Bức tượng rồng cắn thân chân xé mình ngàn tuổi độc nhất Việt Nam
PV
07/02/2023 17:32 GMT+7
Tư thế "quằn quại" của bức tượng như ẩn chứa tâm trạng đau đớn, bi thương, phẫn uất. Có ý kiến cho rằng bức tượng thể hiện nỗi đau và sự phẫn nộ xuyên thế kỷ khi vị Thái sư nhà Lý bị vu oan "hóa hổ giết vua".
Đền thờ Lê Văn Thịnh (thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là nơi đang lưu giữ một tác phẩm điêu khắc cổ độc nhất vô nhị Việt Nam. Đây là một bức tượng được gọi là rồng đá hoặc xà thần, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam từ năm 2013
Vào năm 1991, khi nhân dân địa phương tiến hành tu sửa đền, bức tượng đã phát lộ dưới đám cây dại, ngay phía lối lên đền. Sau khi phát hiện khối tượng lạ, người dân trong làng đã xây một ngôi miếu nhỏ, đưa tượng vào thờ và gọi bằng cái tên cung kính "ông rồng".
Về tổng quan, tượng được làm bằng đá sa thạch, có chiều cao 79 cm, rộng (ngang) 136 cm, dài (từ trước ra sau) 103cm, trọng lượng khoảng 3 tấn. Hiện vật có niên đại từ thời Lý, khoảng thế kỷ12.
Thân rồng hình tròn không liền nhau mà được chia thành hai phần cuộn vào nhau khá cân đối. Phần thân đầu nằm phía dưới, qua đoạn giao cắt với thân trên thì đầu rồng vươn lên uốn cong rồi cúi xuống ngoạm vào phần thân đuôi phía trên.
Đầu rồng có tỷ lệ cân đối với phần thân, không có râu, bờm và mào như thường gặp ở rồng thời Lý, lỗ mũi nhỏ, hai mang phình, miệng há rộng với hàm răng 12 chiếc dài sắc nhọn.
Đôi mắt rồng tròn, lồi ra ngoài, hai vành tai nổi lên hai bên đầu phía trên mang. Tai bên phải đặc, tai trái có một lỗ nhỏ khá sâu.
Chân rồng khuỳnh rộng sang hai bên với những móng vuốt nhọn hoắt, gân guốc, mỗi chân xòe rộng năm ngón bấu chặt vào phần thân đuôi.
Phần thân đuôi có một hàng vây lớn chạy dọc sống lưng, phía cuối đuôi uốn cong hình xoắn ốc như muốn vận công lực bẻ quặt đuôi lên phía trước để ghì chặt lấy phần thân đầu phía dưới.
Chỗ giao nhau giữa phần thân đầu và phần thân đuôi liền nhau tạo thành một khối thống nhất. Vết đứt của hai phần thân rồng khá phẳng, gọn cho ta cảm giác đây là chủ định của tác giả chứ không phải là phần đứt gẫy bị mất chưa tìm thấy.
Toàn thân linh vật được bao phủ một lớp vảy tựa như vảy rồng.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tượng xà thần mang các đặc trưng của nghệ thuật thời Lý như chất liệu sa thạch, hình khối nuột nà chắc khỏe, đường nét mềm mại, tinh tế. Dấu vết kỹ thuật tạo tác mang đặc trưng của kỹ thuật thời Lý.
Tuy không phức tạp như rồng nhưng nghệ thuật tạo tác vẫn thể hiện kỹ, tinh xảo, khối hình nuột khỏe, dáng vẻ và tư thế của xà thần hết sức sống động.
Bức tượng mang nhiều đặc điểm của loài rắn nhưng lại có đôi chân như chân rồng đã làm dấy lên tranh luận đây là rồng hay rắn. Tạo hình "nửa rồng, nửa rắn" như bức tượng ở đền thờ Lê Văn Thịnh chưa từng được bắt gặp trong hệ thống linh vật cổ của Việt Nam.
Đặc biệt, tượng rồng đá / xà thần được tạo hình với tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" được đánh giá là hết sức kỳ lạ. Trong suốt chiều dài của nền điêu khắc cổ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á không có bức tượng nào như vậy.
Tư thế "quằn quại" của bức tượng như ẩn chứa tâm trạng đau đớn, bi thương, phẫn uất đến cùng cực. Có ý kiến cho rằng tượng là hiện thân của Thái sư Lê Văn Thịnh, do người đời tạc sau khi ông mất để để thể hiện nỗi đau và sự phẫn nộ xuyên thế kỷ khi ông bị vu oan "hóa hổ giết vua".
Ngược dòng lịch sử, Lê Văn Thịnh là một danh nhân khoa bảng nổi tiếng, Thủ khoa khai khoa của nền khoa bảng Hán học. Ông là một bậc đại thần có công lao to lớn với vương triều Lý, đã làm đến chức Thái sư dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Đến năm 1096 thì Lê Văn Thịnh dính vào vụ án hồ Dâm Đàm, bị lưu đày rồi mất do tuổi cao sức yếu. Trong vụ án này, ông bị kết tôi mưu phản nhưng được vua miễn tội chết. Dân gian kể rằng, khi vua du ngoạn ở hồ Dâm Đàm, ông đã hóa thành hổ với mưu toan giết vua.
Các sử gia sau này đều cho rằng Lê Văn Thịnh đã bị hàm oan. Có thể ông đã bị hạ bệ do sự nghi kỵ từ nhà vua, hoặc ông là nạn nhân của cuộc cạnh tranh ý thức hệ giữa Phật giáo (quốc giáo) và Nho giáo (mà người đứng đầu là ông)...