Sáng ngày 5/2, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề Nhịp điệu mới được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long - Di tích Quốc gia đặc biệt, Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh. Sau 20 lần tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, đây là lần đầu tiên ngày thơ được diễn ra tại địa điểm mới.
Trong khuôn khổ chương trình Ngày thơ Việt Nam, sáng nay (5/2) Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ trì tọa đàm: Thơ Hiện nay với Hôm nay, trong đó có sự tham gia của nhiều thế hệ nhà thơ, cùng nhiều nội dung thảo luận, làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại.
Chia sẻ trước toạ đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho biết: "Chúng tôi đã nhận được rất nhiều bản tham luận với nội dung sâu sắc chi tiết với những ý kiến đóng góp vô cùng cấp thiết cho nền thi ca nước nhà. Tuy nhiên do thời lượng thời gian không cho phép chúng tôi xin được chọn ra 8 tham luận chính đề cập đến hai nhóm chủ để chính, cũng là hai câu hỏi lớn được nhiều nhà thơ đề cập đó là: "Thơ hiện nay đang như thế nào? và Thơ hiện nay nên như thế nào?".
Mở đầu cho toạ đàm Thơ Hiện nay với Hôm nay, nhà thơ Trần Anh Thái đã đặt ra một câu hỏi khiến toạ đàm có nhiều trăn trở: "Người đọc lạnh nhạt với thơ là tại nhà thơ hay tại bạn đọc?". Cụ thể, trong bài tham luận dài, nhà thơ Trần Anh Thái đã đề cập đến thực trạng thơ hiện nay, ông nhận định, trong những năm gần đây thơ đã có một sức sống mới, một diện mạo mới. Bằng chứng là nó đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với muôn vàn quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng thơ, phong cách sáng tác.
Nói một cách chính xác, thơ hiện đại mang một hơi thở mới, một thẩm mỹ mới, một chức năng mới với nhiều cách thể hiện cũ, mới, quen và lạ, vừa giống vừa không giống ai... Một bên là các nhà thơ, đi sâu khám phá bản thân, một mặt không xa rời ý thức trách nhiệm xã hội. Đây là thành tựu và là sự sáng tạo không mệt mỏi.
Tuy nhiên thành tựu đáng mừng ấy vẫn khiến những người làm thơ chân chính không tránh khỏi những lo lắng, nhà thơ Trần Anh Thái nói thêm: "Đội ngũ người làm thơ rất đông. Không phải một ngàn mà có lẽ hàng chục ngàn người. Thơ có mặt ở mọi nơi, nơi nào có người là có thơ, câu lạc bộ thơ. Hàng trăm hàng ngàn câu lạc bộ thơ ra đời, mỗi câu lạc bộ hoạt động một kiểu, tùy thích. Thơ in ra nhiều, mỗi năm các nhà xuất bản in cả ngàn tập thơ. Người làm thơ cứ có tiền là in thơ, bất chấp thơ hay, thơ dở.
Không ít người cho rằng: Thơ ca nói riêng, văn học nói chung đang hỗn loạn. Các giá trị thật giả, đúng sai bị đánh tráo. Thơ chất lượng thấp tràn lan; giải thưởng, danh hiệu tràn lan. Cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng.
Thơ hiện nay là vậy. Cái non yếu chiếm lĩnh. Nhưng, suy cho cùng, cái non yếu của thơ cũng không hại gì. Điều đáng ngại là, người làm thơ đông, thơ in ra nhiều, nhưng người đọc lại không đọc thơ...
Bạn đọc thì muôn năm vẫn thế. Thấy hay, thấy thích thì vui. Không hay, không thích bỏ đi tìm sân chơi khác, vô thưởng vô phạt, chẳng tội lỗi cũng chẳng sai trái gì. Lỗi không thuộc bạn đọc thì lẽ đương nhiên phải thuộc về nhà thơ. Nói rộng hơn nữa là cả những người làm công việc liên đến thơ như các tờ báo in thơ, các nhà xuất bản xuất bản thơ, các nhà quản lý về văn hóa nghệ thuật, rồi cơ chế, chính sách cũng góp phần dẫn đến cái hay, cái dở của thơ", nhà thơ Trần Anh Thái bày tỏ.
Trái ngược lại với ý kiến tham luận của nhà thơ Trần Anh Thái, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, việc ra đời tràn lan các câu lạc bộ thơ không ảnh hưởng gì, mà còn khuyến khích các nhà thơ chuyên và không chuyên sáng tác.
Tuy nhiên việc xuất bản thơ quá nhiều khiến thơ thành mặt hàng bị "ế". Thực trạng dễ nhận thấy là nhiều hiệu sách không còn bán tác phẩm thơ. Xuất bản thơ quá nhiều nhưng tác phẩm lại quá ít. Người đọc thơ giảm chưa từng có. "Người ta còn trêu vui nhau thế này: "Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ", chia sẻ hài hước của nhà thơ Vũ Quần Phương khiến toạ đàm không khỏi bật cười thích thú.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đề cập thêm, hiện nay cũng có thực trạng xuất hiện cả dịch vụ biên tập, cuộc thi thơ tràn lan như thi hoa hậu, xuất hiện quá nhiều, điển hình như vụ nhà thơ thế giới Tống Thu Ngân gây xôn xao dư luận suốt thời gian vừa qua.
Đưa ra ý kiến trong tham luận tại toạ đàm, nhà biên kịch, nhà thơ Nguyễn Hiếu thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Ông cho rằng, thơ bị thờ ơ còn vì sự đi xuống của văn hoá đọc. Thơ hiện nay không gắn với tâm tư người đọc. Nhiều nhà thơ chưa biết cách gắn đề tài lớn lao gần hơn với đời sống bạn đọc, chủ đề yêu đất nước rất hay nhưng khi làm thơ thì câu từ sáo rỗng không khác gì khẩu hiệu, nặng về tán tụng, vuốt ve, đánh võng cảm xúc, tự nuông chiều cảm xúc mà quên đi thơ cũng phải đa chiều.
Nhận định về thực trạng thơ hiện nay, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu khẳng định: "Nhìn tổng thể, thơ hôm nay cơ bản vẫn là sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ của truyền thống thơ đã được định hình mấy chục năm qua. Đó là thơ đại chúng.
Các nhà thơ đại chúng là chủ nhân của thơ hôm nay. Thơ của họ đúng tầm đón đợi của đa số người đọc đại chúng - cả bình dân và trí thức. Thơ đại chúng là chủ thể của thơ Việt Nam hiện nay. Nó không chỉ đúng tầm đón đợi của bạn đọc mà còn đáp ứng đúng ý muốn của những người làm công tác văn hoá, văn nghệ. Sợ pha trộn mật thiết giữa thơ dân dã và thơ tuyên truyền làm nên diện mạo thơ hiện nay".
Trong phần thứ 2 của toạ đàm Thơ Hiện nay với Hôm nay, các nhà thơ tiếp tục đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: "Thơ hiện nay nên như thế nào?". Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, điều quan trọng nhất trong sáng tác thi ca là phẩm chất thơ phải hướng đến cuộc sống hôm nay, hướng đến tình yêu quê hương; quan tâm hơn đến cả những cảm xúc tích cực, lẫn trăn trở trong cuộc sống hôm nay.
Theo nhà thơ Nguyễn Viết Chiến, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ hôm nay không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ.
"Thơ hay luôn có ở mọi nơi, chỉ trừ những thứ thơ không có tài năng và những người cố "nghiến răng mưu toan" trở thành thi sĩ, những người cố tình bịa ra thơ", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định.
Nhìn về thơ hiện nay, nhà thơ Đoàn Văn Mật nhận định: "Hiện nay, gần như thơ ca không thể hiện được tiếng nói, vai trò phản tỉnh của mình. Đã có những câu hỏi rốt ráo được đặt ra rằng: Nhà thơ đang ở đâu? Đang làm gì và đang viết gì trước những hiện thực rất cần được lên tiếng ấy? Nên nhớ, ở một khía cạnh nào đó, bạn đọc chính là hàn thử biểu để đánh giá vai trò của nhà thơ với thơ ca và cao hơn nữa là giá trị của thơ ca đối với đời sống. Khi bạn đọc quay lưng với thơ ca, khi bạn đọc không còn tha thiết với thơ ca thì trách nhiệm đó thuộc về nhà thơ".
Lắng nghe tất cả những ý kiến tham luận và đóng góp tại buổi toạ đàm Thơ Hiện nay với Hôm nay, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ kết luận: "Làm thơ phải đặt sự tôn trọng bạn đọc lên hàng đầu. Chúng ta không thể cấm mà phải tạo điều kiện cho cả những người làm thơ không chuyên nghiệp phát triển. Chúng ta cũng cần nhận thức rõ một điều thơ có giá trị lớn lao, thơ không phải hàng hoá sản xuất hàng loạt. Thơ Việt Nam đã có thành tựu rất lớn, tác động đến tình cảm, nhân cách con người nhanh hơn và có sức thẩm thấu. Các tác phẩm thơ nếu được các nhạc sĩ chấp bút thì còn có thể vươn xa hơn, lan toả hơn.
Ban về chuyện in ấn và xuất bản, hiện nay nhiều thơ chất lượng thấp nhưng vẫn được in. Đó là sự thật. Tôi cho rằng cần tìm ra cách quản lý xuất bản khéo léo để tạo điều kiện cho cả những nhà thơ chuyên và không chuyên cùng phát triển".