Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vừa khởi tố bị can đối với ông Đỗ Đình Tám, 66 tuổi về tội chống người thi hành công vụ.
Theo điều tra, ngày 2/2, tổ công tác Công an TP Hòa Bình làm nhiệm vụ tại phường Tân Hòa phát hiện ôtô do ông Tám điều khiển có dấu hiệu vi phạm, nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Tài xế không chấp hành hiệu lệnh mà quay đầu bỏ chạy, lao xe vào công an và chỉ dừng lại khi tông vào xe máy của lực lượng chức năng.
Ông Tám ngồi trên xe lăng mạ công an trước khi xuống xe, tấn công thượng úy Vũ Huy Thành khiến cán bộ này bị rạn đốt xương ngón tay, tổn thương phần mềm và phải vào viện điều trị.
Lực lượng chức năng đã khống chế tài xế này, đưa về trụ sở làm việc và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.
Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Tám có nồng độ cồn ở mức 1,163 mg/l khí thở, cao gấp 3 lần mức kịch khung theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tình trạng tài xế uống rượu bia say xỉn sau đó vẫn cố tình điều khiển phương tiện nếu cơ quan công an không phát hiện kịp thời, rất có thể sẽ gây tai nạn hết sức thảm khốc. Vì thế hành vi của ông Tám là nguy hiểm cho xã hội.
Điều đáng chú ý ở tài xế này, mặc dù biết mình phạm lỗi sử dụng rượu bia nhưng đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà quay đầu bỏ chạy, lao xe vào công an và chỉ dừng lại khi tông vào xe máy của lực lượng chức năng.
Theo luật sư Khuyên, cần làm rõ hành vi "lao xe vào công an" với động cơ, mục đích gì vì hành vi này khá nguy hiểm, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ.
Tài xế buộc phải nhận thức được rằng nếu lao xe với tốc độ cao vào người làm nhiệm vụ phía trước, rất có thể gây chết người, hành vi này cũng có thể bị xem xét về tội Giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt quy định tại Điều 15 và Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Diễn biến hành vi của tài xế sau đó, tiếp tục chống đối bằng cách ngồi trên xe lăng mạ công an trước khi xuống xe, khi xuống xe thì tấn công khiến cán bộ công an bị rạn đốt xương ngón tay, tổn thương phần mềm và phải vào viện điều trị.
Vị luật sư cho rằng, hành vi của đối tượng là rất hung hãn và manh động nên việc cơ quan công an khống chế bắt giữ để xem xét về tội chống người thi hành công vụ là đúng quy định.
Theo quy định pháp luật, hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, tội giết người… tuỳ thuộc vào dấu hiệu cấu thành tội phạm, tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi đã thực hiện.