Tự làm thiết bị dạy nghề, tiết kiệm nửa tỷ đồng
Một hệ thống phin lọc tự xả trên tàu có giá từ 500-600 triệu đồng. Trong khi đó, các giảng viên của Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng tự làm, tận dụng những vật liệu cũ nên chỉ phải bỏ ra 80 triệu đồng để hoàn thành hệ thống này.
Thầy Phạm Văn Sáng - Phó Chủ nhiệm khoa Máy tàu biển cho biết, sản phẩm này phục vụ việc lọc dầu trên tàu. Con tàu lênh đênh trên biển suốt cả tháng, đòi hỏi máy móc phải an toàn, dầu phải sạch.
Trong ngành Hàng hải, khi tàu cập cảng sẽ được kiểm soát chặt chẽ về tỷ lệ lưu huỳnh, đảm bảo không gây ô nhiễm không khí. Thiết bị lọc dầu giúp lọc sạch khí mà con tàu thải ra.
"Gần 20 năm làm nghề đi biển, tôi thấy đa số các em mới xuống tàu làm việc còn yếu nghề. Khi ở Nhật Bản, tôi nhận ra người Nhật giỏi vì họ được học, tiếp cận với máy móc thực tế, hiện đại từ trên ghế nhà trường. Sinh viên của chúng ta còn hạn chế trong việc này", thầy Sáng nói.
Từ những trăn trở đó, các thầy trong khoa đã chế tạo thiết bị dạy học này. Nó có cấu tạo, nguyên lý hoạt động và tỷ lệ giống như thiết bị thật. Được thực hành trên đó, khi xuống tàu, sinh viên có thể vận hành được ngay.
"Đặc biệt, trên nhiều con tàu, thậm chí ở Nhật Bản, hệ thống này được sử dụng bằng tay, còn thiết bị của chúng tôi đã được cải tiến thành hệ thống tự động", thầy Sáng cho biết.
Theo thầy Mai Hùng Tuấn - thành viên của nhóm tác giả, có đến 70% vật liệu được tận dụng lại. Các giảng viên mua vật liệu từ những thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, tận dụng từ cái rơ le, nút ấn trên các con tàu cũ.
Thiết bị này có thể áp dụng cho nhiều đối tượng học. Người học ở cấp thấp dùng nó để học về các thông số trên các thiết bị đo. Khi học nâng cao, thiết bị giúp các em nắm được nguyên lý hoạt động của phin lọc, từ đó biết cách bảo dưỡng, sửa chữa khi nhiên liệu bẩn, nhiệt độ và môi trường xung quanh tác động lên con tàu.
Với đối tượng quản lý, thông qua thiết bị này, họ hiểu được chi tiết nào hay hỏng hóc để "bắt bệnh" thiết bị trong quá trình vận hành.
Ngoài ra, các thợ điện và sỹ quan điện tàu thủy cũng có thể dùng thiết bị này để nghiên cứu, thực hành.
Để chế tạo ra Mô hình hệ thống phin lọc tự xả, các giảng viên dựa vào nguyên lý hoạt động của nó trên các tàu biển hiện đại của Nhật Bản, châu Âu mà họ từng làm việc. Các thầy đều có kinh nghiệm làm thuyền viên, máy trưởng trên 10 năm.
Sinh viên tranh nhau thực hành trên mô hình bàn ăn Á, Âu thông minh
Tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022, khoa Du lịch, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (Hà Nội) dự thi với Mô hình thực hành bàn ăn Á, Âu thông minh. Thiết bị này đã xuất sắc giành giải Nhất.
Cô Phạm Bích Vân - Trưởng khoa Du lịch của nhà trường cho biết, phòng thực hành truyền thống của ngành Nhà hàng, khách sạn có 3 khu vực chính để xe đẩy, tủ đựng đồ và bàn ăn. 3 khu vực này chiếm nhiều diện tích (56m2) và tốn kinh phí đầu tư. Trong khi thực hành, người học tốn thời gian và công sức di chuyển, dễ làm vỡ, đổ dụng cụ.
Những năm qua, khoa Du lịch đến nhiều địa phương, cơ sở đào tạo để đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên các nhà hàng, khách sạn. Một vấn đề nan giải là các đơn vị này không có phòng thực hành. Việc mang theo số thiết bị, dụng cụ dạy học cồng kềnh của nhà trường đến các đơn vị đó rất bất tiện.
Từ thực trạng trên, nhóm tác giả đã sáng tạo ra mô hình thực hành bàn ăn thông minh. Có đầy đủ tủ đồ, xe đẩy, bàn ăn, hệ thống khử khuẩn gói gọn trong mô hình này.
Thiết bị giúp người học tiết kiệm thời gian thực hành, diện tích phòng thực hành, chi phí đầu tư rẻ. Có thể linh hoạt mang thiết bị đến nhiều nơi khác nhau, xe máy cũng vận chuyển được.
Mô hình bàn ăn này có mặt bàn gấp 2 cánh xuống thành kệ trang trí phòng. Bàn mở 1 cánh để trình bày bàn ăn cho 2-4 người, mở 2 cánh có thể đặt bàn ăn cho 6-8 người.
Ở giữa mặt bàn, các giảng viên thiết kế chiếc kệ tròn có thể nâng lên, hạ xuống linh động để đặt hoa trang trí, đồ dùng chung hoặc đồ tráng miệng. Nhóm tận dụng diện tích gầm bàn chia làm 2 phần, một bên là tủ đựng đồ, trong tủ có giá treo ly, cốc và đựng bát, đĩa, khăn ăn; bên còn lại là ngăn kéo để dao, thìa, dĩa, khăn lạnh và các vật dụng khác.
Tủ và ngăn kéo được lắp đèn cảm ứng ánh sáng vàng, tự động sáng khi mở giúp người học nhìn rõ và nhanh chóng lấy đồ thực hành.
Đặc biệt, nhóm lắp thêm đèn UV và bộ hẹn giờ. Sau khi đặt các dụng cụ thực hành vào tủ, người học bật đèn UV và hẹn giờ để khử khuẩn. Một chiếc chuông báo và bộ hẹn giờ dùng để quản lý, điều khiển giờ thực hành của sinh viên.
Nhóm cũng thiết kế thêm bàn giáo viên di động có lắp máy tính kết nối với camera. Giảng viên đẩy bàn đến các nhóm thực hành để chụp ảnh sản phẩm. Sau đó, thầy cô dùng một phần mềm để quét hình ảnh. Nếu sinh viên làm bài chưa đạt yêu cầu, phần mềm sẽ báo sáng tại các lỗi sai.
Thiết bị được áp dụng dạy học tích hợp, thực hành cho 9/15 bài của mô đun Nghiệp vụ phục vụ bàn, 8/12 bài của mô đun Nghiệp vụ pha chế đồ uống.
"Chúng tôi họp bàn ý tưởng hết nửa năm, thi công trong hơn 1 tháng. Chi phí cho mô hình này khoảng 17 triệu đồng. Ban đầu, chúng tôi chỉ định tận dụng gầm bàn làm ngăn kéo, giá treo dụng cụ nhưng như vậy là chưa đủ. Trong nửa năm, mỗi người góp thêm các ý tưởng lắp đèn cảm ứng, đèn UV, chuông hẹn giờ, máy sấy,…
Chúng tôi đưa mô hình vào dạy học, sinh viên tranh nhau thực hành trên thiết bị mới lạ này", cô Vân nói.
Để hoàn thành mô hình này, nhóm tác giả phải kết hợp với các giảng viên kỹ thuật và công nghệ của nhà trường.
Nữ giảng viên chế tạo thiết bị dạy những nghề ít "nữ tính"
Tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng cũng ghi dấu ấn với một nữ giảng viên tham gia chế tạo Mô hình trang bị điện lạnh công nghiệp. Mô hình được ứng dụng vào dạy những nghề dường như ít "nữ tính".
Cô Nguyễn Thị Hoa - Giảng viên khoa Điện của nhà trường, thành viên của nhóm tác giả cho biết, những thiết bị của nhà trường đã cũ, ít được cập nhật, không đồng nhất với mục đích dạy và học của thầy trò.
Một số mô hình chỉ có giá trị quan sát, nếu người học sử dụng nhiều lần sẽ dễ hư hỏng. Từ đó, nhóm giảng viên nảy ra ý tưởng tự cải tiến mô hình hiện có của nhà trường theo hướng tăng giá trị sử dụng. Người học được thoải mái thực hành để hình thành kỹ năng. Mô hình cải tiến có thể tiết kiệm tối đa vật tư tiêu hao.
Trước kia, mô hình cũ chỉ sử dụng được cho một hệ thống lạnh cụ thể. Còn mô hình cải tiến có thể kết hợp với nhiều hệ thống lạnh khác nhau. Sinh viên có thể thiết kế, lắp đặt các mạch điều khiển theo những yêu cầu đa dạng của giảng viên. Mô hình được bố trí các tấm panel có thể nhấc rời để bổ sung, dàn trải, kết hợp với các thiết bị mới khi cần.
Để tiết kiệm, nhóm sử dụng các vật tư sẵn có của nhà trường, "bóc" những máy lạnh cũ ra để tận dụng các bộ phận còn sử dụng được. Thiết bị nào cần mua mới sẽ được nhà trường đầu tư.
Chi phí cho mô hình này chưa đến 20 triệu đồng, rẻ bằng một nửa so với giá thị trường.
"Quan trọng nhất là chúng tôi thiết kế để khai thác tối đa chức năng của mô hình, phù hợp với điều kiện giảng dạy. Những thiết bị trên thị trường đắt đỏ hơn nhưng không phù hợp với mục đích dạy và học của thầy trò", cô Hoa nói.
Là giảng viên nữ duy nhất, lại có con nhỏ, cô Hoa vừa đi dạy, chăm lo đời sống gia đình vừa tham gia chế tạo thiết bị. Quỹ thời gian hạn chế là khó khăn lớn nhất với cô, phần nào khiến cho thời gian hoàn thành thiết bị kéo dài gần 1 năm.
Nhóm thống nhất tranh thủ những giờ nghỉ và cuối tuần để làm. Mỗi người được phân chia công việc cụ thể, chủ động làm và báo cáo kết quả sau mỗi giai đoạn.
Sáng tạo thiết bị dạy nghề nảy sinh từ những thiếu thốn
Bà Lê Thị Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng cho biết, để đáp ứng thời lượng giảng dạy 70% thực hành, 30% lý thuyết, đội ngũ giảng viên của nhà trường vốn là các thợ lành nghề đã chủ động sáng tạo các thiết bị dạy nghề.
"Tôi mong muốn những hội thi thiết bị đào tạo tự làm được mở rộng hơn nữa, thực sự trở thành ngày hội của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Hội thi tại Vũng Tàu vừa qua thực sự là ngày hội của trí tuệ và sáng tạo. Nó như một dòng xoáy cuốn hút tất cả các cơ sở tham gia", Bà Huyền nói.
Ông Lã Đình Kế - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng cho rằng, muốn dạy cho người học vững kiến thức, giỏi kỹ năng thì song song với trình độ của giảng viên, các thiết bị dạy học cũng quan trọng hàng đầu.
3 yếu tố là nhà giáo, giáo trình và thiết bị giảng dạy quyết định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế, đội ngũ nhà giáo cần chủ động thiết kế thiết bị giảng dạy.
"Sự sáng tạo nảy sinh từ những khó khăn, thiếu thốn của chúng tôi. Nó góp phần quyết định sự thành công của nhà trường. Có thể sản phẩm của các thầy cô chưa được hiện đại, đẹp mắt nhưng rất thực tế và hiệu quả trong việc giảng dạy.
Những thiết bị đó một phần thể hiện năng lực của giảng viên. Viết tài liệu, giáo trình dạy học và thiết kế thiết bị dạy học là những tiêu chí thi đua hàng năm mà chúng tôi đặt ra cho các thầy cô. Nhà trường động viên bằng cách khen thưởng, giảm giờ dạy hàng năm cho các giảng viên tham gia vào những việc đó", ông Kế cho biết.