Dân Việt

Cà Mau: Lớp học “vỡ lòng” của U60, U70

Hữu Việt Tâm 28/01/2023 14:27 GMT+7
Học viên của lớp học tình thương ở Gò Công và Sào Lưới đa phần là những phụ nữ nghèo, đến những cô, chú tóc đã điểm nhiều sương trắng nhưng vẫn đều đặn đến trường.
Cà Mau: Lớp học “vỡ lòng” của U60, U70 - Ảnh 1.

Học viên của lớp học tình thương ở Gò Công và Sào Lưới đa phần là những phụ nữ nghèo, những cô, chú tóc đã điểm nhiều sương trắng nhưng vẫn đều đặn đến trường.

U60, U70 đi học

Xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau lâu nay khá nổi tiếng với 2 cửa biển là Gò Công và Sào Lưới. Đa phần chị em nơi đây sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, mò cua, bắt ốc, làm thuê làm mướn phải chạy lo ăn từng bữa nên cuộc sống rất vất vả.

Bởi thấy nhiều phụ nữ ở các cửa biển trong xã không biết đọc, biết viết. Đó là thiệt thòi lớn cho chị em trong cuộc sống thường nhật.

Chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Việt Khái xin ý kiến Đảng ủy, UBND xã để mở lớp học trên tinh thần như thế.

Tháng 8/2015, lớp học tình thương của chị An ra đời và trụ sở Sinh hoạt văn hóa của ấp Gò Công trở thành phòng học đặc biệt. Khi ấy, lớp học chỉ với 3 học viên tham gia nhưng bằng sự chân thành của chị, ngày càng có nhiều người tham gia lớp học.

Cà Mau: Lớp học “vỡ lòng” của U60, U70 - Ảnh 2.

Lớp học tình thương mượn tạm điểm lẻ của trường tiểu học ở Sào Lưới.

Các đợt học của lớp dạy chữ cửa biển Gò Công cứ thế duy trì, giúp cho nhiều chị em biết đọc, viết và nhiều chị em dân tộc Khmer cũng rành tiếng Việt hơn. Tiếp nối hiệu quả, lớp học tình thương ở cửa biển Sào Lưới là nơi thứ 2 Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái đứng ra tổ chức trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Thao, 74 tuổi được giới thiệu là học viên lớn tuổi và chăm chỉ nhất của lớp. Ở độ tuổi mắt mờ, tay run nhưng chỉ sau 2 tháng học tập, bà Thao đã có thể tự viết tên mình với niềm phấn khởi ngời lên trong ánh mắt.

“Mưa nắng gì mình cũng đi học hết, có người nói già rồi học làm gì nhưng mình kệ chứ mình học cho biết chữ, giờ viết được cái tên tui nè, đọc được bài nên quý lắm”, bà Nguyễn Thị Thao, ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân cười hiền chia sẻ.

Cà Mau: Lớp học “vỡ lòng” của U60, U70 - Ảnh 3.

Bà Thao nắn nót từng nét chữ.

Không chỉ có các bà, các mẹ theo học, lớp học tình thương ở cửa biển Sào Lưới còn có cả nam giới đăng ký. Ông Nguyễn Văn Sang, ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái cũng đã hơn 60 tuổi không ngại ngần mà đều đặn đến lớp.

Ông Sang được mọi người ví von là “đẹp trai nhất lớp” nói: “Ngày trẻ do không có điều kiện đi học nên không biết chữ, giờ đi chợ thấy bảng hiệu có chữ mà không biết đọc nên coi hình thôi. Nhưng giờ có lớp học mừng lắm, ai nói già rồi còn học mình cũng không ngại vì mình ráng đi học cho biết chữ, biết viết”.

Bây giờ, ông Sang có thể cười đầy tự hào khoe rằng mình đi chợ đọc được bảng hiệu, rồi biết viết tên mà từ bấy lâu nay ông luôn ao ước.

Nét chữ trong vở tập viết “Nguyễn Văn Sang” được lặp lại từ trang này sang trang khác, tuy chưa ngay ngắn nhưng to, rõ nét và chứa đựng cả sự quyết tâm của người đàn ông U60 này.

Tấm lòng người cán bộ phụ nữ

Lớp học ở cửa biển Sào Lưới thường do chị Trương Kim Lến, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái đứng lớp.

Chị Lến cho biết, lúc đầu chị đi họp tổ phụ nữ thấy có một vài chị không ghi được tên nên nghĩ là ít, nhưng sau khi hỏi thăm thì mới biết còn nhiều chị em chưa biết đọc, biết viết nhưng ngại. Từ đó, chị Lến mới bàn với chị An để mở lớp dạy chữ ở cửa biển Sào Lưới.

Cà Mau: Lớp học “vỡ lòng” của U60, U70 - Ảnh 4.

Ông Sang được mọi người ví von là “đẹp trai nhất lớp”.

Khi hỏi về sự kiên nhẫn khi dạy chữ cho những cô chú lớn tuổi thì chị Trương Kim Lến chia sẻ: “Lúc đầu mình phải chỉ, viết mẫu, kèm từng chữ trước cho mấy anh mấy chị. Mình thấy mấy anh, chị, cô chú rất chịu khó nên dạy là cố gắng làm theo, rồi gia đình mình ngay cả con cháu trong nhà cũng ủng hộ mình, tới giờ là nhắc hỏi: ‘Nay bà không đi qua lớp dạy học sao?’”.

Chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái nói thêm: “Lớp học ở cửa biển Sào Lưới bắt đầu khá trễ là 16h30, dù cả ngày bận rộn với công việc mưu sinh nhưng các học viên đặc biệt này rất chăm chỉ, phấn chấn khi đi học. Khi các cô, chú viết được họ tên mình lên bảng thì không chỉ các học viên xúc động mà mình còn vui hơn nhiều lần nữa. Tuy không đem lại giá trị vật chất nhưng lại thấy mình an ủi được về giá trị tinh thần”.

Cà Mau: Lớp học “vỡ lòng” của U60, U70 - Ảnh 5.

Bà Thao đánh vần từng nét chữ trên bảng.

Sẽ có ý kiến cho rằng việc xóa mù chữ cho học viên lớn tuổi cũng không để làm gì. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến niềm vui của những cô chú tuổi ngoài 60 nắn nót viết tên mình, lần dò từng nét chữ để đánh vần và đọc tròn câu tập đọc thì mới thấy được giá trị nhân văn như thế nào.

Niềm vui rưng rưng nơi khóe mắt khi thấy cụ bà Nguyễn Thị Thao khom người sát mặt bàn mà nắn nót từng nét chữ hay tay run run cầm cây thước đánh vần từng chữ cái. Đó không chỉ là thành quả của sự cố gắng mà còn là tấm gương để con cháu noi theo tinh thần hiếu học, vượt khó.

Ở nơi cửa biển nghèo, xa xôi ấy, những phụ nữ lớn tuổi có thể học được cái chữ cũng phần nào giúp họ tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện thông tin, tri thức và hơn hết là bảo vệ chính mình, hướng đến bình đẳng giới trong xã hội. Và những lớp dạy chữ như thế này lại càng trở nên đáng giá hơn bao giờ hết.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký tặng bằng khen cho chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.