Tại AFF Cup 2022, Tiến Linh đã ghi được 6 bàn thắng và cùng với Teerasil Dangda đứng đầu danh sách ghi bàn. Anh giúp bóng đá Việt Nam lập nên lịch sử khi lần đầu tiên có cầu thủ đoạt danh hiệu Vua phá lưới ở AFF Cup.
BTC bầu chọn giải Quả bóng vàng châu Á rất ấn tượng về phong độ ghi bàn của Tiến Linh. Họ đã liệt kê anh vào danh sách đua tranh bên cạnh những ngôi sao sáng nhất bóng đá châu lục như Son Heung-min, Kim Min-jae và dĩ nhiên có cả Mitoma, cầu thủ châu Á đang thi đấu nổi bật nhất ở thời điểm này.
Tương tự thành tích tại AFF Cup của Tiến Linh nhưng Dangda không có tên. Điều đó chứng tỏ những bàn thắng của tiền đạo ĐT Việt Nam xem ra có sức nặng hơn (tất cả đều từ các pha phối hợp trong khi Dangda ghi 2 bàn tại AFF Cup từ chấm penalty).
Tại CLB, Tiến Linh cũng khép lại mùa giải 2022 thành công với 9 bàn thắng, đứng thứ 2 trong danh sách các chân sút nội tốt nhất V.League. Tất cả đang cho thấy sự xuất sắc của ngôi sao này.
Nhưng nhìn một cách khách quan thì việc lọt tới danh sách đề cử Quả bóng vàng châu Á đã là đỉnh cao của Tiến Linh, bởi anh khó mà so bì với những ứng viên khác, những người đã vươn tầm thế giới, thi đấu ở các giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh như Son Heung-min, Takehiro Tomiyasu, Shomurodov...
Giải thưởng Quả bóng vàng châu Á do tạp chí Titan Sports của Trung Quốc tổ chức từ năm 2013. Giải bầu chọn cầu thủ châu Á và cả cầu thủ từ châu lục khác đang thi đấu tại châu Á. Vậy nên trong danh sách đề cử có cả Ighalo (Nigeria) hay Olunga (Kenya).
Năm nay là lần thứ 10 của giải và Tiến Linh đã có 2 lần được đề cử. Trong khi đó, người được tôn vinh nhiều nhất là Son Heung-min với 7 lần vào các năm 2014, 2015, 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. 2 năm còn lại, vinh quang thuộc về Keisuke Honda (2013) và Shinji Okazaki (2016), những ngôi sao từng khoác áo ĐT Nhật Bản.
Năm nay, bên cạnh Tiến Linh thì bóng đá Đông Nam Á cũng góp 2 đại diện khác ở danh sách đề cử là Theerathon Bunmathan và Ikhsan Fandi.