Nguyễn Công Trứ là con của quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp. Ông đã từng viết: Làm trai đứng ở trong trời đất; Phải có danh gì với núi sông.
Năm 1820, khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên ở trường thi hương trấn Nghệ An. Từ đây, ông bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của mình. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca. Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú...
Năm Tự Đức thứ nhất 1847, ông được triều đình cho về nghỉ với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Theo gia phả của tộc Nguyễn thì cụ mất vào ngày 15 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858). Tuy đã gần 153 năm trôi qua, nhưng những giai thoại về Nguyễn Công Trứ từ Bắc vào Nam vẫn còn được người đời truyền tụng mãi và giai thoại dưới đây là một minh chứng.
Chuyện kể rằng, vào ngày mồng Một tháng Mười một năm Mậu Tuất (1778), tại tư gia của viên quan tri huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, bà huyện họ Nguyễn, sau cuộc vượt cạn kinh hoàng đã sinh hạ được một cậu con trai thân dài, trán rộng, mũi cao. Vừa mới lọt ra khỏi lòng mẹ, cậu bé đã tỏ ngay sự ngông bướng của mình bằng cách không chịu mở mắt nhòm đời và không thèm mở miệng khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác. Người nhà đưa hết nồi đồng, mâm thau đến khua gõ liên hồi, cậu cũng điềm nhiên mặc! Chỉ đến khi cả đám người lớn đã mỏi rã rời, xuôi tay lắc đầu thì cậu mới dõng dạc cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng!
Người cha của đứa bé mừng khôn xiết, vì ông vốn hiếm muộn, năm đó đã ngót nghét lục tuần mới có được cậu con trai nối dõi. Là một nhà Nho hay chữ, nghĩ đây cũng là một điềm triệu báo điều hỷ, ông bèn ra thư phòng lấy giấy bút đặt tên cho con trai. Ông chọn cho cậu quý tử bướng bỉnh tên húy là Củng - theo chữ Nho có nghĩa là bền chặt, vững vàng; còn tên chữ là Trứ - nghĩa là rõ ràng, nổi trội. Cậu bé đó chính là Uy Viễn tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ và cũng là nhà thơ trác việt kiêm tay chơi số một thời bấy giờ. Cả cuộc đời của cậu Củng - Trứ về sau quả đúng như những quan sát của dân gian và ước vọng thầm kín của người cha già - bền gan vững chí và lẫy lừng sáng tỏ!
Nhưng đó chỉ mới là cái ngông khởi đầu. Tới tận khi đón cái chết, Nguyễn Công Trứ vẫn ngông. Vì trước khi sang thế giới bên kia, cụ dặn con cháu không nên bày cuộc tang lễ để khỏi tốn kém, làm khổ dân làng, mà cứ để cụ nằm nguyên trên chõng như khi đang ngủ, thả xuống huyệt là xong! Tiếc rằng, chuyện về hậu sự của cụ Nguyễn Công Trứ chỉ được người đời xưa truyền lại tới đó, mà không ai biết các con cháu có dám nghe theo lời cụ hay không?
Cứ theo nội dung của giai thoại trên đây thì cụ Nguyễn Công Trứ quả là một người có cá tính đặc biệt. Và nói theo cách nói của các cụ đồ Nho ngày xưa thì cụ Trứ quả thật là một chí sĩ có tài và ngông nghênh ngay từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến tận lúc chết. Theo sách xưa, nếu đúng là cụ được sinh ra vào ngày mồng Một, tức là chọn đúng ngày Sóc để đến nhập “cuộc tang bồng” và khi mất lại đúng vào ngày Vọng - trăng tròn (ngày rằm) để vĩnh viễn “rũ trường danh lợi”, thì quả là kính, đáng nể.
Thế nhưng, ý nghĩa của giai thoại trên lại không phải là ở đó, mà là ở đức tính cương trực, thẳng thắn và tấm lòng giản dị, khoáng đạt, không cố chấp của một bậc hiền triết với văn võ song toàn. Đường đường cũng đã từng là một vị quan đại thần với chức Thượng thư trong triều, vậy mà khi qua đời cụ lại yêu cầu con cháu cứ đặt mình nằm trên chiếc chõng tre rồi chôn xuống đất, chẳng cần quan tài cũng không cần kim tĩnh và đám tang thì không bày vẽ để khỏi phiền hà, tốn kém công sức của dân làng. Tiếc rằng ngày nay vì “Phú quý sinh ra bày vẽ”, nên hậu thế không mấy ai học và hiểu được đạo lý và lễ nghĩa ở đời. Bởi thế cho nên mới có người bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để xây mồ mả cho ông bà, cha mẹ mà khi còn sống họ chỉ là những người bình thường. Trong khi đó, ngay trong dòng tộc của những người này vẫn còn có không ít gia đình phải lo chạy ăn từng bữa, lo kiếm từng đồng để cho con cái khỏi bị thất học, thật đáng buồn thay!