Theo các giáo sư tại một số trường ở Mỹ, công cụ chatbot AI (trí tuệ nhân tạo) mới được gọi là ChatGPT đã vượt qua kỳ thi luật của 4 khóa học tại Đại học Minnesota và 1 kỳ thi khác tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania.
Để kiểm tra xem ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời tốt như thế nào trong các bài kiểm tra cho 4 khóa học, các giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Minnesota gần đây đã chấm điểm các bài kiểm tra này.
Sau khi hoàn thành 95 câu hỏi trắc nghiệm và 12 câu hỏi tự luận, ChatGPT đạt điểm trung bình ở trình độ của một sinh viên C+ với mức điểm thấp nhưng đậu trong cả 4 khóa học.
ChatGPT đạt kết quả tốt hơn trong kỳ thi của khóa học quản lý kinh doanh tại trường Wharton, nơi nó đạt điểm từ B đến B-. Trong một bài báo mô tả chi tiết về hiệu suất của ChatGPT, giáo sư kinh doanh Christian Terwiesch của trường Wharton cho biết, nó đã làm “một công việc đáng kinh ngạc” khi trả lời các câu hỏi cơ bản về quản lý hoạt động và phân tích quy trình.
Tuy nhiên, nó gặp khó khăn với những thông tin đưa vào nâng cao hơn và mắc “những lỗi đáng ngạc nhiên” với toán học cơ bản.
“Những lỗi này có thể rất nghiêm trọng" - Ông cho biết.
Kết quả kiểm tra trên được công bố khi ngày càng nhiều trường học và giáo viên bày tỏ lo ngại về tác động tức thì của ChatGPT đối với sinh viên và khả năng gian lận trong bài tập của họ.
Một số nhà giáo dục hiện đang nỗ lực suy nghĩ lại về các bài tập của họ để đối phó với ChatGPT, ngay cả khi vẫn chưa rõ mức độ phổ biến của công cụ này đối với sinh viên và mức độ ảnh hưởng thực sự của nó đối với việc học.
Kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 11/2022, ChatGPT đã được sử dụng để tạo các bài tiểu luận, câu chuyện và lời bài hát gốc theo lời nhắc của người dùng.
Nó đã soạn thảo các bài nghiên cứu tóm tắt để đánh lừa một số nhà khoa học. Một số CEO thậm chí đã sử dụng ChatGPT để viết email hoặc làm công việc kế toán.
ChatGPT được đào tạo dựa trên một lượng lớn dữ liệu trực tuyến để tạo phản hồi cho người dùng. Mặc dù thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng ChatGPT cũng gây ra một số lo ngại, bao gồm tính thiếu chính xác và duy trì thiên kiến và truyền bá thông tin sai lệch.
Giáo sư luật Jon Choi của Đại học Minnesota, nói với CNN rằng mục tiêu của các bài kiểm tra là khám phá tiềm năng của ChatGPT trong việc hỗ trợ luật sư hành nghề và giúp sinh viên trong các kỳ thi, cho dù giáo sư của họ có cho phép hay không.
Theo giáo sư Choi, ChatGPT gặp khó khăn với những phần cổ điển nhất của kỳ thi vào trường luật, chẳng hạn như phát hiện các vấn đề pháp lý tiềm ẩn và phân tích sâu việc áp dụng các quy tắc pháp lý vào các tình tiết của một vụ án. Tuy nhiên, ChatGPT có thể rất hữu ích trong việc tạo bản nháp đầu tiên mà sau đó sinh viên có thể chỉnh sửa.
Ông lập luận rằng sự hợp tác giữa con người và AI là khả năng sử dụng hứa hẹn nhất cho ChatGPT và công nghệ tương tự.
“Linh cảm mạnh mẽ của tôi là trợ lý AI sẽ trở thành công cụ tiêu chuẩn cho các luật sư trong tương lai gần và các trường luật nên chuẩn bị cho sinh viên của họ sẵn sàng cho tình huống đó” - Ông nói - “Tất nhiên, nếu các giáo sư luật muốn tiếp tục kiểm tra khả năng nhớ đơn giản các quy tắc và học thuyết pháp lý của sinh viên, họ sẽ cần đưa ra các hạn chế như cấm sử dụng internet trong các kỳ thi để thực hiện điều đó”.
Tương tự như vậy, giáo sư Terwiesch của trường Wharton nhận thấy chatbot “rất giỏi” trong việc sửa đổi câu trả lời của nó theo gợi ý của con người, chẳng hạn như làm lại câu trả lời sau khi chỉ ra lỗi. Điều này cho thấy tiềm năng con người có thể làm việc cùng với AI.
Theo CNN