Dân Việt

Làm gì để tránh bị theo dõi qua email?

Hoàng Nam 28/01/2023 18:00 GMT+7
Địa chỉ email là dấu vết kỹ thuật số để các công ty theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng mạng và nhắm mục tiêu quảng cáo.


Đừng chia sẻ địa chỉ email vô tội vạ - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều trang web và ứng dụng yêu cầu một thông tin cơ bản mà nhiều người dùng sẵn sàng cung cấp không do dự, địa chỉ email. Có vẻ vô hại, nhưng thực tế, khi tiết lộ email, người dùng mạng đang chia sẻ nhiều thông tin cá nhân về hoạt động trực tuyến.

Đối với các nhà quảng cáo, trang web và nhà sản xuất ứng dụng, địa chỉ email tiết lộ những trang web mà người dùng thường xuyên sử dụng, từ đó họ có thể phân phối các quảng cáo có liên quan nhất.

Công cụ nhắm mục tiêu quảng cáo

Trong nhiều thập kỷ, ngành quảng cáo kỹ thuật số đã dựa vào cookie, phần mềm theo dõi được cài đặt bên trong các trang web và ứng dụng để theo dõi các hoạt động của người dùng, từ đó phân phối quảng cáo cá nhân hóa. Nhưng hệ thống này đang dần bị "lật tẩy".

Apple phát hành một tính năng phần mềm vào năm 2021 cho phép người dùng iPhone chặn các ứng dụng theo dõi họ. Và Google sẽ ngăn các trang web sử dụng cookie trong trình duyệt Chrome vào năm 2024.

Và email là công cụ thay thế. Địa chỉ email có thể tiết lộ trường học, các thiết bị mà chủ sở hữu sử dụng, thậm chí cả giới tính và dân tộc.

Đừng chia sẻ địa chỉ email vô tội vạ - Ảnh 2.

Nhiều trang web và ứng dụng yêu cầu người dùng chia sẻ địa chỉ email để đổi lại mã khuyến mại. Ảnh: Claspo.

“Từ địa chỉ email, chúng tôi có thể tìm ra dữ liệu mà người dùng thậm chí không nhận ra rằng mình đã cung cấp cho một thương hiệu", Michael Priem, Giám đốc điều hành Modern Impact, một công ty quảng cáo ở Minneapolis, cho biết.

Email thay thế cookie và các tính năng theo dõi "ẩn mình" thông qua công nghệ có tên Unified ID 2.0 hoặc UID 2.0, được phát triển bởi Trade Desk, một công ty công nghệ quảng cáo ở Ventura, California.

Giả sử một người đang mua sắm trên trang web giày thể thao có tích hợp UID 2.0. Một cửa sổ sẽ bật lên và yêu cầu chia sẻ địa chỉ email để quảng cáo có liên quan, đổi lại người dùng có thể sẽ được nhận một mã khuyến mãi nhất định. Nếu họ tuân thủ, UID 2.0 sẽ biến email thành một mã thông báo bao gồm một chuỗi các chữ số và ký tự.

Mã thông báo này sẽ "gắn liền" với địa chỉ email, cho đến khi người dùng tiếp tục sử dụng email để đăng nhập vào một trang web khác, hay một ứng dụng trên TV hoặc điện thoại cũng tích hợp UID 2.0.

Đừng chia sẻ địa chỉ email vô tội vạ - Ảnh 3.

Nhờ manh mối là địa chỉ email, quảng cáo cá nhân hóa có thể bám theo một người dùng cho dù họ thay đổi thiết bị từ máy tính sang điện thoại hay TV. Ảnh: Cnet.

Nhờ mã thông báo, nhà quảng cáo biết rằng các tài khoản trên một loạt các trang web và ứng dụng thuộc các nền tảng khác nhau cùng thuộc về một người dùng. Cuối cùng, trang web giày thể thao có thể gửi quảng cáo giày đến TV và điện thoại của người dùng.

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao mình vẫn tiếp tục thấy các quảng cáo cá nhân hóa theo sát mọi hoạt động duyệt web, cho dù sử dụng trình duyệt hay điện thoại với các công cụ bảo mật chống theo dõi kỹ thuật số, thì rất có thể nguyên nhân là địa chỉ email.

Làm gì để tránh bị theo dõi qua email?

Có một vài cách để tránh bị các công ty quảng cáo nhắm mục tiêu thông qua địa chỉ email.

Đầu tiên, người dùng có thể sử dụng một loạt các địa chỉ email khác nhau. Mỗi khi một trang web hoặc ứng dụng yêu cầu email của bạn, hãy tạo một địa chỉ dành riêng để đăng nhập trang web hoặc ứng dụng đó, chẳng hạn như tuananhnetflix@gmail.com cho các ứng dụng và trang liên quan đến phim.

Đừng chia sẻ địa chỉ email vô tội vạ - Ảnh 4.

Hộp thư của người dùng dễ rơi vào tình trạng ngập thư rác nếu chia sẻ địa chỉ email với quá nhiều nhà quảng cáo. Ảnh: Kim Komado.

Cách này khiến các công ty công nghệ quảng cáo khó xây dựng hồ sơ xuyên suốt các trang và ứng dụng dựa trên manh mối là địa chỉ email của bạn. Đồng thời, khi một trong các email nhận được thư rác, người dùng sẽ biết trang web hoặc ứng dụng tương ứng nào đang chia sẻ dữ liệu của mình với bên thứ ba.

Tuy nhiên đây là một cách tiếp cận cực đoan vì sẽ tốn thời gian để quản lý quá nhiều địa chỉ email và mật khẩu.

Một cách khác là sử dụng các công cụ che giấu email. Apple và Mozilla cung cấp các công cụ tự động tạo bí danh email để đăng nhập vào ứng dụng hoặc trang web. Thư điện tử gửi đến địa chỉ bí danh sẽ được chuyển tiếp đến địa chỉ email thực của người dùng.

Tuy nhiên, công cụ này của Apple đi kèm dịch vụ iCloud+ và có giá khoảng 1 USD mỗi tháng. Công cụ Firefox Relay của Mozilla sẽ tạo 5 bí danh email miễn phí, nhưng sẽ tính phí khoảng USD mỗi tháng cho mỗi bí danh tiếp theo.

Cách đơn giản nhất, nhưng không phải mọi trang web đều có lựa chọn này, là không cung cấp email. Mặt khác, nếu thích nhận quảng cáo cá nhân hóa và không lo ngại về lọt lộ hoạt động trực tuyến, người dùng có thể chấp nhận chia sẻ thông tin về bản thân.