Trong thời tiết mưa phùn của Hà Nội những ngày đầu xuân, từ sáng sớm, rất nhiều người đã có mặt ở Nhà tang lễ Quốc gia để tiễn biệt NSND Thái Thị Liên. Họ là người thân của bà, là những thế hệ học trò đã từng may mắn được bà dạy bảo, cũng là bạn bè, đồng nghiệp của các con cháu bà – những người đều đã thành danh trong nước và quốc tế.
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam xúc động nói: "Tôi may mắn từng được theo học nghệ sĩ Thái Thị Liên, người mà tôi vẫn thân thương gọi là bác vào những năm 1963 – 1964. Khi ấy, bác Liên và chồng – nhà văn Đặng Đình Hưng là những người rất thân thiết với gia đình.
Tôi vẫn nhớ không gian ngôi nhà của bác khi ấy, với chiếc đàn piano hiếm hoi thời bấy giờ, tuần lên nốt 2 lần, ở đó, bác đã chỉ dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên về âm nhạc.
Sự nghiệp của NSND, NGND Thái Thị Liên luôn là gương sáng cho các thế hệ sau. Cả cuộc đời bà cống hiến cho âm nhạc, cho những thế hệ học trò. Ở bà có tình yêu nước, niềm say mê nghệ thuật, khao khát vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật chuyên nghiệp. Cũng bởi thế, bà đã góp phần đưa con trai – nghệ sĩ Đặng Thái Sơn thành một trong những nghệ sĩ piano xuất sắc của thế giới".
Ông cũng cho biết thêm, vào ngày mùng 7 Tết, khi nhạc sĩ cùng những người bạn tới thăm bà, bà đã mệt nhưng vẫn nhận ra từng học trò một. "Tôi vẫn luôn giữ những ký ức đẹp về bà, cầu mong bà thanh thản, và vẫn luôn dõi theo các thế hệ học trò chúng tôi".
Bà Hoàng Ly (77 tuổi, Hà Nội) không ngừng rơi nước mắt trong thời gian diễn ra tang lễ. Là học trò của NSND Thái Thị Liên từ khi còn là học sinh Sơ cấp tại Nhạc viện Hà Nội, với bà Hoàng Ly, đó không chỉ là một người thầy, mà còn là người mẹ: "Bà nghiêm khắc nhưng rất yêu học sinh. Chỉ cần thấy tôi ho hắng hay có vấn đề về sức khoẻ, bà liền nhắn gặp mẹ tôi, tìm cách giúp đỡ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà vỗ vỗ vào vai mỗi khi tôi quá tập trung vào bài thi, bà bảo: "Thở đi, thở đi". Với bất kỳ học trò nào cũng vậy, ngoài cho chúng tôi một nghề nghiệp, bà còn dạy tôi cách sống".
Trong bài điếu văn tại tang lễ, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định: "Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta có mặt tại đây để tiễn đưa một huyền thoại – NSND, NGND Thái Thị Liên, một trong 7 người sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ piano, cây đại thụ của nền âm nhạc cổ điển".
Ông khẳng định, những cống hiến lớn lao của bà cho nền âm nhạc Việt Nam cả về lĩnh vực biểu diễn và đào tạo: "Theo truyền thống gia đình, bà bắt đầu học piano từ năm 4 tuổi và sau này được học nhiều nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp tại Sài Gòn. Bà rời Sài Gòn sang Pháp du học để theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, tuy nhiên thời cuộc khiến việc học hành bị gián đoạn. Bà theo chồng sang Tiệp Khắc năm 1949, chỉ trong 2 năm đã tốt nghiệp xuất sắc tại Nhạc viện Praha. Năm 1951, bà trở về Việt Nam, hoạt động tại Việt Bắc, tham gia Đoàn Văn công TW. Khi hoà bình lập lại, bà trở thành một trong những thành viên tích cực nhất tham gia đặt nền móng cho nền âm nhạc chính quy của Nhà nước cách mạng còn non trẻ.
Bà là tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, nhiệt tâm, hết lòng vì học trò. Bà truyền cho học trò niềm say mê với cây đàn, tính trung thực cả trong nghệ thuật lẫn ngoài đời. Bà luôn ân cần, yêu thương, giúp đỡ học trò cả về vật chất lẫn tinh thần".
Sau bài đáp từ, con trai cả của nghệ sĩ Thái Thị Liên - kiến trúc sư Trần Thanh Bình đọc thư gửi mẹ. Ông nghẹn ngào: "Má yêu ơi, 5 ngày qua, chúng con như trong mộng. Má đi thật rồi sao? Làm sao chúng con có thể tin nổi bởi chúng con đã quá quen với hình bóng má ở đây rồi"...
"Má ơi, từ khi rời khỏi ngôi nhà của ông bà ngoại, má đã bị cuốn vào cơn phong ba của thời cuộc, chính trị, đối mặt với những khó khăn về vật chất và tinh thần. Có lẽ, con sẽ ám ảnh tới suốt cuộc đời hình ảnh những ngày tháng đúng bảy chục năm về trước, má từ một tiểu thư nhung lụa, một mệnh phụ danh giá, một bước trở thành goá phụ ôm đứa con mới sinh, đêm 30 Tết hôn mê không biết đi về đâu, giữa vùng núi xa lạ.
Cho đến tận bây giờ, cả ba chị em con không hình dung được bằng cách nào, trong một thời gian dài, má đã lo được cho cả gia đình 8 người, cả con mình, con chồng. Chứng kiến những lần má vượt khó mới biết vì sao má thương người, truyền cho chị em con sự kiên trì và nghị lực. Má thường nói má là người vô sản, nhưng có tài sản vô giá là các con. Khi Sơn thành danh, má tự hào khoe là mẹ của Đặng Thái Sơn. Khi chị Hà được nhận Huân chương Anh hùng Lao động, má nói mình là mẹ của Anh hùng Lao động rồi.
Bên má chúng con chưa bao giờ có mặc cảm mồ côi cha, bởi má vừa là mẹ, vừa là cha".
KTS Trần Thanh Bình cũng chia sẻ, vào 5 năm trước, bà Thái Thị Liên đã chuẩn bị hậu sự cho mình. Bà dặn dò tiền phúng viếng sẽ được trao cho Bệnh viện Lao phổi Trung ương, nơi từng cứu sống bà hơn 60 năm trước. Ước nguyện thứ hai của bà là được nghệ sĩ Đặng Thái Sơn - con trai út - chơi bản "Funeral March" của Chopin trong tang lễ.
Tiếng đàn của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn vang lên trước giờ đưa linh cữu bà về nơi an nghỉ khiến rất nhiều giọt nước mắt rơi xuống trong khuôn viên Nhà tang lễ Quốc gia. Các con bà, những thế hệ học trò của bà mái tóc đều đã bạc, nhưng với họ, những ký ức về một người mẹ, một người thầy nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất và đầy trí tuệ dường như vẫn vẹn nguyên.
Và có lẽ, bất kỳ ai cũng khao khát được sống một cuộc đời dài rộng, vĩ đại và đáng tự hào như vậy...