khuyến cáo.